MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam "hút" doanh nghiệp Nhật đang hoạt động tại Thái Lan

Các doanh nghiệp Nhật Bản đang làm ăn tại Thái Lan có mối quan tâm ngày càng cao đối với việc chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam.

Việt Nam đang "hút" sự quan tâm của nhiều công ty Nhật

Tại hội thảo “Tác động của hội nhập kinh tế khu vực và Hành lang Đông - Tây đối với Đà Nẵng và miền Trung Việt Nam” do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ (CIEM) và UBND TP Đà Nẵng tổ chức ngày 20/3, ông Yoichi Kato, Chủ tịch JETRO Bangkok cho hay, các doanh nghiệp Nhật Bản đang làm ăn tại Thái Lan có mối quan tâm ngày càng cao đối với việc chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam.

Theo kết quả điều tra của Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Thái Lan (JCCB) được tiến hành cuối năm 2007, số lượng thành viên JCCB từ 394 công ty vào năm 1985 đã tăng lên 1.290 vào tháng 1/2008. Tuy nhiên tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp này đang có dấu hiệu xấu đi, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lương thực, dệt may...

Cuộc khảo sát này cũng đặt ra cho các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Thái Lan câu hỏi về thị trường có triển vọng trong tương lai. Điều đáng ghi nhận là Việt Nam đã được nâng từ hạng 3 ở cuộc khảo sát lần trước lên hạng 2 trong bảng xếp hạng gồm các thị trường như ASEAN, Việt Nam, Nhật Bản, Ấn Độ, EU, Trung Quốc, Mỹ, Trung Đông...

Không những thế, qua điều tra của JETRO đối với các công ty Nhật Bản tại châu Á về những nước/khu vực được coi là địa điểm sản xuất trong 5-10 năm tới, Việt Nam cũng được đánh giá cao.

Triển vọng nhiều, thách thức lớn!

Trả lời câu hỏi vì sao nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn chọn Việt Nam để “thay thế” Thái Lan, ông Yoichi Kato, Chủ tịch JETRO Bangkok cho hay, lý do đầu tiên là các doanh nghiệp Nhật muốn tránh rủi ro xuất phát từ sự tập trung vào Trung Quốc, nhất là tránh những rủi ro do đồng Nhân dân tệ tăng giá.

Nhưng một trong những sức hút lớn đối với các doanh nghiệp Nhật Bản chính là và sự kết nối giữa Việt Nam, Campuachia, Lào và Đông Bắc Thái Lan trong Tiểu vùng Mê kông với thế giới qua cửa ngõ ra biển Đông ở cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) trên Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Hơn nữa, Việt Nam có vị trí thuận lợi để kết nối giữa Trung Quốc và ASEAN. Từ vị trí như vậy, các công ty Nhật có thể dễ dàng mở rộng phạm vi hoạt động và tầm ảnh hưởng ra cả khu vực rộng lớn.

Tuy nhiên từ cái nhìn đối với Đà Nẵng và miền Trung mở rộng ra Việt Nam, ông Shinichi Iwama, Chủ tịch Công ty Daiwa Việt Nam cũng chỉ ra cơ sở hạ tầng về phân phối hàng hoá từ Việt Nam ra thế giới còn hạn chế, mạng lưới vận chuyển trong nước cũng kém, phải mất nhiều thao tác liên quan đến vận chuyển đường bộ do thiếu cơ sở hạ tầng như các tuyến đường cao tốc...

Bên cạnh đó, các cơ sở hạ tầng về cung ứng nguyên vật liệu, tư liệu... cũng còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin tuy đã được cải thiện nhưng tốc độ và dung lượng đường truyền Internet còn kém, đặc biệt nguy cơ thiếu điện là rất cao... Doanh nghiệp phải thường xuyên chịu cảnh mất điện, mất nước theo kế hoạch nên đã gây không ít thiệt hại cho sản xuất.

Đối với việc bảo đảm nguồn nhân lực, ông Shinichi Iwama chỉ ra một thực tế là Việt Nam đang rất thiếu đội ngũ quản lý - giám sát có kỹ năng tay nghề cao; thiếu lực lượng chuyên môn do các ngành công nghiệp chưa phát triển nhiều; rất khó khăn để tìm được những người có kinh nghiệm trong công việc tại các doanh nghiệp; và đặc biệt là thiếu nguồn nhân lực biết tiếng Nhật.

Theo đánh giá của ông Shinichi Iwama, ở Việt Nam còn ít người có kinh nghiệm làm việc trong doanh nghiệp. Văn hoá “làm việc tại doanh nghiệp” chưa thấm nhuần trong toàn xã hội, do vậy cần phải đào tạo cho lực lượng lao động về quy tắc, đạo đức khi làm việc tại doanh nghiệp ngay từ khi mới tuyển dụng.

Theo ông Shinichi Iwama, những điểm yếu này đang là thách thức không nhỏ để Việt Nam có thể thu hút được thêm nhiều nhà đầu tư Nhật Bản.

Theo Hải Châu
Vietnamnet

khanhhoa

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên