MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao năng suất lao động của Việt Nam thấp?

Lao động giá rẻ chiếm số lượng lớn và chất lượng lao động không đồng đều đang trở thành rào cản để tăng năng suất lao động.

Ngoài cơ cấu lao động bất hợp lý, việc không sáng tạo, không thương hiệu… giá trị sản xuất của lực lượng lao động ở Việt Nam rất khó cải thiện. Năng suất lao động cũng vì thế rất khó đuổi kịp các nước phát triển.

Ghi nhận tại một công ty may, các sản phẩm may có giá bán từ 50 đến 100 USD. Nhưng, lao động Việt chỉ được đối tác trả 2 - 5 USD/sản phẩm bởi họ chỉ đảm nhận các công đoạn hoàn thiện theo mẫu. Chỉ gia công, không tạo ra sản phẩm có thương hiệu để cung ứng cho thị trường khi nguồn lao động giá rẻ được coi là lợi thế của nền kinh tế thì rất khó có thể nâng cao năng suất lao động.

Năng suất lao động của từng cá nhân tại một doanh nghiệp khác luôn đạt trên 1 tỷ đồng/năm nhờ sự làm chủ về công nghệ, thương hiệu. Một chi tiết cơ khí siêu chính xác được sản xuất trong nước với chi phí vật liệu chỉ 200.000 đồng nhưng nó được bán tới 30 triệu đồng. Một nhà máy nhỏ, chỉ với 60 lao động đang làm ra những sản phẩm mang thương hiệu riêng, chuyên sản xuất theo đơn đặt hàng những chi tiết máy cho các hãng lớn như Intel, Canon...

Tuy nhiên, số DN trong nước có thương hiệu và sản phẩm có hàm lượng trí thức cao rất ít. Lao động giá rẻ chiếm số lượng lớn và chất lượng lao động không đồng đều đang trở thành rào cản để tăng năng suất lao động.

Tăng năng suất năng suất lao động là thách thức với cả nền kinh tế Việt Nam. Một quan niệm cần thay đổi đó là lao động giá rẻ không còn là lợi thế của nền kinh tế, bởi thế giới đang ở giữa cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, lao động giản đơn có thể bị thay thế bằng robot.

Còn rất nhiều tác động ảnh hưởng đến năng suất lao động ở Việt Nam, như: 90% doanh nghiệp VN là doanh nghiệp vừa và nhỏ; công nghệ sản xuất thấp và trung bình chiếm tỷ lệ quá cao... Về lâu dài, các chuyên gia kinh tế cho rằng, muốn cải thiện được năng suất lao động, quan trọng nhất là phải nâng cao được hàm lượng công nghệ, nâng cao chất lượng lao động, thay vì giá trị sản xuất chỉ dựa vào lợi thế nhân công giá rẻ và khai thác tài nguyên.

Theo PV

VTV1

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên