MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam có nên dự trữ ngoại hối đồng Nhân dân tệ?

Câu chuyện tỷ giá thực sự nóng lên trong phiên thảo luận về chính sách tiền tệ năm 2016 tại tọa đàm trực tuyến “Làm ăn gì năm 2016?” do BizLIVE tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế FLC Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Tại đây, nhiều câu hỏi được đặt ra cho đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc điều hành tỷ giá trong bối cảnh thị trường thế giới nhiều biến động, đặc biệt là FED sẽ điều chỉnh lãi suất trong tháng 12 này, đồng Nhân dân tệ sẽ vào rổ tiền tệ quốc tế.

Đại diện doanh nghiệp, ông Phí Ngọc Trịnh, Phó tổng giám đốc Công ty May Hồ Gươm, đặt câu hỏi: Tôi cũng muốn hỏi các chuyên gia là đồng Việt Nam sẽ bị giảm bao nhiêu % để doanh nghiệp biết trước và có chuẩn bị. Và có nên dự trữ Nhân dân tệ không là những câu hỏi được nhiều doanh nghiệp quan tâm trong thời gian qua?

Nên dự trữ một phần ngoại hối bằng đồng Nhân dân tệ

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Đức Long, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, cho biết việc đồng Nhân dân tệ được đưa vào rổ SDR thì đây là việc sớm hay muộn cũng sẽ xảy ra.

“Qua tổng hợp đánh giá, tác động trước mặt của việc đồng Nhân dân tệ vào SDR không có tác động quá lớn trong thời gian tới. Dự trữ đồng Nhân dân tệ trong Ngân hàng Trung ương các nước vẫn còn thấp, chiếm khoảng 1%, trị giá khoảng 11.000 tỷ USD. Việc Nhân dân tệ vào rổ tiền quốc tế khiến đồng tiền này sẽ chịu tác động theo thị trường thế giới”, ông Long dự đoán.

Ông Long cũng cho biết, việc đồng Nhân dân tệ vào rổ SDR được nhiều chuyên gia nhận định với nhiều ý kiến trái chiều như có ý kiến cho rằng sẽ giảm giá, còn có ý kiến cho rằng sẽ tăng giá trở lại do giới đầu tư sẽ mua mạnh vào.

“Tuy nhiên, khả năng thứ hai không chắc chắn, do nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn yếu, nên nhiều khả năng đồng Nhân dân tệ sẽ không tăng giá mạnh hoặc điều chỉnh nhẹ”, ông Long dự đoán.

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, cho rằng trước mắt thì không cần dự trữ ngoại hối đối với đồng Nhân dân tệ.

“Thanh toán ngoại thương của Việt Nam với Trung Quốc chủ yếu bằng đồng USD. Tuy vậy, trong bối cảnh mậu dịch song phương ngày càng tăng, việc thanh toán thông qua đồng ngoại tệ thứ 3 sẽ làm tăng chi phí thương mại. Do đó, NHNN nên dự trữ một phần ngoại tệ bằng đồng Nhân dân tệ”, ông Hiếu phân tích.

Điều hành tỷ giá trên lợi ích của toàn bộ nền kinh tế

Về câu hỏi tỷ giá năm 2016 sẽ như thế nào khi đồng Nhân dân tệ vào rổ SDR, FED điều chỉnh lãi suất, TS. Hiếu cho rằng với việc đồng Nhân dân tệ vào SDR chỉ mang tính chất biểu tượng. Những gì thế giới đang quan tâm vẫn là đồng USD, đồng Euro.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng.

“Để được vào rổ SDR trong năm 2016, đồng Nhân dân tệ phải được thả nổi tự do, được buông lỏng. Trước khi đồng Nhân dân tệ bị phá giá ở mức 6,2 CNY/USD, sau khi phá giá ở mức 6,269 CNY/USD. Vào tháng 11, tháng 12 đồng Nhân dân tệ lại bật lên, giá cao hơn sau khi phá giá. Không ngoại trừ khả năng đồng Nhân dân tệ sẽ bị phá giá ở mức 6,5 CNY/USD trong thời gian tới”, ông Hiếu phân tích.

Trong thời điểm đồng Nhân dân tệ bị mất giá 4% thì trong tháng 8, NHNN cũng phải điều chỉnh tỷ giá theo. Sắp tới đây khi đồng Nhân dân tệ tiếp tục mất giá thì phản ứng của NHNN như thế nào?

Trả lời câu hỏi này, ông Hiếu cho biết: “Tôi rất hy vọng với dự trữ ngoại hối trên 30 tỷ USD, NHNN có thể giữ tỷ giá giữ ổn định từ nay đến cuối năm”.

“Tuy nhiên, những biến động sắp tới như FED tăng lãi suất hay Trung Quốc thả nổi đồng Nhân dân tệ, là những động thái “vô tiền khoáng hậu”. Vì thế, NHNN cần có chính sách tỷ giá linh hoạt để đối phó với những biến động này”, ông Hiếu tư vấn.

Theo ông Hiếu, thời gian qua NHNN đã dùng 2 công cụ mạnh, đó là, kéo lãi suất tiền gửi USD xuống 0%-0,25% cho doanh nghiệp và cá nhân, và mới đây có thông tư quy định về ai được mua ngoại tệ. Tuy vậy, tỷ giá chỉ được kéo xuống một thời gian ngắn và sau đó lại biến động mạnh.

“Tôi mong muốn NHNN duy trì được sự ổn định đến đầu năm sau, nhưng NHNN nên linh hoạt trong điều hành tỷ giá trong bối cảnh chính sách tiền tệ của các nước lớn sẽ biến động”, ông Hiếu đề xuất.

Về vấn đề điều hành tỷ giá, ông Long cho rằng việc dự đoán VND/USD phụ thuộc rất lớn vào nền kinh tế và thị trường tài chính trong nước năm 2016.

“FED được dự báo tăng lãi suất trong vài ngày tới, tuy nhiên mức độ tăng lãi suất sẽ không lớn khi tính đến biến động của kinh tế toàn cầu”, ông Long nói.

Ông Long cho biết vấn đề tỷ giá của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào cung cầu ngoại tệ. “NHNN đang tổng hợp số liệu về nhu cầu ngoại tệ từ các bộ ngành và phân tích một loạt yếu tố khác như dòng vốn FDI, dự báo về kinh tế quốc tế, cán cân thanh toán và cán cân thương mại. Các giải pháp điều hành tỷ giá sẽ phải xem xét tới các yếu tố nêu trên”, ông Long phân tích.

Theo ông Long, quan điểm của NHNN về điều hành tỷ giá là đứng trên lợi ích của toàn bộ nền kinh tế, luôn tuân thủ ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo Trần Giang

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên