MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Viettel sẽ thu nhận EVN Telecom từ 1/1/2012

Trong trường hợp tập trung kinh tế lên tới 50% - 60% thị phần mà doanh nghiệp buộc phải sáp nhập do có nguy cơ thua lỗ, giải thể thì cũng không có vấn đề gì vi phạm.

Thông tin mới nhất từ Bộ TT-TT cho biết, Chính phủ đã đồng ý trên nguyên tắc để Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel thu nhận toàn bộ EVN Telecom. Như vậy, vấn đề EVN Telecom sẽ được bán cho ai và bán như thế nào đã có hồi kết, cho dù Hanoi Telecom hết sức cố gắng để xin mua lại băng tần 3G và toàn bộ cơ sở hạ tầng mạng của EVN Telecom.

Nguồn tin từ Bộ TT-TT cho hay, trong thông báo từ Văn phòng Chính phủ gửi lãnh đạo Bộ TT-TT đã nói rõ là Viettel sẽ tiếp nhận toàn bộ EVN Telecom từ ngày 1-1-2012. Từ đây đến thời điểm đó, Viettel và EVN Telecom cần thống nhất cụ thể các vấn đề liên quan như: phương án tiếp nhận tài sản; tiếp nhận nợ; tiếp nhận và sử dụng người của EVN Telecom; lên phương án trả nợ cho EVN và các đối tác; phương án khai thác hạ tầng của EVN Telecom...

Một vấn đề khiến dư luận hết sức quan tâm trong thương vụ EVN Telecom là việc Hanoi Telecom đã xin mua lại băng tần 3G và toàn bộ cơ sở hạ tầng mạng của EVN Telecom.

Theo bà Trịnh Minh Châu, Tổng Giám đốc Hanoi Telecom, trước đây doanh nghiệp này đã cùng EVN Telecom liên danh trong cuộc thi tuyển 3G do Bộ TT-TT tổ chức và thắng thầu. Hai năm qua, liên danh này cũng đã đầu tư một khoản tiền lớn cho mạng lưới và xây dựng cơ sở hạ tầng cho mạng 3G theo đúng lộ trình cam kết. Đây là băng tần trọn vẹn và không thể chia cắt, vì thế Hanoi Telecom mong muốn Chính phủ cho phép mua lại băng tần 3G (chính xác là 1/2 giấy phép 3G) cùng hạ tầng mạng 3G của EVN Telecom.

Lãnh đạo Hanoi Telecom cũng cho rằng, nếu Viettel sáp nhập toàn bộ EVN Telecom sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lớn độc quyền, vi phạm luật cạnh trạnh. Theo TS Vũ Đình Ánh, Viện Nghiên cứu giá cả thị trường (Bộ Tài chính), Viettel hiện nay cũng giống như MobiFone hoặc VinaPhone trước kia đều không “độc quyền” mà chỉ “thống lĩnh thị trường”. Trong trường hợp tập trung kinh tế lên tới 50% - 60% thị phần mà doanh nghiệp buộc phải sáp nhập do có nguy cơ thua lỗ, giải thể thì cũng không có vấn đề gì vi phạm.

Thời gian qua, Hanoi Telecom cũng đã gần xa đề cập tới nguy cơ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ khởi kiện ra tòa quốc tế để đòi bồi thường với con số gấp nhiều lần so với 1 tỷ USD đã góp vốn vào Hanoi Telecom do Hanoi Telecom (cụ thể là mạng Vietnamobile) bị đối xử “không công bằng”.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh đề nghị: “Hanoi Telecom nên xem lại cách tiếp cận của mình. Ngoài việc sáp nhập theo thông lệ quốc tế thì trong câu chuyện này, các bên liên quan đều là các tập đoàn Nhà nước có phần vốn Nhà nước, cần phải hành xử theo luật lệ quy định của Việt Nam về việc sử dụng vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước”.

Như vậy, thương vụ EVN Telecom đã có hồi kết. Điều mà thị trường cũng như khách hàng trông chờ là những hành động, phương án kinh doanh cụ thể của Viettel khi đã “có được” EVN Telecom đúng như mong muốn. Còn Hanoi Telecom, mới đây mạng Vietnamobile đã chính thức cung cấp dịch vụ 3G, nhưng chắc chắn sẽ phải có cách tính lại cho chiến lược phát triển của mình.

Theo Trần Lưu

SGGP

thanhhuong

Trở lên trên