MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao vắng bóng trạm cấp cứu trên cao tốc?

09-05-2017 - 11:40 AM | Xã hội

Thông tư số 49 của Bộ Y tế quy định, từ 1/3/2017, tối thiểu 50km đường bộ cao tốc phải có một trạm cấp cứu TNGT. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này đang gặp khó, còn nhiều ý kiến trái chiều.

Chỉ 5% nạn nhân TNGT được cấp cứu kịp thời

Thông tư số 49 của Bộ Y tế về tổ chức và hoạt động cấp cứu TNGT trên đường bộ cao tốc quy định, tối thiểu 50km đường bộ cao tốc phải có một trạm cấp cứu. Sở Y tế tỉnh, thành phố nơi có đường cao tốc đi qua lập danh sách cơ sở khám, chữa bệnh có đủ điều kiện thực hiện cấp cứu TNGT gửi cho trung tâm điều hành giao thông tuyến, cơ sở khám, chữa bệnh để điều phối và thực hiện việc cấp cứu TNGT.

Ngoài ra, hoạt động cấp cứu TNGT phải bảo đảm nguyên tắc nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả để cấp cứu và vận chuyển kịp thời nạn nhân đến cơ sở khám, chữa bệnh gần nhất. Trạm cấp cứu được tổ chức lồng ghép với cơ sở khám, chữa bệnh có sẵn trên tuyến cao tốc đi qua như: Trạm y tế xã, phường, trung tâm y tế quận, huyện có chức năng khám, chữa bệnh, Trung tâm cấp cứu 115, bệnh viện Nhà nước và bệnh viện tư nhân.

Theo nhiều chuyên gia, thời gian vừa qua, trên các tuyến cao tốc, khi tai nạn xảy ra, hầu hết nạn nhân không được sơ, cấp cứu, điều trị kịp thời, dẫn đến tình trạng sức khỏe diễn biến xấu hơn. PGS. TS. Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách phòng chống chấn thương Đại học Y tế Công cộng cho rằng, việc sơ, cấp cứu ban đầu cho nạn nhân TNGT tại Việt Nam còn yếu kém. Hiện, chỉ có khoảng 5% nạn nhân TNGT được xe cấp cứu chuyển đến bệnh viện trong “thời gian vàng”. “Một trong những nguyên nhân là quãng đường di chuyển từ nơi xảy ra tai nạn tới các cơ sở y tế thường xa, đặc biệt là trên các tuyến cao tốc, ảnh hưởng tới việc điều trị thành công của bệnh nhân”, ông Cường nói.

BS. Phạm Thành Lâm, Phó cục trưởng Cục Y tế GTVT cũng cho biết, khi có trạm cấp cứu trên cao tốc sẽ đạt được tiêu chí về thời gian cấp cứu “giờ vàng” và đội ngũ nhân lực có chuyên môn sẽ giúp nạn nhân TNGT giảm thiểu tai biến và tử vong. Bộ Y tế đã xây dựng mô hình trạm cấp cứu trên đường cao tốc, tuy nhiên, hiện nay các đơn vị quản lý đường cao tốc chưa xây dựng được mà chỉ tạm thời sử dụng cơ sở y tế của địa phương dọc tuyến.

“Thông thường, các vụ TNGT trên cao tốc đều có tính chất nghiêm trọng hơn trên các tuyến đường khác, mức độ thương vong cao và phức tạp. Vì vậy, đòi hỏi đội ngũ làm công tác sơ, cấp cứu phải có kinh nghiệm, được trang bị thiết bị y tế tốt và phải được đào tạo bài bản, chuyên sâu. Do vậy, các trạm y tế cấp xã, phường khó đáp ứng được các tiêu chí ấy để tham gia cấp cứu trên đường cao tốc. Trong khi trung tâm y tế địa phương cách xa đường cao tốc, khi đến nơi mọi việc cũng đã muộn”, BS. Lâm cho hay.

Việt Nam hiện có khoảng 750km cao tốc, nhưng chưa có trạm cấp cứu nào trên các tuyến này - Ảnh: Tạ Tôn
Việt Nam hiện có khoảng 750km cao tốc, nhưng chưa có trạm cấp cứu nào trên các tuyến này - Ảnh: Tạ Tôn

Quy định 50km cao tốc xây một trạm cấp cứu khó khả thi

Không phải đến bây giờ khi Bộ Y tế ban hành Thông tư 49 vấn đề xây dựng các trạm cấp cứu trên cao tốc mới được nhắc đến, mà trước đó, Thông tư 48/2012/TT-BGTVT về “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ” cũng quy định về các hạng mục công trình dịch vụ công bắt buộc của trạm dừng nghỉ cung cấp các dịch vụ miễn phí bao gồm: Bãi đỗ xe, không gian nghỉ ngơi, phòng nghỉ tạm thời cho lái xe, khu vệ sinh, trong đó có cả nơi trực của nhân viên cứu hộ, sơ cứu TNGT.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, nhất là thiếu kinh phí nên thời gian qua, việc đầu tư các trạm cấp cứu này gần như không được các chủ đầu tư thực hiện. Thực tế của PV Báo Giao thông tại các trạm dừng nghỉ trên một số tuyến cao tốc như: Hà Nội - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình những ngày gần đây cho thấy, các trạm dừng nghỉ chỉ chú trọng xây dựng công trình thương mại để kinh doanh, thu lợi nhuận, còn gần như không đầu tư trạm cấp cứu.

Nghị quyết 88 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự ATGT cũng nêu rõ: Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện quy định về trạm cấp cứu TNGT dọc các tuyến quốc lộ, cao tốc; Phát triển hệ thống cấp cứu 115 đạt tiêu chuẩn, củng cố Trung tâm cấp cứu 115 đạt tiêu chuẩn, củng cố Trung tâm cấp cứu 115 hiện có tại các tỉnh/thành phố.

Trực tiếp quản lý, khai thác một trạm dừng nghỉ tại Km 171+500, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đại diện Công ty CP Dịch vụ đường cao tốc Việt Nam (VEC S) cho biết, Thông tư của Bộ Y tế quy định 50km phải có một trạm cấp cứu rất khó khả thi. Nhất là việc thông tư quy định chi phí duy trì trạm sẽ do người bệnh chi trả.

“Nếu theo cách tính này khó lòng duy trì được các trạm cấp cứu độc lập, bởi nguồn thu từ các nạn nhân sẽ không liên tục, có khi cả tháng trên tuyến không có vụ tai nạn nào”, đại diện VEC S lý giải và cho biết, trước đây do không đầu tư trực tiếp trạm cấp cứu, đơn vị phải thuê Trung tâm cấp cứu 115 tại các tỉnh, thành phố có đường cao tốc đi qua với mức kinh phí 25 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, số vụ TNGT cần cấp cứu nạn nhân rất ít, có khi cả tháng không phải gọi cấp cứu 115. Nếu đầu tư với số tiền lớn xây trạm cấp cứu và kinh phí duy trì máy móc, thiết bị, nhân lực sẽ rất lãng phí.

Ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ cao tốc cũng cho biết, hiện bắt buộc các tuyến cao tốc bố trí 50km có một trạm cấp cứu rất khó thực hiện được. Các đơn vị vận hành chỉ đăng ký với cơ sở y tế địa phương để tiến hành sơ, cấp cứu khi có tai nạn xảy ra.

“Bộ Y tế và Bộ GTVT đang có kế hoạch khảo sát các tuyến cao tốc, căn cứ những nội dung của Thông tư sẽ quyết định sử dụng trạm hiện có hay trạm nào xây mới”, ông Hưng nói.

Cho rằng rất cần đầu tư trạm cấp cứu trên cao tốc, nhưng PGS. TS. Phạm Việt Cường cũng thừa nhận, kinh phí duy trì hoạt động các trung tâm này sẽ rất khó khăn. Kinh phí duy trì hệ thống cấp cứu mà chỉ ngồi chờ cấp cứu TNGT không thể thực hiện được, kể cả có nguồn ngân sách cũng không thể duy trì. “Trong bối cảnh chung của Việt Nam hiện nay, y tế dự phòng, cấp cứu nằm trong hệ thống dự phòng. Thường lĩnh vực dự phòng sẽ không thu được như dịch vụ khám, chữa bệnh có nguồn thu rõ ràng do người dân hoặc bảo hiểm chi trả. Y tế dự phòng mà lấy thu bù chi sẽ rất khó hoạt động nếu không muốn nói là không thu được”, ông Cường nói.

BS. Phạm Thành Lâm cũng cho rằng, khó khăn nhất hiện nay là kinh phí xây dựng và nguồn nhân lực cho trạm hoạt động. Nguồn kinh phí này lấy từ đâu và đơn vị nào chủ trì cũng đều khó khăn. “Vì vậy, tới đây cần sự phối hợp liên Bộ giữa: Y tế, GTVT và Công an để có đội cấp cứu tai nạn liên ngành”, bác sỹ Lâm đề xuất.

Theo Trần Duy

Báo Giao thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên