MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao giữa tháng 5 mới ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh năm 2018?

Tăng thêm 8-18 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới là mục tiêu được đề ra cho năm 2018. Tuy nhiên, Nghị quyết 19-2018 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mới được ban hành vào giữa tháng 5.

Trước thềm Hội nghị thường niên về cải thiện môi trường kinh doanh, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - CIEM) đã có cuộc trao đổi với báo Trí Thức Trẻ.

Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lục cạnh tranh quốc gia thường được ban hành ngay trong quý I. Theo bà, vì sao Nghị quyết năm nay lại được ban hành vào tháng 5?

Thông thường, Nghị quyết 19 được ban hành vào tháng 2 hoặc tháng 3, vì bản dự thảo đã được chuẩn bị từ cuối năm trước. Nhưng dường như các năm trước đây, bộ ngành cũng có ít ý kiến hơn, quan tâm chưa sâu. Nghị quyết lần này được ban hành chậm hơn những lần trước là do các bên quan tâm đến nội dung này tương đối nhiều.

Cách tiếp cận của Nghị quyết là theo thông lệ quốc tế. Dựa vào đánh giá của các tổ chức quốc tế để xác định vị trí của Việt Nam và đưa ra định hướng cải cách. Chính vì thế, vẫn còn sự dùng dằng của các bộ trong việc giữ, níu kéo lại những cách thức quản lý cũ. Họ chưa muốn thay đổi, hoặc muốn thay đổi nhưng với lộ trình muộn hơn. Chính vì sự níu kéo, dùng dằng như thế, mà ý kiến của các bộ gửi về chậm hơn rất nhiều so với thời hạn do Văn phòng Chính phủ đưa ra.

Sau khi nhận được ý kiến của tất cả các bộ ngành và thành viên chính phủ, bản Dự thảo Nghị quyết mới hoàn thiện và trình lên được. Nhưng khi thấy những vấn đề chưa được giải quyết tiếp tục được nêu lại, chỉ trong khoảng 2 tháng, một số bộ lại có những hoạt động tích cực. Họ khẩn trương ban hành các văn bản và có những hành động về mặt chính sách. Chính vì thế, bản dự thảo nghị quyết lại phải sửa đổi để không nhắc lại những điều đã hoàn thành rồi.

Mục tiêu bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh, 50% danh mục kiểm tra chuyên ngành có khả thi không?

Khả thi chứ. Đối với điều kiện kinh doanh, Chính phủ đưa ra con số 50% không phải là "bốc thuốc ngẫu nhiên". Đó là dựa trên cơ sở các rà soát độc lập về điều kiện kinh doanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Theo rà soát năm 2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với sự tham gia thực hiện của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương, Việt Nam có khoảng 5.000 điều kiện kinh doanh. Trong đó, có thể cắt giảm 2.500 -3.000 điều kiện vì không cần thiết, không phù hợp, không có ý nghĩa về mặt quản lý nhà nước, cũng như khó đo lường đong đếm cụ thể được. Đó là sự tùy ý của các các cơ quan quản lý nhà nước.

Vì vậy, mục tiêu cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh của Chính phủ hoàn toàn khả thi vì đã qua quá trình rà soát. Việc thực hiện được hay không hoàn toàn do sự chủ động, quyết tâm của các bộ ngành, áp lực từ nhiều bên, để các bộ ngành thay đổi tư duy quản lý theo hướng mở hơn, hiện đại hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế hơn.

Bà đánh giá ra sao về mức độ khả thi của mục tiêu tăng 8-18 bậc trên bảng xếp hạng Doing Business của Ngân hàng Thế giới được Chính phủ đặt ra trong năm 2018?

Mục tiêu tăng bậc trên bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới cũng không phải là chỉ tiêu theo kiểu "bốc thuốc". Đây là tính toán trên cơ sở các công thức của Ngân hàng Thế giới. Mục tiêu cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới này hoàn toàn có thể đạt được, nếu các bộ ngành thực hiện đúng hạn và đầy đủ những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Nhưng nên biết rằng, mục tiêu này được đề ra với giả định là các nước khác đứng yên.

Chúng ta cải cách, các nước khác cũng không đứng yên. Họ cũng dựa trên cách tiếp cận của Ngân hàng Thế giới để đưa ra các cách trong nội bộ nền kinh tế. Họ cũng vận động và ngày càng vận động nhanh hơn. Áp lực để chúng ta cải cách để có được vị trí khoảng 50-60 cũng là thách thức rất lớn, đòi hỏi sự nỗ lực rất cao.

Theo dự kiến, Hội nghị thường niên về cải cải thiện môi trường kinh doanh năm nay sẽ không có sự tham dự của một lãnh đạo cấp Phó Thủ tướng. Sự quan tâm của Chính phủ đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh đã không còn nóng như cách đây 4 năm?

Nghị quyết 19 năm nay ban hành chậm hơn mọi năm khoảng 2 tháng. Nếu không tổ chức ngay Hội nghị triển khai thì sẽ gây khó khăn cho bộ ngành, địa phương trong việc lập kế hoạch hành động. Nhưng tổ chức sớm vào tuần sau thì không thể kỳ vọng sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ.

Các vấn đề đưuọc nêu ra tại Hội nghị năm nay sẽ phải được báo cáo Phó Thủ tướng. Vì vậy, không có nghĩa Phó Thủ tướng không chủ trì thì độ nóng của vấn đề bị giảm đi.

Xin cám ơn bà!

Vương Diệu Quân (thực hiện)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên