MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao Nhật Bản muốn tiếp nhận 10.000 nhân viên y tế Việt Nam trong 2 năm tới?

7:1 là quy tắc về tỷ lệ bệnh nhân trên điều dưỡng được ngành y tế Nhật Bản xây dựng. Trong khi dân số già hóa, nước này buộc phải thu hút lao động từ bên ngoài. Tuy nhiên, công việc chăm sóc người già, bệnh không hấp dẫn lao động, dù mức lương tương đương người Nhật Bản trong cùng ngành.

10.000 nhân viên y tế là số lượng mà Nhật Bản sẽ tiếp nhận từ Việt Nam. Đây là mục tiêu được đưa ra trong biên bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ được ký kết vào đầu năm 2018. Theo đó, phía Nhật Bản sẽ tiếp nhận 3.000 hộ lý, điều dưỡng viên người Việt Nam mỗi năm. Chi phí đào tạo tiếng Nhật sẽ cho phía Nhật cung cấp.

Thực tế, từ năm 2013, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Việt Nam) và Bộ Y tế và Lao động phúc lợi (Nhật Bản) đã phối hợp để tổ chức các khóa đào tạo hộ lý, điều dưỡng viên. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, các ứng viên đủ điều kiện đều được đào tạo tiếng Nhật miễn phí trong 12 tháng, hưởng hỗ trợ tiền sinh hoạt.

Chỉ sau 3 năm, 470/510 học viên đã được chọn để sang làm việc tại Nhật Bản. Trong 2 đợt thi lấy chứng chỉ quốc gia về điều dưỡng của Nhật Bản vào năm 2015 và 2016, tỷ lệ thi đỗ của ứng viên Việt Nam đạt trên 40%, cao gấp nhiều lần so với tỷ lệ của ứng viên Philippines và Indonesia. Ứng viên Việt Nam được phía Nhật Bản đánh giá cao, nhu cầu tiếp nhận ứng viên người Việt thậm chí còn cao gấp 3 lần khả năng đào tạo (năm 2014).

Sở dĩ, Nhật Bản có nhu cầu rất lớn về lao động ngành y tế, làm việc trong các hộ lý, điều dưỡng vì dân số nước này bị già hóa. Nhu cầu chăm sóc người cao tuổi đã vượt quá khả năng cung ứng lao động của Nhật Bản và nước này buộc phải tìm đến nguồn lao động của các nước khác.

Quy tắc chung được xây dựng bởi ngành y tế Nhật Bản, tỷ lệ bệnh nhân trên điều dưỡng viên là 7:1. Nghĩa là, mỗi điều dưỡng viên chỉ được chăm sóc nhiều nhất là 7 bệnh nhân, để đảm bảo chất lượng.

Một ước tính năm 2015 của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản chỉ ra rằng, nước này thiếu khoảng 40.000 lao động trong ngành chăm sóc sức khỏe. Năm 2035, mức thiếu hụt sẽ đạt 790.000 lao động. Do đó, phía Nhật Bản đã đưa ra mức lương 130.000 -140.000 JPY/tháng (tương đương 27-30 triệu VND) để thu hút hộ lý, điều dưỡng viên từ các nước.

Thứ trưởng Bộ Lao đông, Thương binh và Xã hội nói về chương trình phái cử hộ lý, điều dưỡng viên sang Nhật Bản

Tuy nhiên, việc 470 ứng viên sang Nhật trong 3 năm đầu tiên đã cho thấy nghề hộ lý, điều dưỡng không hấp dẫn lao động Việt Nam. Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, tính đến hết năm 2017, cũng chỉ có hơn 800 người sang Nhật Bản theo chương trình phái cử lao động ngành hộ lý, điều dưỡng. Hơn 60 thực tập sinh đã xin thôi việc ngay sau thời gian đào tạo. 

Nguyên nhân được chỉ ra là công việc thiếu hấp dẫn, chủ yếu chăm sóc người bệnh, người già. Trong khi đó, người lao động cũng có thể phải trở về nước ngay từ năm đầu tiên nếu trình độ tiếng Nhật không đạt

Để thay đổi tình hình, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra "Sáng kiến sức khỏe và sự khỏe mạnh châu Á", nhằm đàm phán và ký kết biên bản ghi nhớ với một số nước về việc tiếp nhận hộ lý, điều dưỡng viên. Phía Nhật Bản cũng có những nới lỏng về yêu cầu đối với người lao động nước ngoài. Mức lương được nâng lên, cao tương đương số tiền trả cho người lao động Nhật Bản cùng nghành nghề. Phía Nhật cũng chủ động kết hợp với các công ty đào tạo để trau dồi thêm kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động.

"Tại Bộ Lao động, chúng tôi tiếp rất nhiều đoàn Nghị sỹ Quốc hội, Văn phòng Nội các và Thứ trưởng Bộ Y tế và Lao động phúc lợi Nhật Bản. Tỷ lệ người già cao quá và nhu cầu chăm sóc lớn, khiến họ không đủ người. Hiện nay, Nhật Bản đang mong muốn Việt Nam triển khai chương trình đưa hộ lý, điều dưỡng viên sang Nhật để chăm sóc tại các trung tâm dưỡng lão và bệnh viện. Còn các nước xung quanh như Indonesia, Philippines chưa hào hứng gì và sau hơn 1 năm chưa có một thực tập sinh nào sang" – ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phát biểu hồi đầu tháng 7/2018.

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, việc các nước trong khu vực "chưa hào hứng" với sáng kiến của phía Nhật Bản cho thấy rằng, nghề hộ lý, điều dưỡng thực sự thiếu hấp dẫn. Vì vậy, trong các cuộc đàm phán, Bộ LĐTBXH luôn muốn phía Nhật Bản giảm yêu cầu và đưa ra những ưu đãi tốt hơn cho người lao động Việt Nam.

Diệu Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên