MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao dòng tiền yếu và nhà đầu tư chứng khoán hiện nay cần lưu ý gì?

“Tôi nghĩ thị trường có thể điều chỉnh về ngưỡng 900 điểm, sâu hơn có thể 850 hoặc dưới chút nữa. Sau đó sẽ có những đợt phục hồi kỹ thật, tăng tương đối khá nhưng chậm do người bán họ giảm bán ra chứ không phải dòng tiền thật sự vào mua. Nhà đầu tư cần lưu ý trong thị trường yếu thì chứng khoán phái sinh hoặc cổ phiếu penny được hưởng lợi nhiều”, chuyên gia Phan Dũng Khánh cho biết.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank KimEng đã có cuộc trao đổi với BizLIVE xoay quanh diễn biến thị trường chứng khoán Việt.

Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) mới đây tái khẳng định sẽ vẫn duy trì định hướng chính sách tiền tệ như hiện tại. Ông có bình luận gì về động thái này?

Phát biểu của FED đối với thị trường của thế giới, đặc biệt là Mỹ mang tính chất tác động tích cực hơn, nhưng về mặt trung và dài hạn tôi cho rằng xu thế hiện nay không thay đổi nhiều. Chứng khoán thế giới ảnh hưởng trong ngắn hạn bởi hiện Đảng Dân chủ kiểm soát hạ viện. Tuy nhiên, trong luật pháp của Mỹ những quyết sách quan trọng cần phải có lưỡng viện thông qua, nên nói chung những chính sách của Tổng thống Donald Trump trong trung và dài hạn vẫn duy trì theo hướng này, Đảng Dân Chủ lật ngược lại là chuyện khó do phải lưỡng viện thông qua.

Còn đối với chứng khoán Việt Nam, tôi thấy ít ảnh hưởng bởi thời gian gần đây xu thế chứng khoán trong nước ít gắn kết với diễn biến chứng khoán Mỹ. Ví dụ, phiên giữa tuần trước, chứng khoán Mỹ tăng 500 điểm nhưng chứng khoán Việt hầu như chỉ tăng nhẹ trong khi nhiều người kỳ vọng tăng mạnh.

Trong khi đó thanh khoản thị trường ngày càng tệ, chuyện này cho thấy bây giờ tin tốt, tin xấu thanh khoản cũng kém, thanh khoản kém thì xu hướng xấu nhiều hơn là tốt bởi dòng tiền là không có.

Ông có thể phân tích lý do dòng tiền vào chứng khoán hiện nay đang yếu đi?

Dòng tiền yếu có nhiều lý do nhưng một trong những lý do lớn là dòng tiền bị hút về Mỹ. FED đang thắt chặt tiền tệ ngày càng mạnh, lãi suất ngày càng tăng. Dự kiến tăng một lần trong tháng 12, ba lần trong năm 2019 và một lần trong năm 2020, nhưng đó là dự kiến không biết mức độ tăng như thế nào và có thể số lượng nhiều hơn hay không tùy tình hình.

Có một số lý do FED thực hiện việc nâng lãi suất. Thứ nhất tăng trưởng kinh tế Mỹ càng mạnh đi kèm với lạm phát, lạm phát hiện nay có thể đạt được mục tiêu cao hơn nữa và nếu lạm phát đạt được mục tiêu thì FED cần thắng điều này lại. Trong 2 tháng gần đây tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ được đánh giá tốt nhất trong vòng 100 năm, tin siêu tốt nhưng làm cho chứng khoán Mỹ rớt. Bởi báo cáo đó chẳng khác nào các nhà đầu tư họ suy nghĩ những ý sau: nếu là tốt nhất vậy những thời điểm tiếp theo là tốt nhì, tốt ba… không còn tốt nhất nữa.

Tỷ lệ thất nghiệp tốt như vậy đồng nghĩa lạm phát tăng cao và FED cần thắt chặt tiền tệ nhiều hơn, rõ ràng ảnh xấu tới dòng tiền trong nền kinh tế, vào thị trường tài chính và doanh nghiệp, theo đó nhà đầu tư phải bán chứng khoán, gồm cổ phiếu và trái phiếu ra. Bởi thử tưởng tượng nếu lãi suất cao như vậy gửi tiền trong ngân hàng sẽ tốt hơn trong khi DN kinh doanh khó khăn hơn, kinh doanh khó khăn hơn rõ ràng đầu tư chứng khoán rủi ro hơn. Chứng khoán rủi ro thì nhà đầu tư chọn để tiền trong ngân hàng.

Nhà đầu tư bán chứng khoán ra làm cho trái phiếu chính phủ Mỹ giảm giá tuy nhiên lãi suất giữ nguyên. Lãi suất giữ nguyên thì lợi suất tăng lên, các ngân hàng căn cứ vào lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ 10 năm để áp lãi suất cho vay ra. Nếu lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ 10 năm tăng lên thì rõ ràng lãi suất trung bình thị trường tăng lên trong khi đó FED tăng lãi suất thì các ngân hàng thương mại căn cứ theo FED và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ 10 năm.

Như vậy lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ 10 năm tăng lên rõ ràng ngân hàng các nước tăng theo, đồng nghĩa tiền bị hút về. Tiền bị hút về có 2 ý, thứ nhất hút trực tiếp và thứ hai là kiểu nhà đầu tư thấy đầu tư quá rủi ro. Giả sử một quỹ đầu tư tại Việt Nam tuy nhiên bây giờ khách hàng của quỹ rút tiền dù quỹ không muốn rút nhưng rõ ràng cần phải bán chứng khoán ra để trả tiền của nhà đầu tư, ảnh hưởng tới dòng tiền tại Việt Nam.

Khối ngoại tại thị trường Việt dòng tiền không chiếm lớn nhưng lại tác động lớn tới tâm lý nhà đầu tư nội.

Ông nhận định ra sao về thị trường chứng khoán Việt cuối năm?

Nếu chiến tranh thương mại theo hướng tích cực thì sẽ tác động tích cực tới thị trường nhưng theo hướng thị trường đang xấu 100% thì độ xấu giảm còn 60 - 70%. Vì thật ra người dân quan tâm tới chiến tranh thương mại nhưng giới tài chính điều họ quan tâm hơn cả là chiến tranh tiền tệ.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phải sử dụng các biện pháp về tiền tệ để hỗ trợ cho nền kinh tế, điều này ảnh hưởng tới các quốc gia khác, chạy đua bởi làm cho các đồng tiền quốc gia khác giảm giá. Các quốc gia khác phải tăng lãi suất để đối chọi với Mỹ và Trung Quốc. Nếu chiến tranh thương mại giảm bớt căng thẳng, Trung Quốc giảm bớt chính sách này có nghĩa là tốt hơn. Nhưng vấn đề là chỉ có Trung Quốc làm thôi còn FED vẫn giữ. Nên tôi cho rằng tác động tích cực một phần là vậy, có nghĩa là dòng tiền được cải thiện.

Rủi ro ở đây là giả sử có tin tốt thì tin này ít tác động vào thị trường. Nhiều doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh tốt trong quý III, lợi nhuận nhóm ngân hàng tăng mạnh nhưng hầu như không ảnh hưởng tới thị trường, giá dầu giảm gần đây nhưng tính chung năm qua là tăng nhưng cũng không ảnh hưởng tới nhóm dầu khí. Cổ phiếu hầu như chỉ có giảm…

Tôi nghĩ thị trường có thể điều chỉnh về ngưỡng 900 điểm, sâu hơn có thể 850 hoặc dưới chút nữa. Sau đó sẽ có những đợt phục hồi kỹ thật tăng tương đối khá nhưng chậm do người bán họ giảm bán ra chứ không phải dòng tiền thật sự vào mua. Nhà đầu tư cần lưu ý trong thị trường yếu thì những kênh như chứng khoán phái sinh hoặc cổ phiếu penny được hưởng lợi nhiều.

Xin cảm ơn ông!

Theo Huyền Trâm

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên