MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao dự án thép thường đặt ở ven biển?

Khu vực ven biển có tính chất rất nhạy cảm về an ninh, quốc phòng, môi trường... Vì lẽ đó, một số chuyên gia cho rằng, việc kiểm soát vấn đề ô nhiễm môi trường tại các dự án thép ven biển là hết sức quan trọng.

Vùng ven biển có nhiều lợi thế

Mới đây, Tập đoàn Hòa Phát đã gây chú ý khi đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi xin tiếp quản, mua tài sản thanh lý dự án thép Guang Lian tại KKT Dung Quất, đã được tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận và hiện đang xin ý kiến các bộ, ngành. Dự án của Hòa Phát có tổng vốn đầu tư khoảng 2-2,5 tỷ USD, công suất 4 triệu tấn/năm.

Trước đó, năm 2006 dự án thép Guang Lian do Tập đoàn Tycoons (Đài Loan, Trung Quốc) làm chủ đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn ban đầu 556 triệu USD, tuy nhiên dự án này đã bị thu hồi giấy chứng nhận vào năm 2015. Không chỉ Hòa Phát, được biết Tập đoàn Hoa Sen cũng có đề xuất xin tiếp quản lại dự án này.

Trước đó, vào tháng 8-2016, Tập đoàn Hoa Sen cũng đã gây sóng dư luận khi đề nghị được triển khai dự án thép có vốn đầu tư lên tới 10 tỷ USD tại vùng biển Cà Ná, Ninh Thuận. Vào năm 2007, Tập đoàn Posco (Hàn Quốc) cũng từng đặt vấn đề đầu tư xây dựng nhà máy thép liên hợp tại KKT Vân Phong (Khánh Hòa). Cùng với một số dự án thép ven biển khác, trong đó có dự án lớn như Khu liên hợp Gang thép Hưng Nghiệp Formosa tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh)... Có thể thấy khu vực ven biển có sức hấp dẫn đối với các DN sản xuất thép.

Lý giải cho điều này, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, sở dĩ các DN thép mong muốn đầu tư các dự án ven biển là do Việt Nam không có điều kiện thuận lợi cho phát triển ngành thép do không có đủ điều kiện về tài nguyên, đặc biệt là than luyện cốc và quặng sắt. Mỏ lớn nhất là mỏ Thạch Khê (Hà Tĩnh) hiện vẫn chưa đi vào sản xuất được nên nguồn quặng vẫn phải NK.

Đối với những nhà máy thép có sản lượng lớn, độ 5-7 triệu tấn trở lên, số lượng vận chuyển nguyên vật liệu và thành phẩm rất nhiều, thường là gấp 4 lần sản lượng. Ví dụ nhà máy có sản lượng khoảng 5 triệu tấn thì lượng vận chuyển sẽ khoảng 20 triệu tấn/năm. Vì vậy, việc lựa chọn những vị trí ven biển, đặc biệt là những nơi có cảng nước sâu là rất cần thiết đối với những nhà máy có sản lượng lớn.

Còn ông Phan Đào Vũ, Tổng giám đốc Công ty Thép Việt Úc (Vinaustells) cho rằng, việc bố trí dự án thép ven biển chủ yếu liên quan đến vận tải trong NK nguyên liệu cũng như xuất sản phẩm, bởi vận tải đường biển rất thuận tiện, chi phí rẻ và sau đó là thuận tiện trong xử lý chất thải. Nếu nhà máy nằm sâu trong đất liền, khi nguyên liệu về đến cảng biển, phải vận chuyển nguyên liệu đó về nhà máy bằng đường bộ, mà thường là xe ô tô.

Với quãng đường khoảng 150km thì sẽ mất thêm 200.000 đồng/tấn. Khi sản xuất xong lại tiếp tục phải vận chuyển bằng đường bộ đến cảng để xuất đi. Do đó, nếu không tận dụng được vận tải đường thủy thì chi phí vận tải sẽ lên cao. Ngoài ra có thể là do yếu tố liên quan đến môi trường, xử lý chất thải, khí thải sẽ thuận lợi hơn khi vùng ven biển thường là những nơi xa dân cư.

Làm rõ thêm về vấn đề này, đại diện một DN FDI trong ngành thép cho biết, ở Việt Nam, quặng sắt không có nhiều, than cũng không đủ để luyện thép, nghĩa là hai nguyên liệu chính cho sản xuất thép đều phải NK. Tuy nhiên, với khối lượng nguyên liệu NK lớn, lên đến hàng chục, hàng trăm ngàn tấn thì trước hết cần một cảng biển có đủ độ sâu để tàu cập cảng, bên cạnh đó, việc bố trí các dự án ven biển sẽ có lợi thế cho DN, việc vận chuyển than từ cảng đến nhà máy sẽ thuận lợi hơn và giảm được nhiều chi phí cho DN, giảm giá thành sản phẩm.

Trên thế giới, hiện nay có nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc… có nhiều nhà máy thép nhưng hầu hết các nhà máy này cũng đặt ven biển, ít có dự án nào trên núi như Nhà máy thép Thái Nguyên ở Việt Nam. Sở dĩ nhà máy này nằm sâu trong đất liền, dù không gần biển nhưng vẫn có thể hoạt động tốt là do nằm giữa các mỏ khai thác quặng sắt, than, đủ nguồn cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy.

Cần kiểm soát xả thải

Cũng theo đại diện DN FDI trên, các dự án được đặt tại vị trí ven biển cũng sẽ thuận lợi trong việc cung cấp nước bởi nguồn nước ngầm tại các khu vực ven biển thường sẽ dồi dào hơn. “Việc đặt nhà máy thép ven biển là điều hết sức bình thường, vấn đề là kiểm soát việc ô nhiễm môi trường của các dự án này như thế nào, nhất là đối với các dự án của công ty tư nhân. Bộ TN&MT, Sở TN&MT của các tỉnh nơi dự án đứng chân phải kiểm soát chặt chẽ vấn đề này”, vị đại điện DN này nói. Theo vị lãnh đạo này, pháp luật về môi trường của Việt Nam đã tốt, nhưng quá trình thực thi, một số DN không tuân thủ, do đó việc xả thải không đạt được tiêu chuẩn.

Các dự án thép đều có khu bãi xỉ gần nhà máy, có hệ thống xử lý chất thải lỏng trước khi xả ra môi trường, tuy nhiên, việc vận hành hệ thống này thường rất tốn kém, do đó để tiết kiệm chi phí, nhiều DN không tuân thủ đúng quy trình theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, hiện thép Việt Nam chịu cạnh tranh lớn của thép giá rẻ Trung Quốc, nếu muốn bán được hàng thì thép Việt Nam phải giảm chi phí để cạnh tranh. Trước sức ép đó, nhiều DN lựa chọn phương án sử dụng công nghệ lạc hậu hoặc công nghệ hiện đại nhưng lại không vận hành hệ thống xả thải đúng quy định.

Ông Nguyễn Văn Sưa cũng cho rằng, vấn đề môi trường tại dự án thép phải đặc biệt chú ý, phải theo dõi, kiểm tra, kiểm soát để tất cả chất xả thải phải đúng tiêu chuẩn hiện hành, bao gồm những tiêu chuẩn về chất xả thải, chất rắn, khí, lỏng… đã được nhà nước ban hành. Hiệp hội Thép Việt Nam cũng luôn khuyến nghị tất cả các thành viên tuân thủ mọi quy định của pháp luật, trong đó có cả quy định về môi trường, xả thải.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho rằng, việc cho phép đầu tư dự án thép ven biển là không sai, để tạo điều kiện cho DN, nhưng vấn đề là quản lý hoạt động xả thải của DN như thế nào cho tốt. Tuy nhiên, ông Nhân cũng lưu ý, có những vùng biển phục vụ cho du lịch, nuôi trồng thủy sản thì phải theo quy hoạch, không thể bố trí DN sản xuất thép vào vùng nuôi trồng thủy sản. Các DN đều phải tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, phải có những công trình xử lý chất thải rắn, chất thải khí và chất thải nước đúng quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam.

Đại diện Bộ TN&MT cũng cho hay, năm 2017 Bộ TN&MT sẽ làm quy hoạch môi trường, trong đó rất chú ý đến sản xuất công nghiệp tác động tới khu vực nhạy cảm và các khu vực này sẽ có quy hoạch trước, có đánh giá môi trường chiến lược, cảnh báo trước cho từng địa phương để tránh những nơi không thể chấp nhận dự án nhạy cảm, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết.

Theo Hoài Anh

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên