MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xây dựng thị trường điện cạnh tranh: Đừng “mơ” giá điện sẽ hạ!

Bộ Công Thương đang yêu cầu Cục Điều tiết Điện lực và Tập đoàn Điện lực VN (EVN) báo cáo về đề án tái cơ cấu ngành điện phục vụ thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Nhiều ý kiến cho rằng, để người dùng điện được hưởng lợi từ sự minh bạch trong giá mua bán điện, việc thiết kế thị trường phải hoàn chỉnh và phải phá thế độc quyền của EVN.

Theo lộ trình được Thủ tướng phê duyệt, ngay trong năm 2015, các công việc chuẩn bị để vận hành thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ hoàn tất để triển khai vào đầu năm 2016.

Giá điện sẽ khó hạ

Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) Nguyễn Anh Tuấn khẳng định mục đích của việc xây dựng thị trường điện cạnh tranh là giúp tạo được cơ chế cạnh tranh trong từng cấp độ thị trường. Từ cạnh tranh ở khâu phát điện, đến khâu phân phối bán buôn và bán lẻ điện, tăng tính minh bạch và tạo động lực cho các đơn vị tham gia thị trường. Khi thị trường điện phát triển lên cấp độ cao, nhất là bán lẻ, khách hàng của ngành điện sẽ có nhiều cơ hội được lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ đến tận hộ với giá điện cạnh tranh.

Tuy nhiên, để đạt được điều này với thị trường điện là một cuộc cách mạng trường kỳ. Bởi trên thực tế, ngành điện sẽ khó có cơ hội mở cửa như ngành viễn thông, bởi lợi thế độc quyền tự nhiên, trong khi EVN vẫn là doanh nghiệp (DN) nắm giữ phần lớn các khâu trong quá trình cung ứng điện.

Thực tế cũng chứng minh với thị trường phát điện cạnh tranh sau 4 năm vận hành chính thức, tổng công suất các nhà máy tham gia thị trường mới chiếm khoảng 40% công suất toàn hệ thống. Các đơn vị phát điện thuộc sở hữu của EVN vẫn chiếm thế áp đảo, trong khi nhiều nhà máy điện ngoài EVN và các nhà máy điện độc lập chỉ được huy động vào những thời điểm cầu vượt cung, hay các tháng mùa khô khi thuỷ điện chạy cầm chừng.

Với giá thành thuỷ điện thấp, nhiều nhà máy thuỷ điện lớn thuộc EVN thậm chí đã hết khấu hao được huy động tối đa để giảm áp lực tăng chi phí sản xuất kinh doanh điện. Đây là một thực tế khiến các nhà máy nhiệt điện chạy than, khí có giá thành cao sẽ khó cạnh tranh bán điện vào thị trường. Giám đốc một DN đang có sản lượng điện bán cho EVN lo ngại: “Chúng tôi muốn tăng sản lượng bán theo thị trường, nhưng tối đa cũng chỉ bán được 20%, 80% sản lượng vẫn ký theo hợp đồng dài hạn”.

PGS - TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) - nhìn nhận, nếu thị trường vận hành đúng nghĩa sẽ tạo ra sự minh bạch trong giá mua bán điện. Song đừng hy vọng giá điện sẽ hạ. Đây là 2 việc khác nhau. Giá điện phụ thuộc vào các yếu tố như giá nhiên liệu, cơ cấu sản lượng điện phát (thuỷ điện, nhiệt điện than/khí/dầu), tỉ giá, chi phí các khâu trong quá trình sản xuất kinh doanh điện. Vì vậy, thực hiện thị trường điện, giá điện sẽ hợp lý chứ khó hạ.

Hạn chế độc quyền EVN

Dư luận chưa hết lo ngại tình trạng liên kết độc quyền đẩy giá lên khi mà nhiều ngành áp dụng cơ chế thị trường, thả nổi giá nhưng thiết kế thị trường chưa hoàn chỉnh, đẩy khó cho người tiêu dùng. Nhiều nước rất thận trọng khi thiết lập thị trường điện, hiện trong khối ASEAN mới chỉ có Malaysia đã triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, Thái Lan cũng mới ở cấp độ thị trường phát điện cạnh tranh.

VN nếu không khéo sẽ dẫn đến đổ vỡ, khó đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia khi các DN tham gia thị trường điện liên kết độc quyền đẩy giá bán điện tăng, khó kiểm soát. Theo tư vấn nước ngoài khuyến cáo, VN hiện vẫn còn thiếu quá nhiều điều kiện để thị trường vận hành minh bạch.

Hiện EVN vẫn đóng vai trò quan trọng, bao trùm hầu hết các khâu trong quá trình sản xuất kinh doanh điện: Nắm tới trên 50% sản lượng, 90% cơ cấu nguồn phát điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) với vai trò vừa vận hành hệ thống, vừa vận hành thị trường điện chưa tách ra độc lập mà vẫn thuộc sự quản lý của EVN.

Việc cổ phần hoá các TCty phát điện để không bị chi phối bởi EVN cũng đang gặp khó khăn bởi quy mô vốn lên tới hàng tỉ USD, không có nhà đầu tư. Các khâu truyền tải và phân phối điện trong mô hình hiện tại chưa tách bạch rõ ràng.

TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế - cũng nhận định: “Hiện đã có một số nhà sản xuất điện ngoài ngành điện, nhưng sở dĩ việc đàm phán, ký kết các hợp đồng mua bán điện từ các nguồn điện ngoài EVN gặp khó khăn, thiếu minh bạch và thường kéo dài là do việc ấn định giá mua và phân phối hoàn toàn phụ thuộc EVN.

Việc “thả nổi” thị trường điện sẽ tạo tín hiệu cho việc thu hút nguồn vốn đầu tư vào ngành điện, giảm dần đầu tư của Nhà nước và tăng đầu tư từ các thành phần kinh tế khác và đầu tư từ nước ngoài. Trong bối cảnh ấy, thả nổi giá điện chỉ đơn giản tăng quyền áp đặt và lợi nhuận cho ngành điện”.

Theo Hồng Anh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên