MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao giá thép tăng?

18-04-2016 - 16:05 PM | Thị trường

"Việt Nam áp thuế tự vệ với phôi thép và thép dài khiến giá thép tăng cao" là ý kiến được nhiều người đề cập đến. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, việc thay đổi chính sách đối với hoạt động sản xuất thép của Trung Quốc cũng đã tác động khá lớn đến giá thép trên thị trường Việt Nam.

Trung Quốc điều chỉnh chính sách

Đầu tháng 3, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 862/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài NK vào Việt Nam. Theo đó, mức thuế áp dụng là 23,3% đối với phôi thép, 14,2% đối với thép dài.

Cùng thời điểm Bộ Công Thương đưa ra quyết định áp thuế tự vệ với phôi thép và thép dài (áp thuế từ ngày 22-3), giá thép trong nước đã tăng chóng mặt theo từng ngày, thậm chí là từng giờ. Điều này khiến cho lượng thép tiêu thụ tăng lên trong tháng 3, đạt 1,011 triệu tấn, tăng hơn 55% so với cùng kỳ năm ngoái, theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA). Trong số này, chỉ có khoảng 50.000 tấn thép xây dựng được XK, còn lại 962.000 tấn được tiêu thụ ở thị trường trong nước.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc áp thuế tự vệ với sản phẩm phôi thép và thép dài đã tạo nên làn sóng tăng giá với 2 mặt hàng này. Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch VSA cho biết, có tâm lý đầu cơ, tích trữ của các nhà thương mại sau khi quyết định áp thuế tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài NK vào Việt Nam được Bộ Công Thương ban hành.

Không phủ nhận có tâm lý đầu cơ, tích trữ song ông Tô Thái Ninh, Phó Trưởng phòng Điều tra các vụ kiện phòng vệ thương mại, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) khẳng định: "Biện pháp áp thuế tự vệ với 2 mặt hàng này ngay lập tức tạo hiệu ứng mạnh trên thị trường, đó là việc sản phẩm thép tăng giá mạnh trong thời gian qua. Nhưng thực tế, việc tăng giá thép theo nhận định của chúng tôi không phải đến từ quyết định này".

Ông Ninh phân tích, nhìn sâu hơn về thông tin thị trường có thể thấy, tại thời điểm áp thuế, giá nguyên liệu thép cũng như quặng thép trên thế giới có sự biến động mạnh do Trung Quốc thay đổi chính sách với sản xuất thép. Trước đây, tổng sản lượng thép của Trung Quốc là 800 triệu tấn trong khi nhu cầu 400 triệu tấn khiến cho nguồn cung dư thừa nên Chính phủ Trung Quốc buộc phải có chiến lược điều chỉnh hoạt động sản xuất bằng cách đóng cửa những nhà máy có công suất dưới 2 triệu tấn, hoặc sáp nhập. Chính quyết định này của Trung Quốc đã khiến cho năng suất sản xuất bị giới hạn nên nhu cầu về quặng thép và thép phế tăng lên- những nguyên liệu đầu vào của phôi thép, thép dài, kéo theo việc tăng giá. Ví dụ, phôi thép ở Trung Quốc trong tháng 2 chỉ 270 USD/tấn thì đến đầu tháng 3 đã tăng lên 370 USD/tấn. Ở Việt Nam, xu hướng thép thế giới tăng cũng đã tác động đến thị trường thép, cộng hưởng với quyết định áp thuế tự vệ nên đã xảy ra tình trạng như vừa qua.

Ai chịu tác động?

Theo ông Ninh, khi áp dụng biện pháp tự vệ, thông thường sẽ tạo ra phản ứng chung của thị trường bởi khi đó thuế hàng hóa NK tăng lên tác động đến 2 đối tượng chính là DN sử dụng hàng NK làm nguyên liệu đầu vào và người tiêu dùng. Trong bất kỳ vụ việc nào cũng gây phản ứng chung cho xã hội không chỉ ở riêng Việt Nam.

Bổ sung thêm thông tin, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) nhìn nhận, trong quá trình triển khai, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại những người được hưởng vỗ tay hoan hô, còn những người không được hưởng lợi thì phản đối, tức là có sự mâu thuẫn về lợi ích giữa các bên. Trong vụ việc này cũng vậy. Ông Nam dẫn chứng, khi Bộ Công Thương đưa ra quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đã có 1 nhóm 6 DN "phản ứng". Tuy nhiên, với vai trò là người "cầm cân nảy mực", vị đại diện của Cục Quản lý cạnh tranh khẳng định: "Chúng tôi không bảo vệ lợi ích của DN nào mà bảo vệ lợi ích ngành, cả nền sản xuất. Tôi rất bực khi DN nói đây là bảo vệ lợi ích cá nhân cho Tập đoàn Hòa Phát".

Mặt khác, việc áp thuế tự vệ chỉ có thể bảo vệ trong thời gian nhất định (4 năm hoặc lâu nhất cũng chỉ có thể kéo dài 6 năm) để tạo điều kiện cho ngành sản xuất trong nước điều chỉnh để cạnh tranh với hàng hóa NK. "Nếu không bảo vệ, ngành sản xuất trong nước "chết" thì liệu chúng ta có mua được hàng hóa NK với giá rẻ như vậy không? Đây là câu hỏi mà các cơ quan điều tra trên thế giới luôn đặt ra và khẳng định phải bảo vệ sản xuất trong nước. Thậm chí, ngay cả những nước mạnh về công nghệ như Hoa Kỳ vẫn bảo vệ sản xuất trong nước là vì lý do đó”, ông Tô Thái Ninh cho hay.

Ông Nam khuyến cáo thêm, trong nền kinh tế thị trường hội nhập sâu rộng như hiện nay, đặc biệt khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng phổ biến, vai trò của hiệp hội vô cùng quan trọng. DN phải mang tính cộng đồng cao nếu không sẽ bị "bẻ gãy" và "chết ngay" trên sân nhà. Nhìn từ vụ áp thuế phôi thép và thép dài thì thấy rằng, lúc đầu khi bắt đầu vụ kiện, các DN rất lúng túng. Có những "ông lớn" trong ngành thép còn có tư tưởng "cho mấy ông DN nhỏ chết để DN lớn sống. Trong quá trình hội nhập, chết ông nhỏ rồi sẽ đến ông lớn nên DN cần cùng nhau chụm lại, ông lớn có trách nhiệm ủng hộ DN nhỏ đồng lòng trong cuộc chiến", ông Nam nói.

Ông Ninh cho biết, việc rút lại quyết định áp thuế phải căn cứ trên cơ sở pháp luật chứ không thể căn cứ vào việc giá thép tăng. Nếu rút quyết định áp thuế thì phải đánh giá liệu ngành sản xuất trong nước đã phục hồi hay chưa, tạo điều kiện cho ngành sản xuất trong nước điều chỉnh lại chưa. Thông thường để ngành sản xuất trong nước điều chỉnh được, nhanh cũng phải mất 1 năm nên việc có hay không đưa ra việc rút lại quyết định phải căn cứ vào pháp luật, chứ không phải thấy hiện tượng thị trường mà rút.

Thời hạn áp thuế tạm thời là 200 ngày (khoảng 6 tháng) và thời gian điều tra cũng khoảng 6 tháng, do vậy trước khi quyết định áp thuế tạm thời hết hiệu lực thì sẽ có biện pháp tự vệ chính thức. Dựa trên thông tin thu nhập được, biện pháp tự vệ chính thức sẽ được đưa ra, có thể tăng hoặc giảm thuế.

Theo Phan Thu

Báo hải quan

Trở lên trên