MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao Mỹ sẽ không tái gia nhập TPP trong tương lai gần?

21-04-2018 - 12:45 PM | Tài chính quốc tế

Hiệp định thương mại song phương với Nhật Bản sẽ đem lại lợi ích chính trị cho cả hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Shinzo Abe.

Lời hứa cân nhắc tái gia nhập TPP vào tuần trước của tổng thống Donald Trump đã nhanh chóng làm dấy lên nhiều dự đoán với thái độ kinh ngạc. Tại sao một vị tổng thống – người từng phản đối TPP kể từ khi còn đang tranh cử vào năm 2016 và coi việc rút khỏi hiệp định là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của mình, lại có thể suy nghĩ lại việc tái gia nhập? Điều gì đã hấp dẫn Trump? Và liệu 11 nước còn lại có chấp nhận?

Những câu hỏi này có liên quan đặc biệt tới chuyến công du tới Mỹ kéo dài hai ngày của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Và ví dụ của Nhật Bản đã chỉ ra lý do vì sao Trump sẽ không tái gia nhập TPP sớm, hoặc lý do vì sao việc Mỹ tái gia nhập TPP phức tạp hơn so với những gì ông mong muốn.

Tuần trước, Trump đã yêu cầu các cố vấn kinh tế hàng đầu xem xét lại TPP. Tuy nhiên, như thường thấy, ông và Nhà Trắng đã nhanh chóng từ bỏ ý định do áp lực từ một số thượng nghị sĩ của các bang làm nông nghiệp. Thông điệp của Trump là nước Mỹ sẽ tái gia nhập hiệp định chỉ khi ông có được thoả thuận tốt hơn. Ông cũng thả nổi ý tưởng tái thiết lập hiệp định song phương cùng Nhật Bản.

Ngay sau khi tin tức nổ ra, Trump đã đăng trên twitter: "[Nước Mỹ] sẽ gia nhập TPP chỉ khi nội dung hiệp định tốt hơn so với hiệp định từng được đề xuất với Tổng thống Obama. Chúng tôi vốn đã thiết lập các hiệp định SONG PHƯƠNG với sáu trên mười một nước thuộc TPP, và đang tiến hành thảo luận với quốc gia lớn nhất, Nhật Bản, đất nước đã gây nhiều tổn thất cho chúng tôi về thương mại trong nhiều năm!"

Nếu Trump giữ lời hứa tiến hành hiệp định song phương cùng Nhật Bản, thì đây sẽ là một tin tức quan trọng và cũng là một bất ngờ lớn. Kể từ khi Trump nhậm chức vào năm ngoái và tuyên bố hiệp định thương mại song phương tốt hơn hiệp định thương mại đa phương, ông vẫn chưa tìm thấy người đàm phán và thống nhất một hiệp định cùng mình.

Cách tiếp cận tái đàm phán NAFTA đầy tính hiếu chiến của chính quyền Trump không đem lại hiệu quả. Tình huống tương tự đã tái diễn khi ông ra quyết định áp dụng thuế quan cho thép. Động thái này đã gây tổn thất nặng nề cho nhiều đồng minh của Mỹ, ví dụ như Nhật Bản, thay vì ảnh hưởng tới mục tiêu dự định là Trung Quốc.

Thủ tướng Shinzo Abe đã đầu tư nhiều vốn liếng chính trị để gia nhập TPP khi cựu tổng thống Barack Obama ngỏ lời mời ông tham gia. Khi Trump đề nghị thiết lập một thoả thuận song phương, thủ tướng Nhật Bản đã lựa chọn theo đuổi phiên bản thu gọn của TPP với mười quốc gia còn lại thay vì lựa chọn sự hợp tác đầy rủi ro với Mỹ.

Tuy nhiên, với chuyến công du tới Washington của ông cùng nguy cơ thuế thép, thật khó để dự đoán xem liệu Abe có thay đổi suy nghĩ hay không. Biểu hiện quen thuộc trong những ngày công du của ông là mỉm cười, ca ngợi Trump và kéo dài thời gian, trong thương mại, đây chính là biện pháp đòn bẩy.

Biện pháp của Hàn Quốc không phải là một ví dụ tốt. Ông Abe khó có thể chấp nhận kìm hãm 70% tổng sản lượng xuất khẩu thép sang Mỹ vào năm 2017 như Seoul đã làm.

Các nhà máy thép của Nhật sản xuất 4,7% tổng sản phẩm từ thép được Mỹ nhập khẩu vào năm ngoái, tương đương 1,45 tỉ USD trên tổng giá trị nhập khẩu thép 29 tỉ USD của Mỹ trong năm 2017. Theo dữ liệu thương mại Mỹ, thép chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong tổng giá trị xuất khẩu từ Nhật sang Mỹ. Vào năm ngoái, giá trị này đạt 137 tỉ USD, gấp gần 100 lần.

Quan trọng hơn cả, với Trump, thâm hụt thương mại hàng hoá với Nhật Bản của Mỹ trong năm ngoái là 68,8 tỉ USD. Trump và cố vấn thương mại của mình, Robert Lighthizer, có lẽ mong muốn mức thâm hụt này giảm xuống, tức là Nhật Bản sẽ phải hi sinh nhiều hơn. Rõ ràng, xét về khía cạnh chính trị, đây không phải là miếng bánh thơm ngon đối với Nhật Bản.

Một điều có lẽ sẽ khiến Abe lo ngại là Trump đã có chuẩn bị để tiến hành nhiều biện pháp cực đoan hơn để chống lại Nhật Bản, Tuy nhiên, điều này khó có thể trở thành hiện thực. Chiến tranh thương mại với Nhật Bản chủ yếu sẽ chỉ khiến các thị trường tài chính hoang mang tương tự như với Trung Quốc. Và Trump thực sự cần Nhật Bản hơn những gì ông nghĩ hiện nay trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Cấu trúc của TPP có thể đem đến cơ hội thắng lợi cho cả hai bên.

Kết cấu của TPP là một chuỗi các hiệp định song phương cho phép tiếp cận thị trường giữa 11 nước thành viên. Mỹ, Nhật Bản và các tranh chấp thương mại từ các sản phẩm nông nghiệp như thịt bò và thịt lợn đến các sản phẩm công nghiệp như ô tô có thể sẽ trì hoãn TPP nguyên bản trong nhiều năm thay vì chỉ thảo luận các quy định chung.

Nếu Trump có ý định tái đàm phán như những gì ông từng làm với Hàn Quốc, nhưng tăng cường các biện pháp bảo vệ ngành công nghiệp ô tô nội địa và giành được một số nhượng bộ của Nhật Bản, thì ông hoàn toàn có thể tuyên bố chiến thắng. Và đổi lại, nếu Abe giành được quyền miễn thuế quan thép vĩnh viễn và một số lợi ích thương mại tiềm năng từ việc Mỹ tham gia TPP, ông cũng có thể tuyên bố giành chiến thắng trên khía cạnh chính trị. Trump cũng có thể khẳng định mình đã thành công có được một thoả thuận song phương.

Tuy vậy, viễn cảnh này đã không xảy ra khi ông Abe kết thúc chuyến thăm và trở về Nhật Bản. Những vấn đề lớn liên quan tới việc duy trì quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn còn bỏ ngỏ.

Quỳnh Mai

FT

Trở lên trên