MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam và TPP: "Chẳng đường nào trải bước trên hoa hồng"

Vào WTO khá muộn, kinh tế Việt Nam đã mất nhiều cơ hội. Vì vậy chúng ta tuyệt đối không nên để lỡ con tàu TPP một lần nữa.

TPP hiện đã có 12 quốc gia tham gia vòng đàm phán. Trong đó có các cường quốc khiến thế giới không thể không lưu tâm như Hoa Kỳ, Nhật Bản. Đây cũng là 2 quốc gia mà Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất.

Triển vọng kinh tế, cụ thể là quy mô nền kinh tế các quốc gia hiện tham gia TPP cụ thể như sau:



Nguồn: BSC
Có thể thấy rằng, quy mô dân số, GDP của các quốc gia nói trên là một triển vọng lớn, mở ra cơ hội đầu tư, giao thương đối với nước ta. Sau khi Nga chính thức gia nhập WTO, một Tổ chức thương mại người ta vẫn hay so sánh với TPP - thì WTO trở nên bão hòa. Nước nổi bèo nổi, những lợi thế khi tham gia WTO hầu như không còn nữa. TPP ra đời một lần nữa "sàng lọc" các quốc gia tạo ra những ưu thế riêng biệt.

Việt Nam đã hết sức hồ hởi khi là 1 trong 12 quốc gia đầu tiên tham gia vòng đàm phán TPP. Việc tham gia sớm vào một hiệp định bao giờ cũng có lợi thế đặc biệt, khi các quốc gia càng vào sau lại càng khó khăn khi phải đàm phán với càng nhiều quốc gia đi trước.

Tuy nhiên, như một khúc ca người ta vẫn thường hát: Chẳng đường nào trải bước trên hoa hồng...

Những băn khoăn

Trao đổi ngoài lề với các chuyên gia và nhà đầu tư trong buổi hội thảo do Chứng khoán BSC tổ chức tuần trước, có ý kiến cho rằng việc Trung Quốc và Hàn Quốc là 2 nền kinh tế phát triển mạnh mẽ lại không được mời vào vòng đàm phán TPP khiến giới quan sát băn khoăn. Điều đó không ngăn cản 2 quốc gia này chuẩn bị đón đầu TPP theo cách của họ. Đây là 2 quốc gia chúng ta nhập khẩu khá nhiều sản phẩm. Kim ngạch nhập khẩu năm 2012 của Việt Nam với Trung Quốc và Hàn Quốc lần lượt đạt 28,9 tỷ USD và 15,6 tỷ USD, đều tăng mạnh trên 17% so với năm 2011.

Ngành dệt may Việt Nam được coi là ngành được đón cơ hội vàng từ bữa đại tiệc TPP khi thuế xuất khẩu sang các nước trong TPP có thể được giảm từ 15 - 17% so với hiện nay. Tất nhiên, một điều lưu ý "nhỏ" là TPP yêu cầu các sản phẩm dệt may phải xuất phát từ sợi.

Đó mới chỉ là một rào cản hết sức bé nhỏ trong hàng loạt rào cản về kỹ thuật mà phía Việt Nam phải đối mặt khi tham gia cuộc chơi.

Một điều đáng lo ngại là đối với ngành tưởng như chiếm ưu thế lớn nhất, đó là việc các doanh nghiệp nước ngoài "mượn" Việt Nam làm nơi gia công để xuất khẩu và hưởng những lợi thế nói trên.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, dù không tham gia đàm phán TPP nhưng nhiều doanh nghiệp sợi, dệt, nhuộm của Đài Loan, Trung Quốc đã đầu tư nhiều nhà máy dệt nhuộm lớn tại Việt Nam. Điều này không quá khó để dự đoán khi nhân công Việt Nam được đánh giá là rẻ, cùng với các chính sách ưu tiên thu hút vốn nước ngoài, giờ còn thêm lợi thế về thuế quan khi xuất khẩu hàng sang các quốc gia như Nhật, Mỹ, Canada... thì còn gì bằng! 

Thậm chí, người ta còn cho rằng, Trung Quốc chuẩn bị cho TPP còn rốt ráo hơn Việt Nam, nhưng theo một cách gián tiếp, thông qua Việt Nam.

Việt Nam được gì trong sự liên kết đó?

FDI tăng, đó là một chỉ số quan trọng của kinh tế vĩ mô. Thuế thu nhập thu được từ các doanh nghiệp nước ngoài - đấy là chưa tính đến các trường hợp "lỗ ảo lãi thật" như các doanh nghiệp FDI bị phanh phui gần đây.

Ngược lại, Việt Nam phải chịu cạnh tranh khốc liệt. Vì, đáng tiếc thay, công nghệ của các quốc gia nói trên thông thường hiện đại hơn các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, những tác động xấu đến môi trường là điều cũng phải tính đến.

Rõ ràng, điều khoản về nguồn gốc hàng hóa xuất khẩu trong TPP có thể có dạng "có nguồn gốc từ sợi" chứ khó mà có một hàng rào kiểu như "phải từ các doanh nghiệp của Việt Nam"!

Mở cửa từ hai phía

Tham gia TPP là không chỉ hàng hóa Việt Nam được thuận tiện hơn khi xuất khẩu ra nước ngoài, mà chúng ta cũng phải mở cửa hơn để đón những luồng hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Nói cách khác, việc mở cửa là từ hai phía. Liệu các doanh nghiệp Việt có đủ sức cạnh tranh?

Còn nhớ, gần đây sản phẩm dầu thực vật được nhập ồ ạt vào Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất "kêu trời" và buộc Bộ công thương phải ra quyết định đánh thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm dầu thực vật nhập khẩu.

Đường nhập khẩu, sắt thép nhập khẩu,....có quá nhiều ví dụ để thấy sự non yếu của nền sản xuất Việt Nam khi phải chiến đấu ngay trên sân nhà.

Tất nhiên chúng ta vẫn nên tham gia TPP vì những lợi thế không thể chối cãi. Nhưng thận trọng trong việc đón đầu TPP cũng như đề ra những chính sách phù hợp, ngay từ bây giờ là điều mà Việt Nam cần làm.

Vào WTO khá muộn, kinh tế Việt Nam đã mất nhiều cơ hội. Vì vậy chúng ta tuyệt đối không nên để lỡ con tàu TPP một lần nữa.

Có một chuyên gia kinh tế đã từng nói vui về chuyện sớm - muộn như sau: Nhiều khi chúng ta đi chậm chúng ta lại thoát (những khủng hoảng). Đó có lẽ không đơn thuần chỉ là lời nói vui!

Minh Thư

thunm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên