MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao Mỹ tổ chức quốc yến đón Thủ tướng Singapore?

03-08-2016 - 21:07 PM | Tài chính quốc tế

Singapore là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên có lãnh đạo được Mỹ chiêu đãi bằng quốc yến...

Quốc yến mà Tổng thống Mỹ Barack Obama chủ trì để chiêu đãi Thủ tướng Singapore tại Nhà Trắng ngày 2/8 có thể được xem như một “điều phi thường” về ngoại giao đối với đảo quốc nhỏ bé này.

Hãng tin CNBC cho biết kể từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ vào năm 2009, ông Obama mới 11 lần tổ chức quốc yến. Trong khi đó, hồi thập niên 1960, Tổng thống Lyndon Johnson đã tổ chức tới 54 lần quốc yến trong một nhiệm kỳ đứng đầu Nhà Trắng duy nhất.

“Đánh giá rất cao”

Singapore là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên có lãnh đạo được Mỹ chiêu đãi bằng quốc yến. Ở khu vực châu Á, mới chỉ có 4 quốc gia khác được hưởng sự tiếp đãi trọng thị này, là Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc.

“Quốc yến rất hiếm khi được Mỹ tổ chức. Việc Singapore được Mỹ mời quốc yến thể hiện sự đánh giá rất cao”, bà Judith Fergin, Giám đốc điều hành Hội đồng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Singapore, giải thích.

Bà Fergin nói thêm rằng tiệc quốc yến mà Mỹ chiêu đãi Thủ tướng Lý Hiển Long còn nhấn mạnh “vai trò trụ cột mà Singapore đã giữ nhiều năm qua trong việc giữ vững mối quan hệ giữa Mỹ và châu Á”.

Mỹ và Singapore đã có mối quan hệ kinh tế, quân sự và ngoại giao từ năm 1966, một năm sau khi Singapore giành độc lập. Singapore còn là đối tác của Mỹ trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong liên minh toàn cầu chống tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), và trong thỏa thuận khí hậu Paris.

Ông Khong Yuen Foong, giáo sư khoa học chính trị Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nói rằng nền tảng quan hệ Mỹ-Singapore đã được thiết lập bởi ông Lý Quang Diệu, Thủ tướng đầu tiên của Singapore, đồng thời là cha thân sinh của ông Lý Hiển Long.

“Khi quân Anh tuyên bố rút khỏi Đông Nam Á, ông Lý Quang Diệu đã có 2 tháng sang Mỹ học tập vào năm 1968. Trong khoảng thời gian đó, ông ấy đã hiểu thêm nhiều về người Mỹ, rồi trở về nước mang theo niềm ngưỡng mộ đối với khả năng sáng tạo, các trường đại học và các chiến lược của Mỹ”, ông Khong nói.

“Kể từ đó, các nhà lãnh đạo Mỹ coi ông Lý Quang Diệu là một người châu Á có thể gia tăng giá trị cho các đánh giá chiến lược của họ tại khu vực châu Á”, ông Khong cho hay, và nói thêm rằng “hầu như không có nhà lãnh đạo nào ở châu Á được Mỹ nhìn nhận như vậy”.

Ông Lý Quang Diệu đã phát triển được mối quan hệ cá nhân thân thiết với nhiều chính trị gia của Mỹ, bao gồm nhà ngoại giao nổi tiếng Henry Kissinger và Tổng thống Richard Nixon. Vào năm 1985, Tổng thống Ronald Reagan đã tổ chức quốc yến chiêu đãi ông Lý Quang Diệu, và đó là tiệc quốc yến gần đây nhất mà Mỹ dành cho Singapore trước quốc yến chiêu đãi ông Lý Hiển Long.

Đôi bên khăng khít

Từ lâu, Singapore đã muốn thắt chặt quan hệ quân sự với Mỹ, vì nước này tin sự hiện diện mạnh mẽ về quân sự của Mỹ có thể sẽ tăng cường sự ổn định ở châu Á. Singapore đóng một vai trò trong việc mở đường cho sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực, bằng cách ký biên bản ghi nhớ (MoU) năm 1990 cho phép Mỹ sử dụng các căn cứ hải quân của Singapore.

“Biên bản ghi nhớ này rất có lợi cho Singapore, vì sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Philippines, Mỹ không có căn cứ nào ở châu Á để thực hiện các hoạt động hậu cần và tiếp tế cho tàu hải quân”, ông Khong giải thích.

Vào năm 2004, Singapore xây dựng căn cứ hải quân Changi đủ lớn để đón các hàng không mẫu hạm và chiến hạm của Mỹ.

Một trụ cột quan trọng khác của quan hệ song phương Mỹ-Singapore nằm ở lĩnh vực thương mại. Hiện có khoảng 3.600 công ty Mỹ hoạt động ở Singapore, chủ yếu là “trụ sở khu vực, các hoạt động thiên về tài sản trí tuệ, trung tâm nghiên cứu và phát triển, phát minh công nghệ cao” - theo một báo cáo của AmCham.

Ngoài ra, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giữa Mỹ và Singapore cũng chảy mạnh. Mỹ hiện là quốc gia có vốn FDI lớn nhất ở Singapore, trong khi Singapore là nhà đầu tư châu Á lớn thứ ba vào Mỹ.

Hồi đầu thập niên 2000, Singapore và Mỹ đã ký kết Thỏa thuận Tự do thương mại song phương (USSFTA) - thỏa thuận được xem là “tiêu chuẩn vàng của các thỏa thuận tự do thương mại”, bà Fergin cho hay.

Theo bà Fergin, USSFTA đã giúp thay đổi bộ mặt nền kinh tế Singapore, bởi các điều khoản của thỏa thuận vượt xa khỏi vấn đề thuế quan, giúp mở cửa ngành tài chính của Singapore cho đầu tư nước ngoài. Điều này “là một cột mốc trong thành công của Singapore với tư các một trung tâm quản lý tài sản và tài chính”, bà Fergin nói.

Bà Fergin cũng nói rằng USSFTA đã giúp đặt nền móng cho TPP, thỏa thuận giữ vai trò trụ cột trong chiến lược xoay trục về châu Á của Mỹ. Trong chuyến thăm Mỹ lần này, Thủ tướng Lý Hiển Long đã cảnh báo uy tín của Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng xấu nếu Quốc hội Mỹ không phê chuẩn TPP.

Theo An Huy

Vneconomy

Trở lên trên