MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu giày dép: 'Cú hích' từ các FTA

Năm 2014, giá trị kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam ước đạt 10,34 tỷ USD, tăng hơn 23% so với năm 2013. Dự kiến từ năm 2015, xuất khẩu mặt hàng này có “cú hích” mạnh hơn nhờ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán.

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2014, mặt hàng giày dép của Việt Nam xuất khẩu sang hơn 40 thị trường trên thế giới. Thị trường Hoa Kỳ dẫn đầu về giá trị kim ngạch đạt 3,33 tỷ USD, tăng 26,7% so với năm 2013 và chiếm tới 32,2% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này.

Tiếp theo là các thị trường Bỉ đạt 659,45 triệu USD, tăng 27,7%; thị trường Đức đạt 600,37 triệu USD, tăng 31,2%; Anh đạt 573,13 triệu USD, tăng 5,4%; Nhật đạt 521,04 triệu USD, tăng 33,8%; Trung Quốc đạt 505,03 triệu USD, tăng 42,2%. Đáng lưu ý, mức tăng trưởng cao nhất phải kể đến các thị trường như Phần Lan tăng 215,2%, đạt 13,22 triệu USD; Israel tăng 70,1%, đạt 31,32 triệu USD; Ba Lan tăng 67,8%, đạt 21,4 triệu USD; UAE tăng 51,1%, đạt 89,89 triệu USD; Đan Mạch tăng 49,8%, đạt 42,91 triệu USD.

Các chuyên gia nhận định, năm 2015 sẽ có nhiều bước tiến mạnh cho xuất khẩu giày dép trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia sâu vào nền kinh tế toàn cầu. Năm 2014, Việt Nam đã “bỏ túi” 2 FTA quan trọng với Hàn Quốc và Liên minh Hải quan Nga – Belarus – Kazashtan trong khi FTA với EU đã có lộ trình cụ thể sớm kết thúc đàm phán nửa đầu năm 2015 và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể kết thúc năm nay.

“Các FTA sẽ tạo lợi thế cho xuất khẩu giày dép tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc bởi các cam kết cắt giảm thuế quan và các hàng rào bảo hộ. Khi xuất khẩu giày dép sang các thị trường tiếp tục tăng trưởng, nghĩa là giày dép Việt Nam đã được các thị trường này ưa chuộng và khi mà giá cạnh tranh giảm xuống, cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sẽ lớn hơn rất nhiều”, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho hay.

Bên cạnh đó, theo lộ trình giảm thuế của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), cuối năm 2015, thuế suất đối với sản phẩm giày dép của Việt Nam vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ về 0%. Điều này giúp tạo cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu tại khu vực có địa lý gần gũi với Việt Nam cũng như có triển vọng hợp tác phát triển nguồn nguyên phụ liệu cho ngành da giày Việt Nam.

Vận hội mới cho các doanh nghiệp từ năm 2015 là rất lớn và muốn khai thác tốt lợi thế từ các FTA, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn trong việc tham gia sản xuất, đa dạng nguồn cung nguyên liệu bởi tỷ lệ nội địa hóa của ngành chưa cao (khoảng 40-45%).

Ông Thuấn cho rằng, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp phải đầu tư về công nghệ để có thể sản xuất được các sản phẩm chất lượng cao, đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã và phải xây dựng được thương hiệu quốc tế của mình, đảm bảo sự phát triển bền vững trong dài hạn.

>>>Vốn ngoại đổ vào giày dép

Theo Hùng Cường

PV

Báo Công thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên