MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vinashin: đơn kiện đòi bồi thường 600 triệu USD vô giá trị

Phản ứng trước đơn kiện của Quỹ đầu tư mạo hiểm Elliott lên Tòa án London hồi đầu tháng 11 năm ngoái, Vinashin khẳng định hành động này của chủ nợ nước ngoài là vô giá trị.

Hãng tin Bloomberg mới đây đưa tin, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) vừa bác lại đơn kiện đòi bồi thường 600 triệu USD từ Quỹ đầu tư mạo hiểm Elliott của Hà Lan là vô giá trị.

Trước đó, hồi đầu tháng 11/2011, chủ nợ nước ngoài này đã đệ đơn kiện Tập đoàn và 21 công ty con của Vinashin lên Tòa Thượng thẩm London nhằm đòi nợ, giá nợ có lúc chỉ còn giao dịch ở mức bằng 40% mệnh giá.

Theo đó, hôm 9/1, Vinashin tuyên bố, chỉ có người đại diện và dàn xếp cho hợp đồng vay này là Credit Suisse AG, chi nhánh tại Singapore, mới có thể siết nợ theo sự chỉ đạo của đa số chủ số.

Phía Vinashin lập luận, chủ nợ Elliott Vin (Hà Lan) NV mua lại khoản cho Vinashin vay từ Bank of America N.A nhưng đã không thông báo hợp thức cho Credit Suisse về việc này như hợp đồng cho vay yêu cầu và Elliott phải chứng minh được họ là chủ nợ hợp lệ.

Theo hồ sơ của Moody’s thì hãng đóng tàu của Việt Nam đã nhận khoản vay hồi năm 2007 song vẫn chưa thanh toán được khoản nợ 60 triệu USD đáo hạn lần đầu vào tháng 12/2010 và thêm 2 lần nữa, đưa hợp đồng vay vào tình thế vỡ nợ.

Trên thực tế, nếu theo đúng quy định thì Vinashin đã phải trả 60 triệu đầu tiên (phần gốc, lãi trả riêng) trong tổng nợ 600 triệu USD tiền nợ vào hồi tháng 12/2010. Sau đó cứ 6 tháng một lần, Tập đoàn lại trả tiếp 60 triệu USD, tương đương 10% khoản nợ. Như vậy, nếu theo đúng hợp đồng, đến tháng 12/2011 vừa rồi, Vinashin đã phải trả tổng cộng 180 triệu USD.

Cùng với Credit Suisse, Ngân hàng Depfa và Tập đoàn Malayan Banking, Elliott là một trong khoảng 20 chủ nợ của Vinashin. Hợp đồng vay mà Vinashin ký với các chủ nợ nước ngoài không được chính phủ Việt Nam bảo lãnh mặc dù Chính phủ có viết một thư ủng hộ để Vinashin đi vay.

Mặc dù có nhiều lời đồn đoán xung quanh khả năng trả nợ của tập đoàn này, song Bộ Chính Trị hồi 2010 khẳng định “cương quyết không để Vinashin vỡ nợ và sụp đổ”. Đến nay, Tập đoàn vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu toàn bộ.

Cách đây 2 tháng, có thông tin cho biết, Chủ tịch HĐQT một ngân hàng lớn tại Việt Nam đã tuyên bố sẵn sàng mua lại toàn bộ khoản nợ của Vinashin với giá bằng 35% mệnh giá, tức 210 triệu USD so với gốc 600 triệu USD, và trả tiền ngay.

Theo Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết công tác 2011, doanh thu cả năm của Vinashin đạt trên 10.650 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa kế hoạch đề ra.
Theo Bích Diệp
Dân trí

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên