MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam sẽ đón làn sóng đầu tư lớn từ các FTA “thế hệ mới”

Các FTA “thế hệ mới” góp phần thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam, thúc đẩy giá trị gia tăng của sản xuất trong nước đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, nông sản, thủy sản …

Tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam và thế giới năm 2014 – Triển vọng 2015” do Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế trường Đại học Ngoại thương tổ chức cuối tuần qua, PGS.TS Nguyễn Văn Minh – Viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế cho biết, Việt Nam đang chứng kiến một năm 2014 đi qua với rất nhiều sự kiện. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, bên cạnh những cơ hội được mở ra là những thách thức rất lớn.

Trình bày tham luận tại hội thảo, ông Lê Triệu Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương nhận định, tình hình kinh tế VN năm 2014 tương đối ổn định, các chỉ số cơ bản đều đạt mục tiêu đã đề ra.

Trong đó, một số điểm sáng về kinh tế vĩ mô như: lạm phát thấp; tăng trưởng GDP đạt mục tiêu đề ra; xuất khẩu lần đầu tiên đạt con số trên 150 tỷ USD. Nếu nhìn nhận cả quá trình tăng trưởng của nền kinh tế từ năm 2007 đến nay thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam rất đãng ngưỡng mộ và ít có quốc gia nào đạt được.

Đồng thời, năm 2014 còn được ghi nhận là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam xuất siêu, khoảng 2 tỷ USD. Một trong những điểm nổi bật của kinh tế vĩ mô năm qua là quán trình hội nhập kinh tế quốc tế được đẩy mạnh, đồng đều trên tất cả các lĩnh vực; tiếp tục thực hiện cam kết WTO, nỗ lực xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN – AEC và đẩy mạnh đàm phán các FTA.

Bên cạnh đó, trong năm 2014, kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều tác động của tình hình kinh tế thế giới và không tránh khỏi những khó khăn, điển hình là giá dầu thô thế giới giảm mạnh trong thời gian gần đây.

Về dự báo triển vọng kinh tế năm 2015, ông Dũng cho biết, kinh tế vĩ mô tiếp ổn định, sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn. GDP tăng khoảng 6,2%; kim ngạch xuất khẩu tăng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu khoảng 5%; CPI tăng dưới 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 30%-32% GDP … Như vậy, hầu hết các chỉ tiêu đều cao hơn so với năm 2014.

Ông Dũng cũng cho biết, trong năm 2014, Việt Nam đã kết thúc đàm phán hiệp định FTA với Liên minh hải quan (Nga-Belarus-Kazakhstan) và hiệp định FTA với Hàn Quốc. Việc kết thúc đàm phán 2 hiệp định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường lớn như Nga, Hàn Quốc …

Đánh giá về những tác động thuận lợi của các hiệp định FTA, ông Dũng cho rằng, các hiệp định này sẽ giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tốt hơn quy trình liên kết kinh tế khu vực, và tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Theo ông Dũng, các hiệp định như TPP, VCUFTA, RCEP … đều là các FTA “thế hệ mới”, đóng góp vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng; cải thiện môi trường kinh doanh, thuận lợi hóa thương mại, tạo đầu vào chất lượng cao cho nền kinh tế …

Các hiệp định này sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường chủ chốt như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc …; giúp cho cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu cân bằng hơn và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, các FTA “thế hệ mới” góp phần thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam, thúc đẩy giá trị gia tăng của sản xuất trong nước đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, nông sản, thủy sản … và góp phần không nhỏ tạo việc làm cho các ngành kinh tế. Ông Dũng đơn cử, theo nghiên cứu của Bộ lao động, cứ 1 tỷ USD hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sẽ tạo thêm khoảng 250.000 việc làm.

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, ông Dũng cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức đối với Việt Nam khi các hiệp định FTA mới được ký kết.

Thứ nhất, đó là sức ép về mở cửa thị trường, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt đối với các đối thủ từ ASEAN, Trung Quốc – những nền kinh tế có quy mô và tốc độ sản xuất tương đồng với Việt Nam.

Thứ hai là thách thức về điều chỉnh hệ thống pháp luật có thể sẽ phải điều chỉnh nhiều quy định pháp luât về thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ … Thách thức khi phải đối mặt với những yêu cầu, tiêu chuẩn cao về chất lượng hàng hóa, chịu sức ép tuân thủ các điều khoản quy định về vệ sinh, môi trường, lao động và quy trình công nghệ.

Ngoài ra, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một số hệ quả về mặt xã hội như tình trạng phá sản, thất nghiệp ở các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh yếu.

Chính vì vậy, để chủ động tận dụng cơ hội từ các hiệp định FTA “thế hệ mới” mang lại, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nắm bắt thông tin, chủ đông xây dựng các kế hoạch kinh doanh để kịp thời hội nhập.

>>>Kết thúc đàm phán FTA Việt Nam-Liên minh Hải quan

Nguyệt Quế

huongtt

Tài chính Plus

Trở lên trên