MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao doanh nghiệp vẫn phàn nàn kêu khó tiếp cận vốn còn ngân hàng than khó mở rộng tín dụng?

05-10-2017 - 15:31 PM | Tài chính - ngân hàng

TS Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN Việt Nam cho biết, giải pháp tín dụng cho DNNVV không phải chủ đề mới nhưng cũng không bao giờ cũ bởi thực tế hiện nay phía DN phàn nàn kêu khó tiếp cận nguồn vốn, trong khi ngân hàng thương mại kêu khó mở rộng tín dụng cho DNNVV.

Tại Hội thảo "Giải pháp tín dụng cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa" diễn ra chiều nay (5/10), TS. Đoàn Duy Khương – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, chúng ta đang sống trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó cộng đồng doanh nghiệp là động lực phát triển của nền kinh tế.

Ông Khương khẳng định, nói đến cộng đồng doanh nghiệp không thể không nói đến cộng đồng DNNVV bởi trong bất kỳ nền kinh tế nào, DNNVV cũng là xương sống của nền kinh tế.

Tại Việt Nam, hiện nay DNNVV chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp khoảng 45% GDP, 31% tổng thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động.

"Bên cạnh việc đóng góp cho sự phát triển kinh tế, rõ ràng cộng đồng DN này đang đóng góp cho sự ổn định công ăn việc làm, góp phần khắc phục rủi ro cho nền kinh tế, đưa nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững", ông Khương nói.

Phát biểu tại Hội thảo, TS Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN Việt Nam cho biết, giải pháp tín dụng cho DNNVV không phải chủ đề mới nhưng cũng không bao giờ cũ bởi thực tế hiện nay phía DN phàn nàn kêu khó tiếp cận nguồn vốn, trong khi ngân hàng thương mại kêu khó mở rộng tín dụng cho DNNVV. Điều này đã giải quyết được một cách rất tích cực qua các cơ chế của nhà nước như Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ.

"Hiện cái khó tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp đều cũng đã nhận thấy từ 2 phía. Hội thảo ngày hôm nay DN đừng kêu khó mà hãy đề xuất các biện pháp để giải quyết cái khó khăn trên. Chính giải pháp đó giúp cơ quan quản lý sớm hoàn thiện được giải pháp gỡ vướng cho DNNVV", ông Tú đề nghị.

Bà Hoàng Thị Hồng – Giám đốc Quỹ hỗ trợ DNNVV – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các DNNVV gặp khó khăn trong tiếp cận vốn bởi thủ tục vay vốn phức tạp, thiếu tài sản đảm bảo, thông tin, tài chính thiếu đầy đủ, kém minh bạch, quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ, trình độ quản trị tài chính kém. Đặc biệt, DN tư nhân/DNNVV có ít ưu thế hơn so với các DN nhà nước/DN lớn.

Để hỗ trợ tài chính cho các DNNVV, bà Hồng đưa ra một số kiến nghị giải pháp. Một là, minh bạch hóa thông tin doanh nghiệp: Cần xây dựng cơ sở dữ liệu về DNNVV để các TCTD có thể truy cập, tìm hiểu (tổng tài sản, quy mô vốn chủ sở hữu, doanh thu, lợi nhuận hàng năm, tình trạng hoạt động... ).

Hai là, phát triển thị trường tín dụng dành cho DNNVV: Trong đó, phát triển các sản phẩm phù hợp với DNNVV: thủ tục, hồ sơ, lãi suất, TSBĐ…; Phát triển hoạt động cho vay khép kín từ khâu vay thu mua, sản xuất đến khâu chế biến và xuất khẩu cho các nhóm DNNVV có liên kết với nhau theo cùng một chuỗi.

Ba là, tăng cường liên kết NH với doanh nghiệp, ngân hàng với các định chế tài chính hỗ trợ DNNVV, với các hiệp hội DN. Cụ thể, thúc đẩy hình thành mạng lưới các nhà đầu tư, quỹ đầu tư để cung cấp vốn cho DNNVV; Tạo kênh huy động vốn (đặc biệt là vốn trung và dài hạn) cho DNNVV trên thị trường chứng khoán; Đẩy mạnh việc cơ cấu lại các công ty cho thuê tài chính.

Bà Hồng cũng thông tin thêm về Quỹ Phát triển DNNVV. Theo đó, đây là tổ chức tài chính Nhà nước thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng. Quỹ hỗ trợ tài chính cho các DNNVV có dự án sản xuất khả thi thuộc lĩnh vực ưu tiên theo theo từng thời kỳ. Quỹ tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn tài chính, nguồn vốn trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật với mục đích giúp DNNVV phát huy toàn bộ tiềm năng, coi thành công của DN là mục tiêu cốt lõi trong mọi hoạt động.

Hiện Quỹ đang cho các DNNVV vay thông qua ủy thác cho các ngân hàng thương mại; Phối hợp với các tổ chức có liên quan triển khai hoạt động tư vấn tài chính, thông tin, quản trị, kết nối kinh doanh, hỗ trợ tăng cường năng lực cho DNNVV thuộc đối tượng hỗ trợ của Quỹ; Nhận vốn ủy thác, tài trợ, viện trợ của các tổ chức để hỗ trợ tài chính đối với DNNVV; Hỗ trợ các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; Tiếp nhận nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện hoạt động hỗ trợ DNNVV…

DNNVV vay vốn từ Quỹ sẽ được ưu đãi lãi suất thấp hơn: 5.5% vay ngắn hạn, 7% trung và dài hạn. Mức lãi suất được cố định suốt thời hạn vay. Với việc vay vốn từ Quỹ này, DN cũng được yêu cầu tài sản thế chấp ít hơn, không quá 100% tổng giá trị khoản vay, ưu tiên sử dụng tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay. Hoàn trả khoản vay trong thời gian tối đa 10 năm…

Cũng theo bà Hồng, có một số trường hợp Quỹ không ưu tiên hỗ trợ, đó là DNNVV có tổng nguồn vốn (tổng nguồn vốn tương đương với tổng tài sản được xác định trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp) lớn hơn 100 tỷ đồng. Trừ các trường hợp DNNVV đáp ứng được các tiêu chí quy định tại chương trình hỗ trợ DNNVV đổi mới sáng tạo; DNNVV có dự án, phương án SX-KD có điểm tiêu chí ưu tiên lựa chọn đạt từ 80 điểm trở lên theo quy định tại phụ lục 1 Thông tư số 13/2015/TT-BKHĐT ngày 28/10/2015.

Ngoài ra, DNNVV có vốn sở hữu của nhà nước và DNNVV tái chế phế liệu nhập khẩu hoặc dự án liên quan đến hoạt động chôn lấp rác thải cũng không được Quỹ ưu tiên hỗ trợ.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên