MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Với Trung Quốc chúng ta luôn vấp bài học cũ!

“Có cái điều rất đáng tiếc là chúng ta liên tiếp gặp những bài học cũ, không có rút ra được cái gì mới”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã nói như vậy khi phân tích câu chuyện các doanh nghiệp FDI Trung Quốc vào Việt Nam cũng như việc Việt Nam xuất sang Trung Quốc liên tục gặp “vướng” mà không tỉnh.

PV:-Kể từ cuối năm 2013 trở lại đây, việc thu hút FDI vào dệt, nhuộm dường như đang nóng lên với một loạt dự án được cấp phép và đang làm thủ tục xin phép địa phương. Đáng chú ý, có tới 90% số doanh nghiệp tham gia đầu tư đến từ Trung Quốc. Ông lý giải như thế nào về hiện tượng này?

Ông Phùng Quốc Hiển:- Chúng ta gia nhập WTO và lại tham gia TPP nữa thì phải chấp nhận một nền kinh tế mở thị trường mở tự do, không có rào cản thì chúng ta phải xử lý vấn đề đó. Việc đón các doanh nghiệp nước ngoài vào chúng ta chỉ có cách xử lý bằng thuế nhưng mà thuế thì cũng theo một quy định chung chứ không phải muốn tính sao thì tính.

Còn dệt may thì nhập vào phải tìm thị trường nếu họ không vào thì ta cũng tìm thị trường khác. Kinh tế thị trường là như thế, nó như dòng nước sẽ tìm đường đi của nó chứ không thể ngăn được.Hàng rào kỹ thuật thì cũng cần thiết nhưng cũng chỉ ở mức độ nhất định chứ lúc nào cũng mở thì người ta cũng làm như thế với mình. Người ta gọi là đối ứng, anh xử lý tôi thế này thì tôi xử lý anh thế kia. Trong khi Việt Nam mới vào kinh tế thị trường cái gì cũng yếu hơn nên chỉ khi nào mình mạnh thì mới nói mạnh được.

Nếu như bây giờ có chuyện thì phải có cách xử lý của chúng ta.Chúng ta luôn luôn là một nền kinh tế độc lập chứ không phải cứ tin tưởng vào một cái gì đó. Thị trường là thế hôm nay là bạn hàng ngày mai có thể không phải là bạn hàng nữa.

Tôi chưa nói chuyện gì khác mà mới chỉ như một nền kinh tế bình thường thì những quan hệ bạn hàng nó cũng chỉ là mục đích lợi ích là chính.

PV:-Khi đầu tư vào Việt Nam theo hình thức FDI, Trung Quốc sẽ được mang công nghệ, nhân công và được hưởng những chính sách ưu đãi giành cho nguồn vốn FDI. Mặt khác với những siêu dự án như vậy các doanh nghiệp dệt may trong nước sẽ khó có thể cạnh tranh với những doanh nghiệp này. Xin ông phân tích cụ thể những cái được và mất của Việt Nam khi đón nhận dòng vốn đầu tư này? Liệu có thể hiểu đây là cái bẫy tự do thương mại kiểu mới (thay vì cách thu mua nguyên liệu thô truyền thống) của Trung Quốc đối với những nền kinh tế yếu hơn như Việt Nam?

Ông Phùng Quốc Hiển:- Thực ra thì chẳng phải riêng Trung Quốc mọi nước đều có chiến lược của họ cả, đi trước, đi tắt đón đầu, tranh thủ mọi thứ. Nhưng quan trọng nhất là chúng ta phải có chiến lược của chính mình.

Có cái điều rất đáng tiếc là chúng ta liên tiếp gặp những bài học cũ, không có rút ra được cái gì mới. Ví dụ như chuyện dưa hấu bao nhiêu năm cứ đến mùa lại xếp hàng mà năm nào cũng như vậy. Như thế là tại chúng ta.

Như tôi đã nói chúng ta là nền kinh tế mở mà không nhất thiết cái gì cũng làm. Như trong dệt may lại đi từ sản xuất bông, rồi sản xuất tất cả các thứ chưa chắc đã hiệu quả vì nằm trong chuỗi giá trị. Mà chuỗi giá trị đó là toàn thế giới chứ không thể quay lại nền kinh tế tự cung tự cấp. Tư duy đó là tư duy cổ.

PV:Đặt trong bối cảnh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP sắp được ký kết trong khi Trung Quốc lại không tham gia hiệp định này, việc xâm nhập mạnh mẽ vào thị trườngViệt Nam có phải là cách Trung Quốc đón trước TPP ở Việt Nam không. Xin ông phân tích cụ thể mục tiêu của Trung Quốc? Liệu có thể hiểu trong lĩnh vực này Trung Quốc chứ không phải Việt Nam sẽ là người hưởng lợi TPP đồng nghĩa những gì người dân Việt Nam nhận được từ dòng FDI dệt may chỉ là ô nhiễm môi trường?

Ông Phùng Quốc Hiển:- Chúng ta đã nhận ra và cũng đã từng xử lý. Như xi măng lò đứng công nghệ của Trung Quốc cũng đã thấy rồi. Nhưng tiên trách kỷ hậu trách nhân. Chúng ta tham rẻ mà câu chuyện không hẳn thế. Mọi mua bán đều có giá của nó cả, nhất là công nghệ trong khi nền kinh tế của ta chưa mạnh. Sáng tạo để chất xám tạo ra chưa có thì phải phụ thuộc, phải mua thiết bị.

PV:-Thưa ông nhưng Châu Phi đã giật mình cảnh báo về hệ lụy những khoản đầu tư từ Trung Quốc. CònViệt Nam sẽ phải lựa chọn nguồn đầu tư như thế nào để người dân được hưởng lợi chứ không phải một vài nhóm lợi ích nào đó?

Ông Phùng Quốc Hiển:- Như tôi đã nói trên là chúng ta cũng đã nhìn ra vấn đề. Tôi không đề cập chuyện lợi ích nhóm ở đây. Việc mua công nghệ các doanh nghiệp tự quyết định. Bản thân một doanh nghiệp cơ chế không có gì thay đổi cả. Muốn lựa chọn thiết bị vừa rẻ tiền, ưu đãi nhưng biết đâu lại lựa chọn nhầm như là nghe theo quảng cáo nhưng cuối cùng thì không đúng như vậy.

Như là quảng cáo thuốc chữa được bệnh này bệnh kia nhưng cuối cùng phát hiện chỉ là thực phẩm chức năng, chết không chết được mà sống chẳng ra sao.

Còn chúng ta chắc chắn sẽ phải tính toán các kịch bản chứ không ngồi khoanh tay chờ chết.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Bích Ngọc

cucpth

Đất Việt

Trở lên trên