MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu nông sản: Vì sao còn nhiều “trăn trở”?

Tăng trưởng và xuất khẩu ngành nông lâm thủy sản của Việt Nam từ đầu năm 2015 đến nay liên tục sụt giảm xuất phát từ nhiều lý do...

Chia sẻ tại hội thảo “Thương mại nông nghiệp Việt Nam trong biến động kinh tế thế giới” được tổ chức sáng 16/9, ông Nguyễn Trung Kiên - Trưởng bộ môn nghiên cứu thị trường và ngành hàng, Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp cho biết, tăng trưởng và xuất khẩu ngành nông lâm thủy sản của Việt Nam từ đầu năm 2015 đến nay liên tục sụt giảm.

Theo ông Kiên, Việt Nam là nước có thặng dư thương mại về nông lâm thủy sản nhưng đã trải qua đợt sụt giảm dài bất thường từ tháng 10/2014 đến tháng 2/2015. Mức phục hồi nhẹ giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 6/2015 không đủ bù để đạt mức thặng dư thương mại. Sau đó, đến giai đoạn tháng 7-8/2015, xuất khẩu nông lâm thủy sản tiếp tục suy giảm.

Trong khi đó, số liệu thống kê cho thấy, Trung Quốc là đối tác lớn của một loạt nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Trong 7 tháng đầu năm 2015, Trung Quốc chiếm 36,7% tổng giá trị xuất khẩu gạo; 47% giá trị xuất khẩu cao su; 36,2% giá trị xuất khẩu rau quả và cung cấp đến 55% thuốc trừ sâu và nguyên liệu cho Việt Nam.

Bức tranh với những gam màu sáng-tối

So với cùng kỳ năm 2014, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam 8 tháng năm 2015 tăng 4% về lượng nhưng tăng tới 18% về giá trị nhờ giá xuất khẩu cao. Các thị trường xuất khẩu chính bao gồm: Mỹ, Singapore, EU…

Giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 8 tháng tăng 10,4%. Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc tiếp tục là các thị trường dẫn đầu, trong đó Mỹ đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng.

Xuất khẩu hạt điều tăng 13% về lượng và 26% về giá trị so với cùng kỳ. Thị trường Mỹ, EU tiếp tục là lực đỡ khi xuất khẩu sang Trung Quốc suy giảm.

Xuất khẩu rau quả tăng 11,2% sau những nỗ lực khơi thông thị trường. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam do xuất khẩu sang các thị trường cao cấp còn kém.

Tuy nhiên, bên cạnh điểm sáng còn những điểm xám và tối. Đó là xuất khẩu gạo giảm 8% về lượng, 13% về giá trị chủ yếu do Trung Quốc giảm nhập khẩu.

Xuất khẩu cà phê giảm 14% về lượng và 16% về giá trị. Các thị trường nhập khẩu lớn đều giảm như Đức giảm 22% về lượng, Mỹ giảm 18%; Ý giảm 9%...

Xuất khẩu cao su tăng 16% về lượng nhưng giảm 6% về giá trị do Trung Quốc giảm nhập khẩu. Thị trường Trung Quốc chiếm tới 49% thị phần cao su của Việt Nam.

Vì sao còn nhiều "trăn trở"?

Theo chia sẻ của vị đại diện Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ 4,6% hồi tháng 8/2015 không những dẫn đến những tác động trên thị trường tài chính, mà còn ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam – một ngành vốn đang phụ thuộc lớn vào xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trong 3 năm qua, Trung Quốc đã phá giá sau khi các đồng tiền chính giảm mạnh so với USD. Từ tháng 1/2013- tháng 8/2015, đồng Euro giảm 20%; đồng Yên Nhật giảm 39%; đồng Won Hàn Quốc giảm 11% so với đồng USD.

Đặc biệt, giảm mạnh nhất là đồng tiền của các nước đang phát triển như đồng Real Brazil giảm 72%; đồng Rupiad Indonesia giảm 42%; đồng Ringgit Malaysia giảm 33%; đồng Rupee Ấn Độ giảm 20%; đồng Bant Thái giảm 18%...

Việc phá giá của các đồng tiền trên khiến cho giá xuất khẩu các nông sản chính của Việt Nam giảm mạnh so với trước đây. Giá gạo Việt Nam đang xấp xỉ giá gạo Thái Lan, Ấn Độ ở vùng giá thấp. Việt Nam chiếm thị phần trên 65% nhập khẩu gạo của Trung Quốc năm 2012-2013; giảm xuống 53% năm 2014 và xuống 47% trong 4 tháng năm 2015. Đối thủ của Việt Nam trên thị trường này là Thái Lan, Campuchia và Pakistan.

Về cà phê, giá cà phê giảm mạnh do Brazil và Colombia phá giá tiền gây sức ép đối với xuất khẩu cà phê robusta của Việt Nam.

Về cao su, dự trữ cao su tăng duy trì ở mức cao; giá dầu giảm mạnh khiến nhu cầu cao su của Trung Quốc yếu đã đẩy giá thế giới thấp. Việt Nam đang cố duy trì lợi thế cạnh tranh xuất khẩu cao su nhờ chi phí thấp, năng suất cao nhưng biên độ giữa giá thành và giá xuất khẩu đang thu hẹp dần.

Trên cơ sở đó, ông Kiên cũng chỉ ra 3 vấn đề đối với xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ nhất, Việt Nam sẽ bị suy giảm năng lực cạnh tranh đối với các mặt hàng xuất khẩu do các đối thủ cạnh tranh lớn phá giá như gạo Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan; cà phê Brazil, Colombia; cao su Indonesia, Malaysia…

Thứ hai, suy giảm cầu thế giới đối với hàng nông lâm thủy sản do suy thoái kinh tế Trung Quốc và dư cung làm giảm xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ ba, chính sách tỷ giá của Trung Quốc mang tính thị trường sẽ tạo ra nhiều bất ổn hơn do xuất khẩu nông sản của Việt Nam phụ thuộc lớn vào thị trường này.

Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên