MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu rớt hạng, gạo Việt đang ở đâu trên thế giới?

Gạo Việt đang có nguy cơ bị thị trường lúa gạo thế giới đánh bật ra ngoài vì chưa xác định được phân khúc tham gia, chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường thế giới.

“Chúng ta đang quá ù lỳ” là những gì mà ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam kiêm TGĐ Công ty Lương thực Việt Nam đã thừa nhận. Chính việc không chịu thay đổi đã khiến cho ngành lúa gạo Việt Nam gặp nhiều khó khăn và ngày càng mất vị thế.

Từ vị trí là nước đứng đầu về xuất khẩu gạo trong năm 2012, gạo Việt đã liên tục rớt hạng xuống vị trí thứ hai và hiện đang ở vị trí thứ ba trên thị trường. Điều đáng chú ý là trong số 5 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, thì Việt Nam đã là nước duy nhất có kim ngạch xuất khẩu giảm.

Mất dần vị thế

Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, nói rằng gạo Việt đang đứng trước nhiều thách thức khi giảm cả về sản lượng lẫn giá trị. Đặc biệt, gạo Việt đang dần mất thị phần ở các thị trường lớn truyền thống.

Dẫn chứng, tại thị trường châu Phi, từ năm 2013 về trước, mỗi năm nước ta xuất khẩu được hơn 1 triệu tấn gạo trắng giá rẻ, chiếm khoảng 20% thị phần. Nhưng năm 2014 tụt xuống còn 800.000 tấn, chỉ còn 12,6% thị phần. 8 tháng đầu năm xuất được 665.000 tấn, chủ yếu là gạo thơm nhẹ, chứ không xuất được gạo trắng.

Còn tại Trung Quốc, trong những năm 2012 – 2013 gạo nước ta xuất sang thị trường này chiếm khoảng 65% tổng lượng xuất khẩu, đã giảm xuống 53% trong năm 2014 và hiện còn dưới 50%. Đây được xem là thị trường lớn cho xuất khẩu gạo Việt nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Phần lớn gạo Việt xuất khẩu sang các thị trường tập trung, theo hợp đồng Chính phủ, song những thị trường này cũng đang giảm dần. Từ việc chiếm 70% tổng lượng gạo xuất khẩu trong năm 2007, đã giảm xuống 42,7% trong năm 2009 và đến năm 2013 chỉ còn chưa đến 20%.

Gạo Việt không chỉ đang mất dần vị thế trên thế giới, mà còn có nguy cơ bị đánh bật ra ngoài vì chưa xác định được phân khúc tham gia. Gạo trắng hạt dài vẫn là loại gạo được xuất chủ yếu, khi mùa vụ năm 2012 – 2013 xuất được khoảng hơn 2,4 triệu tấn, trên tổng xuất khẩu là 6,6 triệu tấn.

Chỉ có sản lượng, không có tên tuổi

Mặc dù các DN Việt Nam đã bắt đầu có xu hướng chuyển sang sản xuất gạo thơm, song loại gạo này vẫn chưa xây dựng được thương hiệu riêng trên thị trường. Nếu như Thái Lan đã định vị được các thương hiệu gạo như Khaw Dawk, Mali, Hom Mali, Jasmin; Ấn Độ và Pakistan nổi tiếng với gạo Basmati, thì Việt Nam mới tham gia thị trường gạo thơm, với tỷ lệ xuất khẩu tăng lên khoảng 13,5%.

Điều đáng chú ý là cùng một chủng loại gạo xuất khẩu nhưng gạo Thái Lan thường có giá cao nhất, trong khi gạo Việt lại có giá thấp nhất. Đơn cử như cùng là gạo trắng hạt dài chất lượng cao, nhưng gạo của Thái Lan được bán với giá 592 USD/tấn (vào tháng 7/2012), trong khi của Việt Nam chỉ có 415 USD/tấn. Tương tự, gạo thơm Hom Mali của Thái Lan có giá 1.025USD/tấn, còn gạo thơm của Việt Nam 5% tấm chỉ có giá 625 USD/tấn.

Gạo Việt đã chiếm hơn 20% khối lượng gạo được xuất khẩu trên thế giới, song thị phần này ngày càng giảm đi khi các nước đối thủ truyền thống cạnh tranh tốt hơn. Trong khi đó, thị trường gạo thế giới xuất hiện thêm nguồn cung mới như Campuchia và Myanmar, khi hai quốc gia này đang đẩy mạnh xuất khẩu và cạnh tranh trực tiếp với gạo Việt.

Theo TS. Trần Văn Đạt, nguyên Chánh chuyên gia FAO, trong tương lai số lượng gạo chất lượng trung bình và thấp sẽ tăng cao trên thị trường thế giới do Ấn Độ, Myanmar và Campuchia sản xuất mạnh, trong khi nhu cầu gạo chất lượng này sẽ không thay đổi nhiều. Do đó, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ ngày càng bị cạnh tranh khốc liệt và giá cả hạ thấp, nếu không xây dựng thương hiệu.

“Xuất khẩu gạo thơm hay gạo có chất lượng cao cần được hỗ trợ khuyến khích nhiều hơn để nâng cao năng lực cạnh tranh của khâu này. Đồng thời cần thực hiện đại trà thương nhân đầu mối xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, liên kết với nông dân để đảm bảo quyền lợi người trồng lúa”, TS. Đạt khuyến nghị.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên