MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao không ban hành Luật hỗ trợ xử lý nợ xấu mà phải có nghị quyết riêng?

25-05-2017 - 20:10 PM | Tài chính - ngân hàng

Vấn đề xử lý nợ xấu là một trong những vấn đề “nóng” nhất những ngày này. Nợ xấu không chỉ được bàn đi bàn lại trong hệ thống ngân hàng, trên bàn của các chuyên gia, các hội nghị, hội thảo mà cả nghị trường của Quốc hội khóa XIV kỳ họp thứ 3.

TS Nguyễn Đức Kiên
TS Nguyễn Đức Kiên
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội
40 bài viết

Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực Ủy ban Kinh tế đã nhất trí về sự cần thiết sớm ban hành một Nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu. Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã được gửi đến các đại biểu Quốc hội để phục vụ kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV khai mạc ngày 22/5, và kỳ vọng sẽ được thông qua ngay trong kỳ họp này. Câu hỏi được đặt ra lúc này là tại sao chúng ta không ban hành Luật hỗ trợ xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống các TCTD, mà ban hành Nghị quyết riêng để xử lý nợ xấu và cấp bách thông qua trong kỳ họp Quốc hội tới đây?

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội, để trả lời câu hỏi này, trước hết chúng ta cần phân tích bối cảnh nền kinh tế trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay.

Ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, nền kinh tế nước ta gặp khó khăn trầm trọng, Bộ Chính trị phải ra Nghị quyết 02 và Chính phủ ra Nghị quyết 01 để xử lý các vấn đề mới nảy sinh. Thực hiện Nghị quyết Đại hội về xử lý các nhiệm vụ trọng tâm của nền kinh tế trong giai đoạn 2011-2015 là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu DNNN và tái cơ cấu các TCTD, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 254 về tái cơ cấu các TCTD, và đặt nó là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2015.

Tuy đạt được kết quả bước đầu là ổn định hệ thống, nhưng trong vòng 2 năm đầu tiên thực hiện tái cơ cấu, tình hình nợ xấu và hoạt động của một số TCTD vẫn tiếp tục xấu đi.

Trước tình hình đó, năm 2013, các cơ quan có trách nhiệm đã thảo luận rất nhiều và đưa đến quyết định thành lập Công ty mua bán nợ của các TCTD Việt Nam (VAMC) và công ty này chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7/2013. Đến hết năm 2016, tổng số nợ mà VAMC đã mua đạt khoảng hơn 200.000 tỷ đồng.

Đến thời điểm này, NHNN đã chỉ đạo rất sát sao hoạt động xử lý nợ xấu và bán tài sản bảo đảm, nhưng do nhiều ràng buộc về các văn bản pháp luật khác nhau nên VAMC cũng mới chỉ xử lý được khoảng 10% tổng số nợ xấu mua về.

Theo báo cáo mới nhất của các TCTD (tháng 9/2016), tổng số nợ xấu nội bảng của các TCTD, bao gồm cả nợ bán cho VAMC vào khoảng 400.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 5,8%/tổng dư nợ. Số lượng nợ xấu lớn như vậy đe dọa nghiêm trọng không chỉ hệ thống tài chính mà toàn bộ hệ thống an ninh tiền tệ quốc gia.

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, trong tình huống này, chúng ta buộc phải có những quyết định rất đặc thù. Nghị quyết 05 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về một số vấn đề kinh tế xã hội lần đầu tiên đã có lưu ý về đảm bảo quyền lợi hợp pháp của chủ nợ. Thực hiện Nghị quyết của Trung ương và ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, các cơ quan chuyên môn đã dự thảo một văn bản pháp quy để xử lý tình huống đột xuất này. TS. Kiên đánh giá đây là sáng kiến lập pháp của các cơ quan của Quốc hội, thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa các cơ quan điều hành và cơ quan lập pháp.

Ngay từ tháng 12/2016, sau kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIV, các cơ quan có trách nhiệm của Quốc hội cũng như Chính phủ đã tiến hành làm việc với nhau để xây dựng dự thảo văn bản xử lý vấn đề. Tuy nhiên, lúc này nhận thức của các bên về hình thức của văn bản pháp quy vẫn chưa thống nhất. Dù là mục tiêu thống nhất nhưng phương thức hành động là khác nhau. Các cơ quan của Quốc hội đề xuất làm Nghị quyết và sửa Luật các TCTD và Luật NHNN, nhưng cơ quan điều hành lại muốn ban hành một Luật riêng, chuyên ngành.

Trải qua gần 4 tháng trao đổi, thuyết phục và báo cáo các cấp có thẩm quyền, cuối cùng đã thống nhất được phương thức triển khai xử lý vấn đề trên gồm 2 phần: một là có Nghị quyết để xử lý các vấn đề cấp bách, đảm bảo an ninh cho hệ thống tiền tệ và hệ thống các TCTD Việt Nam; hai là sửa Luật các TCTD để đảm bảo tính ổn định lâu dài cho toàn bộ hệ thống.

Theo quy định hiện hành, Quốc hội có thẩm quyền để ban hành một Nghị quyết có tính chất tương đương một văn bản luật để đưa ra các quy định khác với quy định trong Luật đã được Quốc hội thông qua trong các Luật khác, hoặc đưa ra những quy định mới mà Luật chưa quy định. Có thể nói một cách nôm na, việc ban hành Nghị quyết là nhằm thực hiện thí điểm một số điều sửa đổi luật để đưa nhanh luật vào cuộc sống, xử lý các vấn đề cấp bách xảy ra và xem xét có phù hợp với quy luật của nền kinh tế hay không, trong lúc chúng ta chưa có điều kiện sửa toàn bộ những luật liên quan.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên