MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao chính người Trung Quốc cũng "tẩy chay" thực phẩm Trung Quốc?

18-08-2016 - 17:01 PM | Tài chính quốc tế

Không chỉ người dân nhiều nước trên thế giới, mà ngay chính người dân Trung Quốc đang có xu thế "tẩy chay” hàng Trung Quốc và chuyển sang mua thực phẩm ngoại nhập. Câu chuyện này cũng mở ra cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Thực phẩm ngoại nhập lên ngôi

Khi lướt qua khu bán rau quả trong một siêu thị hiện đại nằm tại một trung tâm mua sắm lớn ở Thượng Hải, chị Elise Qian chú ý nhiều hơn đến nước xuất xứ của hoa quả hơn là giá cả, chủng loại hay hình thức của chúng.

Chị Qian thích mua thực phẩm ngoại nhập từ Úc, Nhật hay Mỹ hơn. Đồ Trung Quốc, theo chị, không thể tin cậy. Chị Qian phát biểu: "Có quá nhiều vụ bê bối đã xảy ra. Nguồn nước và đất ở đây đều không đảm bảo”. Sản phẩm từ New Zealand, Úc, Mỹ, Nhật và Đài Loan luôn có bán ở các cửa hàng rau hiện đại ở Thượng Hải.

Nguồn nước đất ô nhiễm ở mức báo động

Đất ô nhiễm đã trở thành mối lo ngại mới nhất của người tiêu dùng Trung Quốc. Kể từ vụ bê bối về thành phần melamine độc tố được tìm thấy trong sữa hộp đã làm 6 trẻ sơ sinh thiệt mạng và khoảng 54.000 em bé khác phải nhập viện, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng trở nên hoài nghi và lo ngại về thực phẩm sản xuất trong nước.

Nhiều vụ việc rùm beng khác liên tiếp diễn ra sau đó, từ mỳ hôi thối do chất nhuộm công nghiệp và mực in dùng để "hoá” thịt mèo và chuột thành thịt cừu hay thịt thỏ đã khiến người tiêu dùng Trung Quốc đặc biệt lo ngại về việc sử dụng các nguyên liệu bất hợp pháp và phế phẩm của các nhà sản xuất thực phẩm thiếu đạo đức.

Quốc Vụ viện Trung Quốc đã mô tả ô nhiễm đất là rất "nghiêm trọng” và vào tháng 5 vừa qua đã công bố kế hoạch hành động nhằm đưa 90% đất trồng trọt bị ô nhiễm trở lại an toàn cho con người trong vòng 4 năm tới. Một công trình nghiên cứu của Trung Quốc vào năm 2014 cho thấy, trên 19% đất trồng trọt tại nước này bị nhiễm các chất độc hoá học có thể gây ung thư và khuyết tật thai nhi như catmi, kẽm và arsen.

Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế như Greenpeace (Hoà Bình Xanh) tỏ ra nghi ngờ về các kế hoạch làm sạch đầy hoài bão này của Trung Quốc vì chính quyền các địa phương, cơ quan chịu trách nhiệm thực thi ở nước có thể thiếu năng lực và chuyên môn để thực hiện.

Song thậm chí nếu chiến dịch làm sạch đất ô nhiễm với kinh phí 300 tỉ NDT (tương đương 45,2 tỉ USD) thành công thì Trung Quốc cũng khó có thể giành lại niềm tin của người tiêu dùng. Ông Ada Kong, giám đốc chương trình chất độc ở Đông Á thuộc Greenpeace cho hay: "Người tiêu dùng sẽ khó có thể phân biệt đâu là sản phẩm bị ô nhiễm và đâu là sản phẩm sạch".

Ông Chen Tai'an, nhà khoa học nông nghiệp thuộc nông trường Mahota ở Thượng Hải, cho biết thậm chí các sản phẩm được dán mác hữu cơ ở Trung Quốc cũng không hoàn toàn đáng tin cậy.

Ông Tai'an nói: "Chúng tôi rất vất vả để chứng minh rằng những gì chúng tôi sản xuất là sản phẩm hữu cơ thật. Có quá nhiều sản phẩm mạo danh là hữu cơ để lừa gạt người tiêu dùng".

Mặc dù các sản phẩm hữu cơ của công ty ông được sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế, thực phẩm ngoại nhập vẫn được ưa chuộng hơn trên thị trường Trung Quốc. Chính vì vậy, ông Chen cũng chuyến hướng sang nhập khẩu nếu không thể tìm được đủ nguồn hàng trong nông trại của mình. Ông nói: "Vấn đề là mọi người tin rằng hàng ngoại nhập an toàn hơn và chất lượng tốt hơn”.

Tác động toàn cầu

Theo số liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nếu Trung Quốc chỉ chiếm 3,3% tổng nhập khẩu nông phẩm thế giới trong năm 2000 thì con số này đã tăng lên 9,1% vào năm 2014. Hiệp hội Công nghiệp Thực phẩm dự đoán Trung Quốc sẽ là nước tiêu thụ thực phẩm ngoại nhập lớn nhất trên thế giới vào năm 2018.

Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, xuất khẩu nông phẩm từ Mỹ sang Trung Quốc đă tăng trên 200% trong thập kỷ qua. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu thực phẩm và nông phẩm Mỹ sang Trung Quốc đạt trên 20,2 tỉ USD. Xuất khẩu đậu tương đạt 12,7 tỉ USD và đây là mức cao kỷ lục thứ hai. Các sản phẩm như hạnh nhân, cam quýt, táo Mỹ sang Trung Quốc cũng tăng.

Đối với Úc, Trung Quốc đã là đối tác nhập khẩu nông sản, lâm sản và thuỷ sản lớn nhất của Úc với kim ngạch 9 tỉ AUD (6,95 tỉ USD) trong niên vụ 2014-2015, tăng so với 5 tỉ AUD bốn năm về trước. Theo báo cáo tổng kết của chính phủ Úc, kể từ niên vụ 2009-10, xuất khẩu các sản phẩm vườn Úc sang Trung Quốc tăng trên năm lần từ 20 triệu AUD lên 113 triệu AUD. Xuất khẩu hoa quả Úc sang đến Trung Quốc tăng nhiều nhất là từ 6 triệu AUD lên 64 triệu AUD.

Kim ngạch xuất khẩu của Liên minh châu Âu (EU) sang thị trường Trung Quốc tăng 39% trong năm 2015 lên 10,34 tỉ euro (11,56 tỉ USD) so với năm 2014. Thịt bò, cam quýt và các loại ngũ cốc (không kể gạo và lúa mỳ) từ EU luôn có nhu cầu cao ở Trung Quốc. Hiện nay, thị trường Trung Quốc chiếm 9,5% tổng xuất khẩu từ EU.

Theo ông James Roy, nhà phân tích kinh doanh thuộc công ty nghiên cứu China Market Research Group, nhà giàu Trung Quốc sẽ luôn luôn lựa chọn hàng nhập khẩu thay vì hàng nội địa. Thương hiệu hầu như không còn quan trọng đối với người tiêu dùng Trung Quốc khi chọn thực phẩm miễn là xuất xứ sản phẩm từ nước ngoài.

Chính phủ các nước trên thế giới đang khuyến khích các nhà xuất khẩu tận dụng nhu cầu về hàng ngoại nhập tăng đột biến tại Trung Quốc. Trong một chuyến thăm Trung Quốc vào đầu năm nay nhằm xúc tiến nông sản EU, Uỷ viên EU về Nông nghiệp Phil Hogan ước tính khoảng 3 triệu việc làm ở châu Âu phụ thuộc trực tiếp vào hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc, nhiều việc làm trong đó tập trung ở ngành nông nghiệp.

Tỉ phú Andrew Forrest, Chủ tịch tập đoàn Minderoo, nhận định xuất khẩu nông sản đến thị trường Trung Quốc có cơ hội tăng mạnh và ông đã thành lập ASA 100, một nhóm chuyên xúc tiến thực phẩm Úc tại Trung Quốc sau khi ông có cuộc hội kiến với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vào năm 2014. Vào tháng 4/2015, ASA 100 công bố đã nhất trí thành lập một khu vực thương mại tự do cho nông sản và thực phẩm nhập từ Úc gần thành phố Ningbo, tiếp giáp Thượng Hải.

Xu hướng này cũng có lợi cho các công ty nhập khẩu nội địa như FruitDay, một công ty chuyên bán lẻ trực tuyến rau quả tươi với nguồn nhập khẩu chủ yếu là Mỹ, New Zealand và Chile. Doanh thu của FruitDay đăng tăng gấp đôi sau một năm lên 500 triệu NDT vào năm 2014. Công ty này đã nhận được 60 triệu USD đầu tư từ JD.com, công ty thương mại điện tử lớn thứ hai tại Trung Quốc, vào năm 2015.

Các nhà bán lẻ trực tuyến nhỏ hơn cũng đã tấn dụng kẻ hở trên thị trường. Cửa hàng tạp hoá online Kate & Kimi vốn chú trọng đến các sản phẩm sức khoẻ do hai bà mẹ là người nước ngoài sống tại Trung Quốc thành lập vì lo ngại về sức khoẻ con mình. Ban đầu, trang web nay chỉ thu hút người nước ngoài song hiện nay cửa hàng nhỏ này có một cơ sở khách hàng Trung Quốc ngày càng lớn mạnh. Thị trường hiện nay phát triển đến mức Kate và Kimi đã thành lập một phiên bản Trung Quốc với tên gọi là "Meal and Fun” ( Ăn và Vui).

Xuân Hương

Nikkei

Trở lên trên