MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao phải xóa quy định thấp lùn không được làm giáo viên?

15-02-2019 - 09:56 AM | Xã hội

Quy định điều kiện xét tuyển tối thiểu về chiều cao với các ngành đào tạo giáo viên, trong đó nam phải cao từ 1,55 m trở lên và nữ cao từ 1,5 m trở lên của trường ĐH Sư phạm TP.HCM gây tranh cãi của dư luận. Chiều 14/2, Trường đại học Sư phạm TPHCM đã quyết định gỡ bỏ điều kiện nam cao 1m55 và nữ cao 1m5 trở lên mới đăng ký vào ngành sư phạm.

Theo thông báo của trường này, quy định điều kiện xét tuyển tối thiểu về chiều cao với các ngành đào tạo giáo viên đối với nam phải cao từ 1,55 m trở lên và nữ cao từ 1,5 m trở lên.

Riêng ngành Giáo dục thể chất, nam phải cao từ 1,65 m và nặng 50 kg trở lên, nữ phải đạt tối thiểu 1,55 m chiều cao và nặng 45 kg trở lên.

Chính vì quy định này đã gây tranh cãi trong dư luận đã nhận được nhiều ý kiến từ dư luận xã hội và các giáo viên đang trực tiếp đứng trên bục giảng.

Vì sao phải xóa quy định thấp lùn không được làm giáo viên? - Ảnh 1.

TS Nguyễn Tùng Lâm

Ý tưởng tốt nhưng chưa phù hợp

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, việc trường này đưa chuẩn vào đào tạo là xu hướng tốt, sẽ chuẩn bị đội ngũ nhà giáo tương lai là tốt.

Tuy nhiên, TS Tùng Lâm cho rằng, việc quy định chuẩn chiều cao để xét tuyển không phù hợp với thời gian này. Giáo viên cao, xinh đẹp bên cạnh có năng lực, phẩm chất tốt thì đương nhiên quá tốt nhưng nếu được chiều cao mà những yếu tố khác mà kém thì cũng “vứt đi”.

Ông Lâm nhấn mạnh, việc quy định sẽ cản trở các chuẩn khác quan trọng hơn đối với giáo viên như năng lực, phẩm chất, đạo đức,… những yếu tố rất cần với nhà giáo.

TS Lâm cho rằng, quy định này chỉ nên là một yếu tố tham khảo, không nên là hàng rào chính: “Nếu môt học sinh cao 1m49, hay người khuyết tật mà họ có năng lực, tư chất, yêu nghề giáo thì không có cơ hội sao?”- ông Lâm nêu quan điểm.

TS Lâm cho rằng, thay vì đưa ra những quy định mang tính hành chính như thế này, các trường nên quan tâm vào xem tìm ra cách tuyển sao cho phù hợp vào ngành sư phạm, để tìm được người đủ tình yêu với nghề và có đạo đức tốt.

Cô Nguyễn Thị Linh, một giáo viên tiểu học ở Hà Nội cũng cho rằng, quy định này được đưa nhằm đảm bảo sức khỏe và hình ảnh cho đội ngũ giáo viên tương lai như vậy là mục đích tốt; nhưng nó không cần thiết, hoặc chưa chuẩn.

Vì sao phải xóa quy định thấp lùn không được làm giáo viên? - Ảnh 2.

Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP. HCM

Giáo viên đẹp ngoại hình cũng tốt

Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP. HCM cho rằng, xét về vấn đề nhân văn hay đạo đức xã hội thì quy định này không ổn. Và mọi người đều có ý kiến quan điểm khác nhau.

“Chúng ta nên nhìn ở một tầm nhìn chiến lược lâu dài. Về một đội ngũ mới. Để chúng ta có một đội ngũ tốt hơn về ngoại hình và tri tuệ”- cô Thảo nêu quan điểm.

Ở góc độ khác, cô Thảo cho rằng, không lẽ nhìn vào như sư phạm là nhìn vào " chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm" theo kiểu không có nơi nào để vào thì sư phạm sẽ tiếp nhận hết.

“Chúng ta cũng nên thay đổi tư duy trong việc xây dựng hình ảnh của giáo viên. Chúng ta giáo dục học sinh có nâng lực, phát huy năng lực của bản thân thì thẩm mỹ cũng là một vấn đề. Để có được trí tuệ và ngoại hình thì đầu tiên đội ngũ chúng ta cũng cần có chuẩn về chiều cao, sức khỏe ở mức độ tương đối”- cô Thảo nói.

Cũng theo cô Thảo, chiều cao và thể trạng người Việt cũng đang dần cải thiện. Chúng ta có cả chiến lược tăng trưởng thể trạng của người Việt từ cấp học nhỏ, đến cấp học lớn thì chúng ta đâu có khó khăn gì trong chiến lược nâng chuẩn sinh viên.

Cô Nguyễn Thị Hương, giáo viên dạy Hóa của một trường THCS ở Hà Nội cho rằng, tiêu chuẩn này không phải là mới ở những ngành đặc biệt nhưng trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã cụ thể hơn tiêu chí này nên được dư luận quan tâm hơn.

Cô Hương cho rằng, cô đồng ý một phần với quy định trên nếu quy định vào ngành sư phạm nghệ thuật, thể dục thể thao chứ vào các ngành đại trà thì còn chưa hẳn phù hợp.

“Đương nhiên, giáo viên đẹp, cao thì học sinh nhìn cũng có thiện cảm. Tuy nhiên, năng lực của nhà giáo, tình yêu trẻ, sự hấp dẫn trong bài giảng mới là điều cần với người giáo viên”- cô Hương nhấn mạnh.

Em Nguyễn Ngọc Anh, sinh viên năm nhất ngành Sư phạm Tiếng Anh (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, quy định này nhìn ở mặt tích cực cũng tốt, vì nếu giáo viên cao 1m50 trở lên sẽ đẹp hơn. Tuy nhiên, đi bên cạnh ngoại hình, nhà giáo phải có đủ năng lực và tố chất nhất định.

Ngọc Anh cũng dẫn chứng cụ thể, học sinh ở thành phố hiện nay phát triển rất tốt về mặt thể lực. Cụ thể, ở lớp em thì không có bạn nào không đạt 1m50 trở lên cả.

“Vì thế, nếu quy định này sẽ được chấp thuận thì nên coi đây là một điều kiện đủ thôi chứ không phải là quy định cứng nhắc, áp đặt. Như vậy, vô hình chung sẽ cản trở cơ hội của các bạn bị thấp về chiều cao nhưng họ mong muốn làm giáo viên thì sao”- Ngọc Anh nói.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, thông tin quy định về chiều cao như một trong những điều kiện thuộc về sức khỏe của người dự tuyển đã có từ những năm 2008 cũng như vài năm trước đó.

Thông tin này được nhà trường tiếp tục sử dụng để phục vụ cho việc tuyển sinh một thế hệ giáo viên mới, đủ sức khỏe, đủ khả năng thích nghi và có sức bền nghề nghiệp nhằm đón đầu những đòi hỏi của xã hội, những mong mỏi của phụ huynh về lớp nhà giáo hiện đại, có sức khỏe - có quyết tâm nghề.

“Đây không phải là tiêu chuẩn mới của ngành mà chỉ là của đề án tuyển sinh Trường ĐH Sư phạm TPHCM - trường đại học Sư phạm trọng điểm phía Nam. Hơn nữa, chiều cao là vấn đề chi tiết nằm trong những yêu cầu về sức khỏe của đề án tổng thể với rất nhiều yêu cầu về phẩm chất, năng lực khác. Và cần xem xét tổng thể chứ không nên tách ra một chi tiết mang tính đơn lẻ để quy gán và tạo ra dư luận xã hội thiếu cơ sở”- Ông Sơn khẳng định.

Bộ Giáo dục yêu cầu giải trình về quy định cao từ 1,5 m trở lên mới vào sư phạm

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), cho rằng, đã yêu cầu Trường rà soát kỹ dự thảo Đề án tuyển sinh, xác định các nội dung thực sự cần thiết, có cơ sở chắc chắn để khi ban hành đảm bảo quyền bình đẳng về cơ hội cho các thí sinh, không thể hiện chính sách phân biệt đối xử. Đồng thời, yêu cầu trường nên giải trình rõ để tạo sự đồng thuận trong xã hội"

Bị phản ứng, ĐH Sư phạm TPHCM bỏ điều kiện tuyển thí sinh trên 1m50

Chiều 14/2, Trường đại học Sư phạm TPHCM đã quyết định gỡ bỏ điều kiện nam cao 1m55 và nữ cao 1m5 trở lên mới đăng ký vào ngành sư phạm. Theo PGS-TS Nguyễn Thị Minh Hồng, thông tin trong đề án tuyển sinh của trường chỉ mang tính dự kiến và cũng mang tính chất để xem những điều kiện trường đưa ra có phù hợp với mong mỏi của xã hội hay không. “Nếu phản ứng của xã hội chưa đồng thuận thì gỡ xuống để tiếp tục nghiên cứu nhằm có thêm cơ sở chắc chắn hơn cho bất cứ tiêu chí nào mà nhà trường đưa ra…” PGS-TS Nguyễn Thị Minh Hồng nói.

Theo Đỗ Hợp

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên