MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao các ngân hàng lớn vội vàng muốn tăng phí rút tiền ATM?

10-07-2018 - 19:38 PM | Tài chính - ngân hàng

Chỉ sau 2 tháng bị NHNN yêu cầu dừng, 4 "ông lớn" ngân hàng tiếp tục ý định tăng phí rút tiền ATM như trước đó, động thái này cho thấy dường như những nhà băng này đang có phần vội vàng?

Thông báo áp dụng biểu phí mới, tăng phí rút tiền nội mạng được 4 "ông lớn" ngân hàng phát đi vào cuối tuần vừa rồi. Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank đều nâng mức phí rút tiền nội mạng ATM từ 1.100 đồng/lần lên 1.650 đồng/lần, có hiệu lực từ ngày 15/7.

Trên thực tế, kế hoạch tăng phí rút tiền ATM của cả 4 ngân hàng đã có từ hồi đầu tháng 5. Tuy nhiên, việc tăng phí đã vấp phải nhiều phản ứng không tích cực từ khách hàng. Ngân hàng Nhà nước đã lập tức có yêu cầu các ngân hàng này tạm dừng kế hoạch tăng phí rút tiền ATM nội mạng.

Sau 2 tháng tạm hoãn, cả 4 ngân hàng tiếp tục đưa quyết định tăng phí ra thêm 1 lần nữa. Tuy nhiên, lần này hay trước đó, các ngân hàng đều chưa thể làm cho khách hàng cảm thông. NHNN lại một lần nữa lên tiếng nhắc nhở, yêu cầu dừng.

Theo Thông tư 35 do NHNN ban hành, các ngân hàng được phép thu phí ATM nội mạng kể từ 1/3/2013 và có lộ trình tăng cụ thể: mức phí áp dụng tối đa cho một giao dịch rút tiền nội mạng trong năm 2013 là 1.100 đồng, tiếp đó là tăng dần lên 2.200 đồng năm 2013 và lên 3.300 đồng từ năm 2015 trở đi.

Các nhà băng vẫn đang tuân thủ đúng quy định và rõ ràng kế hoạch tăng phí của 4 "ông lớn" vẫn nằm trong khuôn khổ của NHNN, mức phí cũng còn thấp hơn nhiều so với mức trần. Tuy nhiên, động thái này vì sao lại vấp phải sự phản đối của khách hàng như vậy? Và vì sao ngân hàng nhất quyết phải tăng phí (có chút vội vàng) dù không được đồng thuận của đại đa số người sử dụng?

Vài năm gần đây, các ngân hàng bắt đầu chủ trương nâng tỷ trọng lợi nhuận từ mảng phi tín dụng, trong đó chủ yếu là nguồn thu dịch vụ. Nhiều nhà băng thể hiện quyết tâm này khi nâng nhiều loại phí như phí dịch vụ Internetbanking, phí SMS banking và gần đây nhất là ý định tăng rút tiền tại ATM.

Theo giải thích của các nhà băng, chi phí cho một giao dịch tại ATM các nhà băng phải chi trả là từ 7.000 đồng đến 10.000 đồng bao gồm chi phí thuê chỗ đặt máy, đường truyền, máy móc, điện, bảo trì, chi phí cho việc vận chuyển tiền mặt tới các máy ATM. Ngoài ra, theo các ngân hàng, số tiền để tại các máy ATM gần như không sinh lãi và phải duy trì đều đặn để đảm bảo máy luôn hoạt động. Như vậy, dù tăng phí nhưng dường như ngân hàng vẫn đang phải chịu lỗ cho dịch vụ ATM?

Ngoài mục đích về kinh tế, bảo đảm lợi nhuận thì động thái tăng phí rút tiền của các ngân hàng có liên quan tới chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt. Theo ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội thẻ Việt Nam, tuy số lượng giao dịch thanh toán đã tăng lên thời gian qua nhưng phần lớn, trên 90% vẫn là giao dịch rút tiền mặt. "Trong tương lai, chỉ cần khoảng 20% giao dịch từ thẻ là để thanh toán và 80% là để rút tiền mặt thì phí dịch vụ ngân hàng chắc chắn sẽ được điều chỉnh theo xu hướng giảm", ông Tuấn cho biết.

Những lý do trên được đưa ra dường như vẫn chưa đủ thuyết phục người dùng khi trên thực tế, có thể ngân hàng đang không có lời với các dịch vụ ATM nhưng lại lãi lớn ở các sản phẩm, dịch vụ bán chéo khác. Vietcombank, BIDV, VietinBank là những ngân hàng có lợi nhuận cao nhất trong hệ thống năm 2017, lãi từ dịch vụ cũng nằm trong top đầu.

Nhiều chuyên gia cho rằng khi khách hàng gửi tiền, bản thân ngân hàng đã có thể sử dụng số tiền đấy để sinh lời, cho vay tạo lợi nhuận nên việc bắt khách hàng phải chịu các loại phí như rút tiền nội mạng, chuyển tiền cùng hệ thống là không hợp lý. Hơn nữa, một trong những vai trò của máy ATM là để giảm tải giao dịch trực tiếp tại phòng giao dịch, từ đó giảm các chi phí về nhân sự và nhiều chi phí khác về hạ tầng, không gian, giầy tờ …Không thể cứ chi phí cao thì đổ lên người tiêu dùng. Hoặc nếu có tăng phí thì cũng cần đi kèm với chất lượng dịch vụ được cải thiện.

Trong khi đó, khách hàng phàn nàn vì bị tận thu với quá nhiều loại phí dù chất lượng dịch vụ chưa đảm bảo, còn tình trạng ATM ngừng phục vụ, không hoạt động, nuốt thẻ, hết tiền thường xuyên,… Tăng thêm 500 đồng tiền phí cho mỗi giao dịch rút tiền có thể không đáng bao nhiêu nhưng cũng phải lưu ý rằng hạn mức rút tiền thấp sẽ buộc khách hàng phải rút tiền nhiều lần, theo đó tiền phí cứ thế đội lên không ít.

Các sự cố về bảo mật khiến tiền trong tài khoản của khách hàng bị mất vẫn liên tục xảy ra. Nguyên nhân có thể do sự chủ quan trong giao dịch của khách hàng, do thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi thì không thể phủ nhận ở đó có trách nhiệm rất lớn của các nhà băng, nơi giữ tiền và cam kết an toàn cho các khách hàng.

Khách hàng và các nhà băng, mỗi bên đều có lý do riêng để bảo vệ cho quyền lợi của mình. Tăng phí là quyền tự chủ của các nhà băng, nhưng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, nếu chọn tăng phí bất chấp phản hồi tiêu cực, ngân hàng có thể phải đối mặt với khả năng mất không ít khách hàng, đồng thời đẩy những "thượng đế" này đến với những nhà băng khác.

Quyết định tăng phí đã được dừng lại theo yêu cầu của cơ quan quản lý, tuy nhiên xu hướng tăng phí dịch vụ có lẽ sẽ khó tránh khỏi trong tương lai. Vấn đề là, lúc nào tăng phí là thích hợp, khi đó chất lượng dịch vụ đã tốt lên hay chưa, cách thông báo và giải thích của ngân hàng có khiến cho người dùng hài lòng, sẵn sàng bỏ tiền?

Diệp Trần

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên