MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam và 5 nỗi “sợ” khi vào TPP

Cựu Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển – Cố vấn Đoàn đàm phán thương mại Việt Nam cho rằng, bên cạnh những cơ hội, nền kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với 5 nỗi “sợ” khi vào TPP...

Được coi là một hiệp định lớn của thế kỷ XXI, TPP dự báo sẽ đem lại những lợi ích to lớn cho kinh tế Việt Nam, là “cú hích” cho xuất khẩu. TPP sẽ đem đến cơ hội cho các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, thủy sản, đồ gỗ và nông sản...

Mới đây, Nhật Bản cho biết sẽ thực hiện hợp tác trong nông nghiệp và chế biến nông, thủy sản để sản xuất tại Việt Nam nhưng có thể xuất khẩu về Nhật Bản với mức thuế suất về phía Nhật Bản là 0%. Đây là một cơ hội tốt để Việt Nam có thể phát triển nông nghiệp, thủy sản cũng như chế biến và phát triển công nghiệp thực phẩm.

Tuy nhiên, theo Cựu Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển – Cố vấn Đoàn đàm phán thương mại Việt Nam, bên cạnh những cơ hội, nền kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với 5 nỗi “sợ” khi vào TPP.

Thứ nhất, đó là sức ép cạnh tranh. Sức ép cạnh tranh sẽ gay gắt hơn giữa sản xuất, dịch vụ trong nước với hàng hóa, dịch vụ nước ngoài, cũng như ở những thách thức lớn hơn trong việc bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ, các vấn đề lao động, môi trường khi mà hàng hóa, dịch vụ hay đầu tư từ các nước TPP sẽ được ưu tiên khi tiếp cận thị trường Việt Nam.

Nhìn vào cơ cấu xuất khẩu của các nước TPP, có thể thấy các mặt hàng vốn được bảo hộ cao như muối, thuốc lá, trứng gia cầm, thép, giấy… có thể không đáng ngại vì các nước trong TPP hoặc không xuất khẩu hoặc hướng đến phân khúc thị trường khác so với sản xuất trong nước.

Những ngành sản xuất của Việt Nam thực sự gặp khó khăn sẽ là ô tô, thịt lợn, thịt bò và đường. Các ngành bị tác động tương đối mạnh bao gồm: thực phẩm chế biến, rượu và hóa mỹ phẩm.

Đối với mặt hàng công nghiệp, điều đáng lo nhất đối với Việt Nam chính là quy định xuất xứ của sản phẩm. Ví dụ, ngay đối với sản phẩm dệt may, một ngành được đánh giá là có cơ hội lớn khi tham gia TPP, phải đáp ứng quy định từ sợi trở đi. Điều này có nghĩa là Việt Nam phải phát triển công nghiệp và dịch vụ trợ giúp cho dệt may như nhuộm, chỉ may, cúc áo, chất độn để cho hàm lượng có thể đạt được 70%.

Trên thực tế, hiện nay, ở Việt Nam, bông nhập đến 99%, nguyên liệu xơ nhập 50% từ các nước, các loại phụ liệu chủ yếu nhập từ Trung Quốc – một nước không nằm trong TPP. Trong khi đó, một trong những điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế quan là phải chứng minh nguyên, phụ liệu có xuất xứ từ Việt Nam hay các nước thành viên TPP. Đây là thách thức lớn nhất của dệt may Việt Nam trong thời gian sắp tới .

Bên cạnh đó, những điều kiện ngặt nghèo về lao động, về xuất xứ nguyên liệu cũng có thể khiến hàng hóa Việt Nam không tận dụng được lợi ích từ việc giảm thuế trong TPP. Tự do hóa thương mại quá đột ngột có thể còn dẫn tới phá sản và tình trạng thất nghiệp ở các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh yếu. Trong số 447.000 doanh nghiệp Việt Nam, năm 2012 có 72.000 doanh nghiệp có doanh số chỉ bằng 30% năm trước trở xuống .

Thứ hai, thách thức từ việc cải cách thể chế. Một trong những quy định của TPP là việc đấu thầu phải công khai minh bạch và được giám sát. Tuy nhiên đây là một “miếng mồi béo bở” nhất mà nhóm lợi ích trục lợi trên việc đấu thầu.

Việc yêu cầu về công khai minh bạch về đấu thầu và mua sắm chính phủ ở TPP nằm trong lợi ích của Việt Nam nhưng lại không phù hợp với nhóm lợi ích. Điều này rất dễ dẫn đến việc nhóm lợi ích này sẽ tìm cách kìm giữ, kiểm soát, kìm hãm sự phát triển của đất nước.

Thứ ba, những vấn đề phi thương mại (như vấn đề bảo hộ cao hơn đối với quyền sở hữu trí tuệ, đòi hỏi cao trong bảo vệ môi trường, những nguyên tắc về lao động…) có thể tác động tiêu cực đến hoạt động thương mại nếu yêu cầu cam kết quá cao so với khả năng đáp ứng của Việt Nam.

Điều này sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam mất nhiều chi phí hơn để thực thi (ví dụ vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ) hoặc là sẽ làm vô hiệu hóa những lợi thế có được từ những cam kết cắt giảm thuế quan của đối tác.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc gia tăng mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hay các tiêu chuẩn về TBT, SFS từ phía Việt Nam khi thực hiện TPP có thể là công cụ tốt để yên lòng các nhà đầu tư từ các nước đối tác TPP, đặc biệt là Hoa Kỳ. Khả năng gia tăng đầu tư nước ngoài (từ các nước đối tác TPP) vào Việt Nam cũng từ đó mà tăng lên.

Thứ tư, khó có thể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời gian ngắn. Việt Nam là một nước nhỏ trong TPP, lại là nước có nền kinh tế chậm phát triển. Việt Nam có hệ thống luật pháp về lao động lỏng lẻo, hệ thống bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ yếu kém, không đủ ngân sách đầu tư cho các công nghệ thân thiện với môi trường… Như thế họ sẽ thấy TPP là một “liều thuốc khó nuốt” .

Thứ năm, truyền thông về TPP quá yếu. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp không có đầy đủ thông tin về hiệp định này. Doanh nghiệp có nắm bắt được đầy đủ thông tin về hiệp định này thì mới có thể lên kế hoạch thay đổi hoạt động sản xuất kinh doanh, thay đổi công nghệ…

Ngày 21/11/2015 tại Khách sạn Rex, Tp. Hồ Chí Minh, Kênh thông tin Kinh tế Tài chính CafeF phối hợp với Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn Kinh doanh với chủ đề Đầu tư Nông nghiệp thời TPP.

Tại diễn đàn, các chuyên gia, doanh nghiệp sẽ chia sẻ kinh nghiệm Làm sao để tăng sức trong cạnh tranh, chớp thời cơ mới khi cánh cửa TPP đang mở rộng, để ghi tên trong lĩnh vực nông nghiệp trị giá tới 40 tỷ USD…

CafeF sẽ liên tục cập nhật những vấn đề thảo luận tại diễn đàn trên trang Http://cafef.vn từ 7h sáng ngày 21/11. Kính mời quý độc giả theo dõi.

 

 

Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên