MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu dệt may gặp khó

Tính đến hết tháng 3-2015, kim ngạch XK mặt hàng dệt may đạt 4,75 tỷ USD, đứng thứ 2 trong số tổng kim ngạch XK hàng hóa của cả nước. Mặc dù vậy, hoạt động XK dệt may trong năm 2015 đang phải đối mặt với không ít khó khăn.

Theo ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hoạt động XK dệt may từ đầu năm đến nay chưa được như kì vọng. Thông thường đầu năm và cuối năm là thời điểm bận rộn của ngành dệt may XK. Tuy nhiên, tình hình XK trong 3 tháng đầu năm nay lại khá chậm chạp. Nguyên nhân là do biến động giá một số ngoại tệ trên thị trường thế giới đang ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch sản xuất, kinh doanh của nhiều DN.

Ông Phạm Xuân Hồng cho biết, hiện nay cả nước có trên 20% DN dệt may XK hàng qua thị trường châu Âu, trong khi đó so với đồng USD, đồng EURO đang mất giá khoảng 20%. Điều này khiến cho giá thành XK qua thị trường châu Âu bị đẩy lên cao, dẫn đến việc XK của các DN qua thị trường này vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Cùng với thị trường châu Âu, XK sang thị trường Nhật, Nga cũng ít nhiều bị ảnh hưởng do biến động tỉ giá của đồng nội tệ tại các nước này.

Bên cạnh khó khăn từ các thị trường XK, các DN dệt may còn phải đối mặt với khó khăn về chi phí sản xuất khi giá cả hàng hóa vẫn nhích lên từng ngày, cùng với đó, chi phí cho người lao động cũng phải tăng lên mới có thể ổn định được đời sống cho công nhân. Từ những khó khăn trên nên tuy vẫn đạt mức tăng trưởng nhất định nhưng cả về kim ngạch và giá XK dệt may đều không được như dự báo của Hiệp hội ở thời điểm cuối năm 2014.

Cùng với việc đối mặt với những khó khăn trước mắt, áp lực về nguồn nguyên liệu  cũng đang đè nặng lên các DN dệt may khi việc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã dần đi đến hồi kết. Thống kê của Hiệp hội dệt may, trong quý 1, NK nguyên phụ liệu cho ngành dệt may tuy giảm về trị giá do giá giảm nhưng vẫn tăng về lượng NK. Cụ thể, NK bông trong quý 1 ước đạt 217 ngàn tấn, tăng 17,5%, NK xơ, sợi nguyên liệu ước đạt 178 ngàn tấn, tăng 5,8%, NK vải ước đạt 1,943 triệu USD, tăng 1,6%, NK nguyên phụ liệu dệt may ước đạt 623 triệu USD, giảm 3.82% so với cùng kỳ 2014.

Tính riêng tháng 3, NK nguyên phụ liệu dệt may của Việt Nam ước đạt 231 triệu USD, tăng 45,6% so với tháng 2. Còn theo thống kê của Tổng cục Hải quan từ ngày 1-1 đến 15-3 cũng cho thấy, cùng với 3,9 tỷ USD kim ngạch XK sản phẩm dệt may, Việt Nam cũng mất đến 1,6 tỷ USD để NK vải trong đó nguồn cung từ Trung Quốc đã chiếm tới trên 50% thị phần.

Tại triển lãm Quốc tế máy, thiết bị ngành may mặc, linh kiện, nguyên phụ liệu - vải 2015 tổ chức tại TP.HCM cuối tuần qua, ông Hoàng Vệ Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, dệt may luôn là ngành trong tốp dẫn đầu cả nước về kim ngạch XK, nhưng sản xuất vẫn chủ yếu là làm gia công, cho nên hiệu quả XK chưa cao. Thiếu và yếu kém trong khâu thiết kế, nguyên phụ liệu... đã khiến giá trị gia tăng của sản phẩm dệt may Việt Nam còn thấp.

Hiện ngành dệt may còn phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên, phụ liệu NK. Ðể phát triển nguồn nguyên, phụ liệu trong nước đòi hỏi sự gắn kết giữa DN dệt may với DN sản xuất, cung ứng nguyên, phụ liệu. Việc thúc đẩy đầu tư nguyên, phụ liệu dệt may sẽ tăng tỷ lệ nội địa hóa của ngành, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, giảm nhập siêu.

Dù nhận thức được tầm quan trọng trong việc chủ động về nguyên phụ liệu trong hội nhập, tuy nhiên, theo ông Phạm Xuân Hồng, dù rất nỗ lực nhưng hiện nay cũng chỉ  có khoảng 20-30% DN của ngành dệt may đáp ứng được yêu cầu về nguồn nguyên liệu khi gia nhập TPP. Bởi vì đầu tư cho nguyên phụ liệu đòi hỏi phải có thời gian và vốn lớn do vậy không thể làm trong một sớm một chiều. Đây cũng là một rào cản cho sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ mặc dù đã có nhiều chính sách được ban hành.

Doanh nghiệp dệt may có thoát khó trong quý II?

Theo Nguyễn Huế

PV

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên