MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vinalines xin xóa 5 tàu: Đừng để làm bậy lại được thưởng

Nghe như cuộc mặc cả hay một điều kiện tối hậu thư để tái cấu trúc, chấp nhận đề xuất nghĩa là người làm tốt bị phạt, kẻ làm bậy được thưởng.

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn Giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright nêu quan điểm nếu những kiến nghị của Vinalines như xin loại 5 con tàu khỏi danh mục tài sản xác định giá trị doanh nghiệp, xin loại chi phí xây dựng cơ bản dở dang của 4 tàu đang đóng, đề nghị Chính phủ xóa toàn bộ nợ lãi và xóa 70% nợ gốc đối với tất cả các ngân hàng và tổ chức tín dụng trong nước mà không phân biệt mục đích cho vay được thông qua.

Đòi hỏi đặc quyền

PV:- Trong cuộc họp mới đây về cổ phần hóa, Vinalines kiến nghị loại 5 con tàu (gồm Vinalines Global, Vinalines Ocean, Vinalines Sky, Vinalines Trader và Vinalines Ruby) khỏi danh mục tài sản xác định giá trị doanh nghiệp. Ngoài ra, Vinalines cũng xin loại chi phí xây dựng cơ bản dở dang của 4 tàu đang đóng gồm một tàu 1.800 TEU và các tàu Liberty, Victory và Mercy. Ông có thể phân tích rõ, mục đích của đề xuất loại tài sản khỏi danh mục xác định giá trị doanh nghiệp này của Vinalines? Vinalines sẽ được hưởng lợi gì nếu đề xuất này được chấp thuận?

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn: -Việc loại 5 con tàu theo giải thích từ phía đại diện Vinalines là nhằm tránh làm giảm vốn chủ sở hữu mà có thể lên tới 1.989 tỉ đồng, bởi vì giá trị thực tế theo thị trường hiện nay của những con tàu này là rất thấp. Cách giải thích này vừa đúng mà cũng vừa không đúng.

Đúng là ở khía cạnh nguyên tắc kế toán, khi doanh nghiệp đánh giá lại giá trị tài sản giảm thì sẽ làm giảm nguồn vốn kinh doanh. Trong khi các khoản vay đã tài trợ cho tài sản là không thể giảm được thì vốn chủ sở hữu phải giảm. Tuy nhiên, cái không đúng là thay vì điều chỉnh lại giá trị tài sản theo giá trị thị trường (mark to market) thì Vinalines lại không làm như vậy mà thay vào đó là “bán cái” cho Công ty mua bán nợ DATC để vẫn giữ nguyên giá trị sổ sách.

Việc làm này của Vinalines sẽ giúp nó tránh được sự suy giảm giá trị sổ sách và suy yếu vốn chủ sở hữu nhưng gánh nặng đó lại chuyển qua cho DATC. Trong trường hợp này, DATC sẽ phải hoàn trả cho Vinalines một khoản tiền đúng bằng giá trị sổ sách của các tài sản được chuyển giao hoặc nếu không thì cũng là một khoản nợ phải trả của DATC đối với Vinalines.

Như vậy, DATC phải bỏ ra số tiền hoặc cam kết trả cho 5 con tàu này với giá bằng giá trị sổ sách, trong khi giá thị trường lại rất thấp. Nói khác đi, DATC đang bị ép phải mua đắt một tài sản có giá trị thấp của Vinalines. DATC được quyền bán, thanh lý tài sản này để trả nợ ngân hàng sau khi trừ chi phí thanh lý nhưng chắc chắn sẽ không thể đủ để trả được nợ ngân hàng được. Ở đây phải nói ngay rằng chắc chắn DATC sẽ không muốn mua những tài sản này trừ khi đây là nhiệm vụ.

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn - Ảnh: VNE
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn - Ảnh: VNE

Điều cũng cần nói thêm rằng, Vinalines không chỉ đề xuất loại 5 tàu trên mà còn loại cả chi phí xây dựng cơ bản dở dang của 4 tàu đang đóng khác, thậm chí họ còn đề nghị Chính phủ xóa toàn bộ nợ lãi và xóa 70% nợ gốc đối với tất cả các ngân hàng và tổ chức tín dụng trong nước mà không phân biệt mục đích cho vay.

Rõ ràng đây là một đòi hỏi đặc quyền hết sức vô lý, nghe như một cuộc mặc cả hay là một điều kiện tối hậu thư để tái cấu trúc. Nếu đề xuất này được chấp nhận thì rõ ràng chúng ta đang áp dụng một cơ chế khuyến khích tồi. Nghĩa là người làm tốt thì bị phạt, kẻ làm bậy thì được thưởng.

PV: -Thưa ông, giả định trường hợp đề xuất của Vinalines được chấp thuận điều đó có đồng nghĩa với việc tiền ngân sách Nhà nước đã chi ra cho nó vì thế mà “mất tích” không và tại sao? Biện pháp nào để khắc phục điều này, thưa ông?

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn:- Không phải đến bây giờ khi Vinalines xin loại các tài sản xấu ra khỏi bảng cân đối tài sản thì tiền Nhà nước mới “mất tích”. Tiền của Nhà nước đã mất tích khi Vinalines quyết định đầu tư vào các tài sản hay các dự án tồi, không hiệu quả trước đây.

Việc cho đến trước khi Vinalines xin loại các tài sản này là họ vẫn không chịu điều chỉnh lại giá trị sổ sách của các tài sản khi đã có bằng chứng cho thấy các tài sản này đã bị suy giảm giá trị thị trường. Sau khi chuyển giao các tài sản này cho DATC theo giá trị sổ sách để bảo toàn vốn tự có của Vinalines thì DATC lại phải gánh thay các nghĩa vụ nợ theo đúng giá trị sổ sánh nhưng lại được đảm bảo bằng cách tài sản đã bị suy giảm giá trị.

Nếu đây là các khoản nợ vay tại các ngân hàng cổ phần thì DATC phải có nghĩa vụ trả thay cho Vinalines phần chênh lệch còn thiếu sau khi bán thanh lý các tài sản chuyển giao chứ đâu thể theo đề xuất xóa nợ của Vinalines được. Còn nếu là ngân hàng thương mại Nhà nước thì việc xóa nợ theo chỉ đạo cũng không làm thay đổi bản chất của một sự mất mát tài sản nhà nước.

Để khắc phục điều này thì các biện pháp kế toán không thể giải quyết được vấn đề. Trục trặc nằm ở khía cạnh rộng hơn và phức tạp hơn, đó chính là vấn đề quản trị doanh nghiệp, vấn đề giám sát, quản lý vốn và tài sản tại các doanh nghiệp nhà nước, vấn đề phân bổ lợi ích trong khu vực công…

Ngân sách không dễ dãi chi trả

PV:- Trong bối cảnh còn nhiều nghi ngại về việc bán tài sản dưới giá vốn, đồng tình với đề xuất trên của Vinalines liệu có tạo một tiền lệ xấu trong việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước hay không? Nếu được tư vấn cho Chính phủ về đề xuất này, ông sẽ tư vấn Chính phủ đưa ra quyết định thế nào?

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn:- Tiền lệ xấu không phải bây giờ mới có, cũng không phải đến từ việc đồng tình với đề xuất của Vinalines mà do cơ chế ra quyết định và thể chế trao quyền lẫn ràng buộc trách nhiệm của chúng ta không rõ ràng.

Đề xuất của Vinalines là đòi hỏi đặc quyền hết sức vô lý, nghe như một cuộc mặc cả hay là một điều kiện tối hậu thư để tái cấu trúc.
Đề xuất của Vinalines là đòi hỏi đặc quyền hết sức vô lý, nghe như một cuộc mặc cả hay là một điều kiện tối hậu thư để tái cấu trúc.

Như tôi đã có dịp phân tích trước đây, việc bán tài sản dưới giá vốn là điều có thể chấp nhận được trong bối cảnh hiện nay để đẩy nhanh tiến trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và nền kinh tế. Tuy nhiên, các biện pháp tái cấu trúc cần phải rõ ràng và mạch lạc giữa mục tiêu và phương tiện.

Để cải cách thành công thì tư duy và cách làm cần phải thay đổi không thể chủ quan duy ý chí được. Nếu chúng ta chỉ khắc phục những cái sai để làm lại từ đầu nhưng không sửa chữa cái nguyên nhân đã dẫn đến cái sai đó, kể cả quan điểm phát triển, thì không được, sẽ không bao giờ thành công.

Như đối với các đơn vị trong Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam SBIC bị lỗ lũy kế và vốn chủ sở hữu âm thì cần phải cho phá sản. Trên thực tế, những doanh nghiệp này đã bị xem là đã phá sản về mặt kỹ thuật và chính phủ cần phải chấp nhận thực trạng này. Xét về phương diện kinh tế, chúng tôi không nhìn thấy lý do gì để Bộ Tài chính xem xét cấp đủ vốn điều lệ cho các đơn vị được giữ lại theo đề xuất của lãnh đạo SBIC. Ngân sách nhà nước mà cũng là tiền thuế của người dân không thể dễ dãi dùng để chi trả cho các yếu kém gây ra bởi một vài cá nhân hay tổ chức.

PV:- Trong khi Vinalines xin cho 5 con tàu thuộc quyền quản lý của mình được nằm ngoài vốn khi định giá tài sản thì Vinashin lại xin xẻ các con tàu ma như New Energy, New Phoenix, Hoa Sen... ra để bán sắt vụn giá rẻ vì không thể làm gì với các con tàu này được nữa. Xét về quản lý vốn, tài sản, ông có nhận xét gì về cách làm như vậy?

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn:- Trước hết, thực trạng này cho thấy rằng việc đầu tư kém hiệu quả không phải mang tính cục bộ, ngắn hạn mà là có tính hệ thống, kéo dài trong thời gian dài nhưng chúng ta lại không có một cơ chế giám sát hiệu quả từ các cơ quan quản lý tưởng như nhiều tầng nhiều nấc, lại thiếu trách nhiệm giải trình từ những người được giao trách nhiệm trực tiếp quản lý và sử dụng các tài sản công được ghi nhận trong Hiến pháp (Điều 17 của Hiến pháp 1992, và Điều 53 của Hiến pháp 2013).

Ở đây tôi xin không nói thêm về trách nhiệm của cá nhân hay tập thể ban lãnh đạo Vinashin đã để xảy ra tình trạng đầu tư không hiệu quả dẫn đến việc phải xin xẻ các con tàu ra để bán sắt vụn giá rẻ. Xét về phương diện quản trị tài chính, nếu như các con tàu này hoàn toàn không thể khai thác được giá trị sử dụng hoặc bán theo giá trị thị trường thì việc bán thanh lý hay xẻ ra bán phế liệu cũng là điều nên làm thay vì cứ để đó mà không thể dùng vào việc gì được, vì không chỉ gây lãng phí nguồn lực mà còn phát sinh thêm chi phí.

Trong trường hợp bán phế liệu thì chắc chắn giá trị thu được không thể đủ để trả nợ vay khiến cho vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp sẽ bị suy giảm, thậm chí âm vốn. Song, đây cũng là điều có thể chấp nhận vì nó giúp giải phóng các tài sản không thể sử dụng được ở góc độ người bán là Vinashin nhưng có thể được sử dụng cho mục đích khác ở góc độ người mua.

Tuy nhiên, vẫn có lo ngại tài sản nhà nước sẽ bị thất thoái ở chỗ các tài sản này sẽ không được bán với giá trị thị trường hợp lý (fair value), dù là phế liệu? Không thể nói rằng do sắt vụn mà bán với giá rẻ mạt như cho. Trong trường hợp này cần phải có cơ chế định giá cạnh tranh, tránh tình trạng thỏa thuận ngầm để bòn rút tài sản công ngay cả khi tài sản đó đã là phế liệu.

PV:-Thưa ông, nhiều người nhận định, đang có một xu hướng xin ưu đãi để… tái cơ cấu. Điều này có chứng tỏ thêm nghi ngờ của dư luận về nhóm lợi ích trong các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước không thưa ông? Để xóa bỏ điều này, việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước cần phải thực hiện thế nào?

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn:- Ở đâu cũng có nhóm lợi ích, trong các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước cũng không ngoại lệ. Nhóm lợi ích tự thân nó không hẳn đã xấu mà vấn đề là lợi ích mà nhóm đó đạt được là như thế nào, liệu có gây phương hại đến lợi ích của nhóm khác, của người dân và nền kinh tế hay không. Nhà nước phải đứng trên quan điểm và lập trường của toàn xã hội để đánh giá vai trò của các nhóm lợi ích, để từ đó có những biện pháp điều chỉnh và quản lý.

Việc xin ưu đãi để tái cơ cấu hoàn toàn có thể quan sát được qua các động thái chính sách gần đây, đặc biệt là các đề xuất của Vinalines như đã đề cập. Như tôi đã nói ở trên, ban ưu đãi để tái cơ cấu là một cơ chế khuyến khích tồi vì nó tạo ra cái mà người ta gọi là rủi ro đạo đức (moral hazard). Các nhà làm chính sách có vẻ như luôn xem nhẹ vấn đề này.

Điều cần lưu ý là các ưu đãi này thường được lấy từ nguồn ngân sách hoặc nếu không thì cũng là một đặc quyền kinh tế. Trong trường hợp là một đặc quyền kinh tế, nó không chỉ nuôi dưỡng sự thụ động và ỷ lại mà còn một lần nữa sẽ bóp chết năng lực cạnh tranh của các khu vực kinh tế khác vốn cũng đang thoi thóp thở.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Tâm An

cucpth

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên