MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao cướp ngân hàng ngày càng nhiều và táo tợn?

03-12-2017 - 14:31 PM | Tài chính - ngân hàng

Thời gian qua xuất hiện nhiều vụ cướp nhắm vào các ngân hàng. Mặc dù rất ít trong các vụ cướp được các đối tượng thực hiện trót lọt nhưng đây cũng là tiếng chuông cảnh báo về tình hình an ninh, an toàn trong hoạt động của các ngân hàng.

Nhiều vụ cướp nhắm vào ngân hàng

Gần nhất là vụ cướp xảy ra tại Agribank chi nhánh Hòa Thắng ở Buôn Ma Thuột. Thông tin ban đầu cho biết, cuối buổi sáng ngày 29/11, tên cướp mặc áo khoác đen, quần đen và đội mũ trùm kín đầu chạy xe máy vào dựng ở sân ngân hàng. Trong khi các giao dịch viên đang tiếp hai khách hàng cuối cùng thì người đàn ông đẩy cửa đi vào. Người này nói “trước sau gì cũng chết” rồi bất ngờ rút ra một khẩu súng, đồng thời quẳng một chiếc túi về hướng bảo vệ và bắn về phía bảo vệ nhưng không trúng. Nghe tiếng nổ, các giao dịch viên hoảng loạn bỏ chạy, đồng thời bật còi báo động. Đối tượng sau đó bỏ chạy ra ngoài.

Nhận được tin báo, Công an TP Buôn Ma Thuột đã có mặt tại hiện trường để điều tra, làm rõ. Qua công tác khám nghiệm, cơ quan điều tra đã thu giữ một chiếc xe máy (được đăng ký dưới tên của một người dân tại huyện Krông Năng, Đắk Lắk) cùng một chiếc túi đựng khẩu súng ngắn tự chế do hung thủ để lại. Cho đến thời điểm này Công an TP Buôn Ma Thuột vẫn đang phối hợp cùng các lực lượng khác truy bắt hung thủ, đồng thời thông báo khẩn cho các đơn vị Công an trên địa bàn nhận diện hung thủ để truy bắt.

Trước đó, ngày 13/11, một đối tượng xông vào Eximbank chi nhánh Cần Thơ cướp. Tuy nhiên, khi đối tượng này vừa ném chai xăng vào bảo vệ phòng giao dịch chưa kịp bật lửa đốt thì bị khống chế, bắt giữ giao cho Công an.

Chiều 6/11, tại chi nhánh của một ngân hàng ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cũng xảy ra vụ cướp. Đối tượng này sau đó đã bị bắt giữ khi vừa cướp tài sản của một khách hàng trong ngân hàng. Được biết vị khách mang tiền đến ngân hàng, trong lúc để tiền trên bàn đếm, đối tượng đã lao vào và cướp túi tiền và bỏ chạy, số tiền khoảng 200 triệu đồng.

Ngày 14/10, một vụ cướp khác xảy ra tại Tp. Hồ Chí Minh. Đối tượng đã dùng trái nổ tự chế xông vào một chi nhánh VietinBank ở đường Lũy Bán Bích, phường Thạnh Hòa, Quận Tân Phú để thực hiện vụ cướp tài sản hết sức táo bạo. Tuy nhiên đối tượng chưa kịp thực hiện hành vi của mình thì bị bắt giữ.

Cũng vào trung tuần tháng 10, một vụ cướp ngân hàng táo tợn xảy ra tại LienVietPostBank ở Bắc Ninh. Tên cướp đội mũ lưỡi trai, đeo khẩu trang bịt mặt và đem theo 1 con dao nhọn đến để cướp tiền của khách giao dịch tại ngân hàng và cướp đi 200 triệu đồng của một khách hàng. Rất may tổ tuần tra mật phục chống trộm cướp của Công an thị xã Từ Sơn đang có mặt gần đó đã phát hiện sự việc và tổ chức truy đuổi và bắt giữ được tên cướp.

Hồi cuối tháng 9 còn xảy ra vụ cướp táo tợn hơn. Đó là ngày 27/9 tại phòng giao dịch của VietinBank Khu Công nghiệp Hòa Phú (Vĩnh Long), tên cướp đội mũ bảo hiểm, mang găng tay, đeo khẩu trang kín mặt, tay trái cầm một vật màu đen giống như khẩu súng, vào bên trong ngân hàng uy hiếp bảo vệ, nhân viên của ngân hàng và yêu cầu bỏ tiền vào túi xách mà hắn mang theo. Sau khi cướp được tiền, kẻ cướp nhanh chóng lên xe máy tẩu thoát. Bước đầu, xác định số tiền bị cướp trên 200 triệu đồng. Vài ngày sau thì có thông tin nghi phạm đã dùng chính khẩu súng thực hiện vụ cướp ngân hàng tự sát tại nơi làm việc, để lại bức thư tuyệt mệnh nói rằng hiện vụ cướp vì đang thiếu nợ 1 số tiền lớn.

Một vụ cướp khác xảy ra ở Vietcombank Trà Vinh hồi giữa tháng 4/2017. Chỉ trong vòng 90 giây, đối tượng đã nhanh chóng cướp đi 1,6 tỷ đồng và 35.900 USD của ngân hàng này.

Thiếu tiền nên làm liều

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng bị bắt giữ có lời khai về nguyên nhân phạm tội khá giống nhau, đó là do thiếu tiền hoặc nợ nần nhiều. Các đối tượng này nhắm đến ngân hàng vì qua mạng xã hội và báo chí thấy nhiều vụ cướp thực hiện trót lọt.

Như đối tượng Nguyễn Huy Vũ xông vào ngân hàng VietinBank trên đường Lũy Bán Bích đã khai nhận: “Do đọc báo, phát hiện thời gian gần đây có nhiều vụ cướp ngân hàng thực hiện thành công nên đối tượng đã lên kế hoạch cướp ngân hàng. Vũ nghĩ rằng nếu thực hiện vụ cướp ngân hàng thành công thì sẽ tẩu thoát ra các tỉnh thành phía Bắc để bỏ trốn và công an sẽ không bao giờ lần ra”.

Còn đối tượng Lò Văn Soa cướp ở LienVietPostBank Từ Sơn Bắc Ninh thì khai rằng do ham chơi bời, lô đề nên mắc nợ một số tiền khá lớn. Chính vì vậy, đối tượng này đã nghĩ ra cách “kiếm tiền” đó là cướp tài sản của người đi rút tiền ngân hàng.

Hay Lê Lâm Hưng, thủ phạm cướp ở Vietcombank Trà Vinh, vốn là kỹ sư điện làm việc tại Ban quản lý dự án nhiệt điện 3 nhưng dính vào cờ bạc, cá độ bóng đá qua mạng và thua số tiền lớn, bị chủ nợ thúc đòi liên tục nên tính đến cướp ngân hàng.

Các đối tượng thực hiện các vụ cướp ngân hàng phần lớn đều bị bắt giữ và xử lý nghiêm minh. Chẳng hạn, Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hoàng Tâm 15 năm tù giam về tội “Cướp tài sản”. Tâm là thủ phạm gây ra vụ cướp tại Phòng giao dịch Thành Nội thuộc Ngân hàng BIDV Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên - Huế, có trụ sở trên đường Mai Thúc Loan, phường Thuận Thành, TP Huế. Số tiền cướp là hơn 700 triệu đồng. Hay đối tượng Lê Lâm Hưng cướp của Vietcombank chi nhánh Duyên Hải (Trà Vinh) tính ra tiền Việt là hơn 2,2 tỷ đồng đã phải chịu mức án 20 năm tù.

An ninh ngân hàng chưa siết chặt

Cướp giật nói chung và cướp tài sản tại ngân hàng nói riêng là nói đến sự manh động, liều lĩnh của đối tượng gây án. Nhưng cướp ngân hàng thường tạo ra sự lan tỏa thông tin xấu đến an ninh, trật tự xã hội, làm tâm lý nhiều người hoang mang.

Qua theo dõi các vụ cướp tiền tại ngân hàng thời gian qua, nhiều ý kiến nhận xét rằng, công tác bảo vệ, phòng ngừa thiếu chặt chẽ. Một số ngân hàng duy trì số tiền mặt giao dịch lớn tại các quầy giao dịch để thuận tiện cho khách đến gửi tiền, rút tiền, cách làm này vô tình là miếng mồi ngon cho bọn tội phạm.

Hơn nữa, lực lượng bảo vệ của ngân hàng cũng rất mỏng, thường chỉ có 1-2 bảo vệ làm công tác trông giữ xe, còn bên trong ngân hàng không có bảo vệ mà chỉ có hệ thống camera hoạt động hoặc hệ thống chuông báo động. Các máy quay thì chỉ có tác dụng để trích xuất dữ liệu sau khi vụ việc xảy ra chứ chưa thể ngăn ngừa được hành vi phạm tội, còn hệ thống chuông báo động chỉ hoạt động khi cán bộ ngân hàng tiếp xúc được với nút chuông.

Như vụ cướp xảy ra tại Vietcombank Trà Vinh, qua công tác xét xử, Hội đồng xét xử nhận định trong vụ cướp có một phần lỗi của ngân hàng vì công tác đảm bảo an ninh yếu kém. Khi xảy ra cướp, ngân hàng có trang bị 3 camera nhưng chỉ để giám sát nội bộ, chứ không phục vụ công tác an ninh, bảo vệ. Khi xảy ra cướp, nhân viên ngân hàng do hoảng sợ đã tích cực gom tiền bỏ vào hai túi xách cho bị cáo nhanh chóng hoàn thành vụ cướp và có thời gian tẩu thoát. Còn bảo vệ khi nghe thấy cướp đã nhanh bỏ chạy sang phòng khác nghe điện thoại, photo tài liệu vì sợ bị cáo nhìn thấy…

Cả khách hàng và ngân hàng cần cảnh giác, hoạt động ngân hàng phải siết chặt an ninh hơn nữa

Các nhà quan sát cho rằng, là nơi tập trung, lưu trữ nhiều tiền bạc và luôn là mục tiêu nhìn ngó của bọn tội phạm hình sự đòi hỏi các ngân hàng phải tăng cường hơn nữa công tác an ninh tại trụ sở làm việc. Họ có thể bổ sung lực lượng bảo vệ ngay cả bên trong ngân hàng, để nếu “khách hàng” có biểu hiện nghi vấn thì có thể báo động từ xa và chủ động hơn trong việc phòng ngừa các hành vị phạm tội, và cũng hạn chế được sự liều lĩnh của những kẻ cướp.

Ở góc nhìn cơ quan công an, theo Đại tá Nguyễn Văn Huệ, Trưởng Công an thị xã Từ Sơn cho biết, để phòng ngừa việc bị kẻ xấu lợi dụng, cướp tài sản, các ngân hàng cần nêu cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa, giám sát chặt chẽ các “vị khách” có biểu hiện nghi vấn. Bên cạnh đó, người dân khi đi rút tiền cần đi 2 người trở lên để bảo vệ, trông coi tài sản; nên đi vào đầu giờ hoặc giữa giờ giao dịch, tránh việc đến cuối giờ, nhiều người ra vào dễ mất kiểm soát.

Về phía cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước vẫn thường xuyên yêu cầu các ngân hàng phải tăng cường công tác giám sát, bảo vệ, đảm bảo an toàn tài sản tại nơi giao dịch; nhân viên bảo vệ phải có sức khỏe, nghiệp vụ để xử lý kịp thời các tình huống, không được rời vị trí trực và thực hiện đúng quy định khi thực thi nhiệm vụ; xây dựng phương án bảo vệ chống đột nhập, cướp tiền, tài sản dưới mọi hình thức; Thường xuyên tổ chức diễn tập tình huống cho nhân viên và bảo vệ ngân hàng….

Tuy nhiên những cảnh báo đó từ cơ quan quản lý dường như chưa đủ mạnh khiến các ngân hàng bắt buộc phải thực hiện đảm bảo an toàn một cách chủ động. Thiết nghĩ Ngân hàng Nhà nước, cơ quan công an cần có thêm những biện pháp để các ngân hàng nhận thức được rõ hơn và tuân thủ nghiêm chỉnh hơn trong công tác an toàn, an ninh trong giao dịch ngân hàng; và bản thân các ngân hàng cũng phải nhận thức nghiêm khắc hơn vai trò đảm bảo an ninh để không còn xảy ra các vụ cướp ngân hàng nữa trong thời gian tới.

Ngọc Toàn - Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên