MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao công ty khởi nghiệp ngoại khó thành công tại Trung Quốc?

25-05-2017 - 16:55 PM | Tài chính quốc tế

Những khác biệt đặc trưng khiến nền kinh tế số một châu Á không phải "miếng bánh" dễ ăn đối với các công ty khởi nghiệp ngoại...

Theo hãng tin CNBC, tiếp cận thị trường Trung Quốc là tham vọng của hầu hết các công ty khởi nghiệp nước ngoài muốn vươn tầm quốc tế. Tuy nhiên, những khác biệt đặc trưng khiến nền kinh tế số một châu Á không phải “miếng bánh” dễ ăn.

Với dân số 1,3 tỷ người - trong đó 730 triệu người sử dụng Internet, biến Trung Quốc trở thành thị trường hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nước ngoài muốn mở rộng quy mô.

Tuy nhiên, thị trường khổng lồ này đủ lớn cho hầu hết doanh nghiệp địa phương Trung Quốc khai thác và đưa ra giải pháp mới cho các vấn đề của riêng mình, và điều này vô hình chung khiến các công ty khởi nghiệp nước ngoài khó tiếp cận thị trường này.

“90% doanh nghiệp nước ngoài có ý định tiếp cận Trung Quốc nên từ bỏ ý định đó”, Oscar Ramos, Giám đốc chương trình thuộc hãng tư vấn khởi nghiệp hàng đầu Trung Quốc, Chinacelerator, cho biết.

Theo Ramos, 1% trong số này có thể có cơ hội nhưng phải tự vấn xem họ có thể làm gì tốt hơn so với các công ty hiện có tại Trung Quốc.

“Các công ty khởi nghiệp Trung Quốc có tiềm năng thường nhận được vốn đầu tư lớn và phát triển cực nhanh”, Ramos chia sẻ về hệ sinh thái khởi nghiệp của Trung Quốc. “Từ lâu các công ty Trung Quốc rất giỏi việc sao chép”.

Với mục tiêu phát triển bền vững và khuyến khích khởi nghiệp như một công cụ tạo việc làm, chính quyền Bắc Kinh có cơ chế thông thoáng, thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp trong nước.

Số lượng công ty mới tại nước này tăng nhanh với tốc độ chóng mặt. Chỉ riêng trong năm 2016, Trung Quốc có thêm khoảng 5,52 triệu công ty mới.

Tỷ lệ khởi nghiệp (số lượng công ty mới trong một năm chia cho tổng số công ty) của nước này năm 2016 là 21%, tăng từ 16% năm 2011. Con số này vượt xa mức 5% của Nhật và 10% của Mỹ trong vài năm qua.

“Chúng tôi đã từng thấy nhiều công ty nước ngoài vào Trung Quốc và phải thích nghi với sự khác biệt của thị trường này”, Ramos cho biết. “Sau đó họ nhận ra mình thành công hơn tại Đông Nam Á, nơi họ có thể tận dụng các kênh truyền thông quen thuộc”.

Tại Trung Quốc, các trang web như Google, Facebook, hai công cụ phổ biến để các công ty khởi nghiệp thu hút thêm khách hàng mới, đều bị cấm.

Trên thực tế, ước tính có tới 96% lượng truy cập trực tuyến tại Trung Quốc được chạy trên các máy chủ Trung Quốc, Trung tâm thông tin mạng Internet nước này cho biết.

Tuy vậy, nền kinh tế số một châu Á vẫn có một số ngành tăng trưởng nhanh nhưng lại thiếu vắng các doanh nghiệp địa phương như chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, thời trang, thực phẩm, Ramos cho biết.

Cũng theo ông này, không chỉ có cơ hội thâm nhập thị trường đông dân nhất thế giới, bản thân các thương hiệu nước ngoài đã là một tài sản lớn trong các ngành này.

Hiện tại, rất ít công ty khởi nghiệp ngoại thành công tại Trung Quốc. Nhưng ngược lại, số lượng hãng khởi nghiệp Trung Quốc thành công vượt trội trên trường quốc tế cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

“Vấn đề tương tự cũng xảy ra với các doanh nghiệp Trung Quốc trên con đường vươn ra quốc tế. Họ vốn quen với kiểu của người Trung Quốc với những yêu cầu hết sức cụ thể nhưng lại bỡ ngỡ trước nhu cầu của khách hàng quốc tế”.

Theo Kim Tuyến

VnEconomy

Trở lên trên