MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao mở rộng điều tra vụ lừa đảo vốn "làm đáo hạn ngân hàng"?

22-08-2019 - 16:32 PM | Tài chính - ngân hàng

Vụ án lừa đảo tín dụng với số tiền lớn, gây chấn động địa bàn tỉnh Quảng Trị, gây ra và để lại nhiều hậu quả, di chứng nghiêm trọng cho kinh tế và trật tự an toàn xã hội nhưng chậm được xử lý nghiêm minh, rốt ráo, để kéo dài từ năm 2016 cho đến nay.

Tin từ UBND tỉnh Quảng Trị ngày 22.8 cho biết, UBND tỉnh này vừa có văn bản gửi Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu có biện pháp bảo vệ công dân tố cáo về tội phạm xã hội đen, tín dụng đen trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và tổ chức tấn công kiên quyết, hiệu quả với các loại tội phạm này.

Cùng với đó, trung tuần tháng 8.2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Quảng Trị đã phát đi thông báo về việc sẽ tiến hành điều tra bổ sung đối với vụ án lừa đảo trên 54 tỷ đồng dưới hình thức huy động vốn với lãi suất cực cao dưới vỏ bọc "làm đáo hạn ngân hàng".

Vụ án lừa đảo tín dụng với số tiền lớn, gây chấn động địa bàn tỉnh Quảng Trị, gây ra và để lại nhiều hậu quả, di chứng nghiêm trọng cho kinh tế và trật tự an toàn xã hội nhưng chậm được xử lý nghiêm minh, rốt ráo, để kéo dài từ năm 2016 cho đến nay. Nguyễn Thị Lan Hương (SN 1985, trú phường 1, TP. Đông Hà, Quảng Trị) từ năm 2011, đã tiến hành huy động vốn với lãi suất cao.

Hương biết được những người làm đáo hạn ngân hàng thường rất dễ vay được tiền theo hình thức vay tính lãi từng ngày với số lượng lớn. Do đó, Hương đưa ra thông tin cần vay tiền để làm các gói đáo hạn lớn, chấp nhận mức lãi suất cao hơn lãi suất của hình thức vay trả góp và cam kết sẽ trả tiền gốc và tiền lãi đúng hạn.

Những người cho Hương vay tiền tin tưởng Hương là người làm đáo hạn ngân hàng có uy tín và hiệu quả nên khi trả xong khoản vay trước thì tiếp tục cho vay khoản sau với số tiền lớn hơn.

Đến cuối tháng 8.2016, những người cho vay thấy Hương liên tục đưa ra lý do để kéo dài thời gian trả gốc và lãi nên nảy sinh nghi ngờ và tập trung đòi nợ. Ngày 24.9.2016, Hương uống thuốc tự tử để trốn nợ nhưng được bệnh viện cứu sống.

Ngày 20.10.2016, Hương đến cơ quan công an trình diện. Cơ quan chức năng kết luận, từ tháng 5.2014 đến tháng 8.2016, Hương đã chiếm đoạt số tiền hơn 55,4 tỷ đồng của 12 bị hại

Quá trình điều tra xác định Võ Lê Long (SN 1980, chồng của Hương) đã có hành vi cho Hương mượn tài khoản để nhận tiền do Hương vay, cùng Hương ký vào giấy vay tiền theo yêu cầu của người cho vay; trực tiếp gặp người cho vay lấy tiền theo yêu cầu của Hương và ký giấy xác nhận nợ, giả chữ ký của Hương…

Mặc dù vậy, cho đến nay Võ Lê Long vẫn không bị xem xét có vai trò đồng phạm, giúp sức cho Hương phạm tội hay không. Đặc biệt, cơ quan điều tra kết luận Hương dành tiền chiếm đoạt được để trả nợ cho người khác nhưng không làm rõ trả cho ai...

Các bị hại đã liên tục gửi đơn tố cáo cho rằng, cơ quan điều tra đã bỏ lọt người lọt tội và không làm rõ việc Hương đã trả nợ cho ai là nhằm "bảo vệ" cho thế lực ngầm đằng sau bị cáo Nguyễn Thị Lan Hương.

Theo Nhóm PV

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên