MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao CPI tháng 8/2008 chỉ ở mức 1,8%?

Ông Nguyễn Tiến Thoả - Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng, ông không ngạc nhiên khi chỉ số giá (CPI) tháng 8 của cả nước chỉ tăng dưới 2%.

Có nhận định lo ngại rằng, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng ở mức 30% thời điểm cuối tháng 7 sẽ khiến CPI tháng 8/2008 tăng vọt lên mức 3%, nhưng báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa cho thấy, thực tế CPI tháng 8/2008 chỉ ở mức dưới 2%. 

Lý giải điều này với báo giới, ông Nguyễn Tiến Thoả phân tích, thứ nhất, trong tháng 8/2008, nhiều loại lương thực, thực phẩm thiết yếu như gạo, đồ chế biến, hàng tiêu dùng như điện máy giá ổn định và giảm. Chỉ có giá thuốc, cước vận tải tăng nhưng mức tăng vẫn kiểm soát được.

Thứ hai, khối lượng hàng hoá bảo đảm đủ nhu cầu. Thứ ba, công tác kiểm tra, kiểm soát sau khi xăng dầu tăng giá có hiệu quả, hạn chế được việc doanh nghiệp (DN) lợi dụng tăng giá quá cao. Đặc biệt, công tác truyền thông tương đối tốt nên đợt này rất ít các tác động tăng giá do tâm lý.

CPI các tháng có xu hướng giảm dần

Liệu có chuyện nhà sản xuất, kinh doanh đã dự liệu và tăng giá sản phẩm từ trước đó nên tháng 8/2008 họ không tăng giá nữa, thưa ông? 

Không thể nói họ đã tăng cao trước được. Bởi lẽ, nhìn vào CPI tháng 5 đến tháng 7/2008, có thể thấy, mức tăng của tháng sau thường thấp hơn tháng trước, xu thế đang giảm dần đi.

Nếu không có chuyện điều chỉnh giá xăng dầu vào cuối tháng 7/2008 thì CPI tháng 8/2008 sẽ thấp hơn mức 1,13% của CPI tháng 7. Với việc giá xăng dầu tăng vừa qua, tính ra chỉ số giá tháng 8/2008 gia tăng thêm 0,7% so với tháng 7/2008.

Vậy có thể cho rằng sở dĩ CPI tháng 8/2008 không có sự “tăng vọt” là do giá sản phẩm hiện chưa thể phản ánh ngay lập tức giá đầu vào?

Không, vấn đề ở chỗ, trong bối cảnh lạm phát, bản thân các DN cũng phải tính toán rất kỹ, thậm chí chấp nhận giảm lợi nhuận. Bởi họ biết, nếu đẩy giá lên cao nữa sẽ rất khó bán được hàng trước áp lực của các mặt hàng cùng loại trong nước hoặc hàng nhập khẩu.

Không để CPI vượt 2%/tháng

Thông thường khoảng thời gian  tháng 6 đến tháng 9 hàng năm, CPI tăng chậm, liệu các tháng tiếp theo chúng ta có duy trì được mức tăng dưới 2%/tháng?

Bằng các chính sách tài chính, tiền tệ và nhiều biện pháp khác, phải quyết tâm giữ ở mức đó, không thể để chỉ số giá các tháng cao hơn được.

Những yếu tố đột biến nào từ nay đến cuối năm có thể tác động đến lạm phát, đột biến ở đây được hiểu theo chiều hướng tốt, hoặc xấu, thưa ông?

Thứ nhất là vấn đề kinh tế thế giới. Nếu kinh tế Mỹ phục hồi tốt nó sẽ tác động đến nền kinh tế thế giới. Các thị trường tài chính, tiền tệ, hàng hoá sẽ vận động khá hơn chứ không ảm đạm. Và như vậy, nó sẽ tốt hơn cho xuất khẩu cũng như vốn từ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Nhưng xu thế lạm phát trên thế giới vẫn chưa thể bình ổn ngay được. Nói cách khác, tình hình kinh tế có thể tốt lên nhưng mặt bằng giá của thế giới vẫn đứng ở mức cao.

Còn trong nước từ nay đến cuối năm, yếu tố thiên tai, dịch bệnh đối với lúa và gia súc, gia cầm vẫn rất phức tạp, làm ảnh hưởng đến nguồn cung.

Tiếp đó, một số chính sách kiếm chế lạm phát như thắt chặt tiền tệ, kiểm soát chi tiêu công, cắt giảm đầu tư công sẽ tác động đến vốn đầu tư. Đồng thời, nhiều DN gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, khiến tăng trưởng kinh tế nước ta sẽ chậm hơn mức dự kiến là 7%/năm.

Một điểm nữa là nhập siêu. Càng nhập siêu nhiều thì lạm phát càng cao. Chúng ta đang phấn đấu kéo nhập siêu xuống dưới 30% cả năm nhưng đây cũng là một thách thức rất lớn.

Hỗ trợ DN, thúc đẩy sản xuất

Trước tình hình đó, theo ông đâu là những biện pháp quan trọng hiện nay?

Cần phải thực hiện đến nơi, đến chốn 8 nhóm giải pháp của Chính phủ.

Đầu tiên phải bảo đảm sản xuất, nguồn cung. Phải làm quyết liệt, nhất là những mặt hàng thiết yếu như điện, sắt thép, xi măng, lương thực thực phẩm. Không để thiếu trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Về chính sách tiền tệ, phải hỗ trợ DN sản xuất, đảm bảo nguồn cung. Do đó, lãi suất phải xem xét để xử lý giảm theo tín hiệu thị trường. Bên cạnh đó, không nên cào bằng về vốn vay mà phải phân loại: DN nào làm ăn tốt, có hiệu quả thì vẫn phải cho vay, còn DN nào làm ăn kém, vay vốn để đầu cơ chứng khoán, bất động sản thì phải loại ra...

Giải pháp về tài chính là cắt giảm đầu tư công cũng như cắt giảm chi tiêu thường xuyên phải làm thực sự chứ không phải cắt giảm trên giấy.

Kiềm chế tốc độ tăng giá những tháng cuối năm là nhiệm vụ khá nặng nề.

Liên quan đến bội chi ngân sách, bội chi bây giờ phải giảm xuống dưới 5% cả năm. Bởi, tổng thu nhập quốc dân (GDP) ngày càng lớn mà bội chi vẫn cứ để 5%, tiền ra càng nhiều sẽ thúc đẩy lạm phát.

Với ông, chỉ số CPI tháng 8, ở mức từ 1,6 – 1,8% - con số này có gây ngạc nhiên?

Không có gì ngạc nhiên cả vì dự báo của Tổ Điều hành Thị trường trong nước và dự báo của Cục, căn cứ vào xu thế giảm giá của nhiều nhóm hàng trong đó có lương thực, thực phẩm… từ đầu đã tính được mức tăng khoảng 1,8%. Chính vì thế mới điều chỉnh giá xăng dầu lên vào thời điểm đó.

Xin cảm ơn ông!

Theo Nguyễn Nga
Vietnamnet

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên