MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao chi phí vốn cho các dự án điện ở Việt Nam cao, khiến giá điện khó rẻ?

Chi phí vốn giảm sẽ kéo giá điện xuống thấp. Nếu chi phí vốn cao thì dù thị trường cạnh tranh, giá điện cũng chưa chắc đã rẻ.

Thuận lợi khi triển khai các dự án điện độc lập (IPP) là cho phép đầu tư cơ sở hạ tầng năng lượng bền vững và linh hoạt, cho phép tiếp cận nguồn vốn vay dài hạn với chi phí thấp hơn. Chi phí vốn giảm sẽ kéo giá điện xuống thấp. Trên thực tế, phần lớn các khoản đầu tư nói trên sẽ đến từ nguồn vốn quốc tế. Song, việc tiếp cận vốn chính là thách thức lớn nhất của  các dự án điện Việt Nam.

Hiện nay, trên thế giới có hai dòng vốn cơ bản là ngắn hạn và dài hạn. Mục tiêu của các quốc gia trên thế giới đều hướng đến huy động dòng vốn đầu tư dài hạn.

Nguồn vốn ngắn hạn đến từ tổ chức đầu tư hay quỹ đầu cơ, quỹ đầu tư cổ phần tư nhân. Họ có thể chấp nhận rủi ro cao, nhưng cũng yêu cầu tỷ lệ hoàn vốn rất cao, dẫn đến chi phí vốn cao hơn. Kết quả là giá thành sản phẩm, hay ở đây là giá bán điện, cũng phải cao hơn.

Nguồn vốn dài hạn cho cơ sở hạ tầng thì luôn luôn sẵn có. Giá trị nguồn vốn dài hạn cho cơ sở hạ tầng đang vượt giá trị 1.000 tỷ USD giao dịch hàng năm. Tại các thị trường vốn lớn hơn, có hàng ngàn tỷ USD sẵn sàng cung cấp cho các dự án. Các quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm sẽ tìm kiếm các cơ hội đầu tư dài hạn, chấp nhận lợi nhuận thấp nhưng đòi hỏi rủi ro thấp. Chi phí vốn nhỏ hơn. Kết quả, là giá bán điện thấp hơn. 

Ông Dan Nguyen, Tổng giám đốc điều hành của Delta Offshore Energy cho rằng: Việt Nam hoàn toàn có cơ hội thu hút nhóm nguồn vốn lớn, dài hạn với chi phí thấp này.

Theo ông Dan Nguyen, việc thỏa mãn điều kiện của các bên cho vay, "bankability" là điều bắt buộc là yêu cầu khách quan trong huy động vốn quốc tế. Vốn của bên cho vay và các nhà đầu tư bằng vốn vay thường chiếm tới 70% tổng vốn đầu tư của dự án.

Các nhà đầu tư và bên cung cấp tài chính chuyên nghiệp có cách tiếp cận rất đơn giản và thực tế. Họ rất nhạy cảm với những gì không chắc chắn và luôn hoài nghi trước các rủi ro. Họ muốn nhận lại được những lợi tức kỳ vọng tương đương với những rủi ro mà họ chấp nhận. Trong ngành tài chính, đó là tỷ lệ hoàn vốn điều chỉnh theo rủi ro, rủi ro càng cao thì yêu cầu về tỷ lệ hoàn vốn càng cao.

"Yêu cầu về tỷ suất hoàn vốn đầu tư của các dự án vào Việt Nam là khoảng 10-12%", ông Dan Nguyen cho biết. "Việt Nam đã có đầy đủ các yếu tố phù hợp để thành công trong việc thu hút vốn quốc tế. Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất châu Á và hết sức thành công trong việc thu hút FDI. Việt Nam cũng đang tiếp tục con đường hiện đại hóa đất nước thông qua công nghiệp hóa, hướng tới một nền kinh tế có tỷ trọng dịch vụ ngày một lớn hơn".

Lãnh đạo Delta Offshore Energy cũng chỉ ra các điều kiện liên quan hợp đồng mua bán điện PPA cho các dự án IPP này chủ yếu xoay quanh việc giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư và biên cho vay. Ông cho biết, một số rủi ro có thể gặp phải của các nhà đầu tư và bên cấp vốn được thể hiện rõ qua 10 câu hỏi dưới đây. Nếu không trả lời được những câu hỏi này thì chi phí vốn của Việt Nam khó có thể thấp vì rủi ro của các dự án là rất cao.

Nếu EVN dừng mua điện từ các dự án IPP thì ai sẽ mua?

Làm thế nào để các dự án IPP có thể thanh toán các nghĩa vụ tài chính của mình để tiếp tục thực hiện các cam kết trong hợp đồng mua bán điện?

Làm thế nào để đảm bảo thanh toán các nghĩa vụ đối với quốc tế?

Điều gì sẽ xảy ra khi các chính sách và quy định của Việt Nam thay đổi, gây bất lợi cho các nhà đầu tư và các bên cho vay của dự án?

Điều gì xảy ra khi có tình huống nằm ngoài sự kiểm soát của các bên?

Điều gì sẽ xảy ra khi có bất đồng giữa các bên đối tác?

Điều gì sẽ xảy ra nếu một trong hai bên chấm dứt hợp đồng mua bán điện?

Điều gì sẽ xảy ra với các thỏa thuận liên quan khác của dự án nếu một bên không có khả năng thanh toán?

Ai sẽ trả tiền điện khi EVN mất khả năng thanh toán?

Điều gì sẽ xảy ra nếu hệ thống lưới điện không được hoàn thành trước ngày vận hành của dự án IPP?

Nếu những điều này được đáp ứng đầy đủ trong các dự án IPP, Việt Nam sẽ thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư và tổ chức tín dụng quốc tế cạnh tranh để tham gia vào các dự án, từ đó kéo chi phí ngày một thấp hơn.

"Một khi Việt Nam cải thiện thứ hạng đầu tư và xếp hạng tín nhiệm quốc gia với các nhà đầu tư và bên cho vay, sẽ có ngày càng nhiều nguồn vốn cạnh tranh để đầu tư cho các dự án tại Việt Nam" - Tổng giám đốc này khẳng định.

H.A

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên