MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng: Cho phép xuất khẩu khoáng sản chỉ là giải pháp tình thế

Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Bộ Công thương cho biết việc Chính phủ chấp thuận xuất khẩu khoáng sản vừa qua chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài phải thực hiện theo Thông tư 41.

Từ đầu năm 2013 đến nay, sau văn bản cho phép xuất khẩu một số loại khoáng sản của Bộ Công thương thì những tranh luận giữa việc “làm thất thoát tài nguyên quốc gia” hay “giúp doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho” vẫn không ngừng diễn ra.

Bên phản đối (tiêu biểu là Hiệp hội Thép Việt Nam) cho rằng việc cho phép xuất khẩu quặng sắt không chỉ làm thất thoát tài nguyên quốc gia mà còn đẩy nhiều nhà máy sản xuất vào nguy cơ đóng cửa vì thiếu nguyên liệu. Bên cạnh đó, từ năm 2012, Chính phủ cũng đã có chỉ thị nghiêm cấm xuất khẩu khoáng sản thô.

Trong buổi Tọa đàm về Khai thác Tài nguyên khoáng sản ngày 03/12/2013, ông Nguyễn Mạnh Quân – Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Bộ Công thương đã trả lời cụ thể về vấn đề này.

Trước hết, lý giải về việc doanh nghiệp khoáng sản đang tồn kho nhiều, ông Quân cho biết: “Có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan là khủng hoảng kinh tế, khó khăn về chính sách. Nguyên nhân chủ quan là công nghệ.”

Theo đó, các đối tác nước ngoài của các DN khoáng sản không đồng ý chuyển giao công nghệ nếu không cho phép họ khai thác và kinh doanh. Trong khi đó trình độ công nghệ chế biến sâu của Việt Nam hiện chưa cao khiến cho tiến độ đầu tư các DA chế biến sâu khoáng sản diễn ra rất chậm. Và điều này dẫn đến tồn kho khoáng sản cao.

Về việc cấp phép xuất khẩu quặng thô, ông Quân khẳng định “Bộ Công thương không cấp phép xuất khẩu khoáng sản thô bởi vì theo Luật thương mại, khoáng sản là mặt hàng không hạn chế xuất khẩu.”

Như vậy, Bộ Công thương chỉ ban hành điều kiện và tiêu chuẩn mặt hàng xuất khẩu. DN nào đáp ứng được điều kiện thì được cấp phép. Không chỉ có vậy, theo Thông tư 08 trước đây và Thông tư 41 vừa qua thì tất cả các loại khoáng sản đủ điều kiện xuất khẩu ít nhất là phải đã qua chế biến. Chính phủ cũng như Bộ đều xác định khoáng sản không có nhiều nên phải ưu tiên cho DN trong nước chế biến sâu để tạo giá trị cao hơn.

Ông Quân cũng chia sẻ một thực tế là khoáng sản chế biến sâu có giá trị cao hơn nhưng chưa chắc đã hiệu quả hơn. Vẫn là vấn đề công nghệ lạc hậu và quy mô lò luyện không đủ khiến cho “càng làm ra càng lỗ”. Bài toán hiệu quả được đặt ra ở đây là “DN thu được cái gì và nhà nước thu được cái gì”.

“Vì thế, trong thời gian vừa qua, để hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô và tăng nguồn thu cho nhà nước, Bộ Công thương đã đề xuất tăng thuế xuất khẩu khoáng sản lên mức 30-40%.” – Vụ trưởng lý giải về mức thuế suất này.

Tuy nhiên, Vụ trưởng cho biết việc Chính phủ chấp thuận xuất khẩu khoáng sản vừa qua chỉ là giải pháp tình thế. Năm 2012, các địa phương trình lên Chính phủ về việc các doanh nghiệp khoáng sản gặp khó khăn và hiện trạng là dư thừa rất nhiều quặng sắt. Trong lúc tồn kho lớn, các DN lại phải gánh chịu khoản lãi ngân hàng không hề nhỏ. Bộ nhận thấy “trước mắt DN không có nhu cầu sử dụng thì cho phép xuất khẩu, nhưng chỉ cho phép xuất khẩu hàng tồn kho thôi.”

Về lâu dài phải thực hiện theo Thông tư 41, chỉ có 10 loại khoáng sản và những sản phẩm chế biến từ khoáng sản từ các mỏ được nước ngoài đầu tư trước đây mà chúng ta cam kết xuất khẩu thì mới được xuất khẩu.

Mỹ Chi

trangntm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên