MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Việc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng là cần thiết"

26-10-2017 - 09:57 AM | Tài chính - ngân hàng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết việc hạn chế quyền cổ đông theo quy định về chấm dứt quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng thương mại là cần thiết để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, an ninh tiền tệ, trật tự, an toàn xã hội, phù hợp với quy định tại Điều 14 của Hiến pháp năm 2013.

Sáng 26/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo trước phiên thảo luận về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, quá trình thảo luận có ý kiến đề nghị làm rõ việc “chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích cổ đông, thành viên góp vốn, chủ sở hữu của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc” có phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết việc hạn chế quyền cổ đông theo quy định về chấm dứt quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng thương mại là cần thiết để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, an ninh tiền tệ, trật tự, an toàn xã hội, phù hợp với quy định tại Điều 14 của Hiến pháp năm 2013.

Theo quy định của dự thảo Luật, ngân hàng thương mại phải thông báo và tổ chức họp đại hội cổ đông để xem xét, quyết định. Trường hợp không hoàn thành việc tăng vốn điều lệ thì mới dẫn đến việc chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích cổ đông, thành viên góp vốn, chủ sở hữu của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc. Quy định này bảo đảm các cổ đông đều biết rõ thực trạng yếu kém và đã có thời gian để thực hiện quyền bảo vệ tài sản của mình tại ngân hàng thương mại trước khi bị chấm dứt quyền, lợi ích. Biện pháp này cũng được áp dụng phổ biến tại hầu hết các quốc gia Châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Ấn Độ, Úc...

Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, quy định này cũng bảo đảm tính hợp pháp vì luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định thành viên góp vốn, cổ đông của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, nếu thực hiện phá sản thì các cổ đông cũng không được nhận bất cứ khoản tiền nào. Khi được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, được nhận các hỗ trợ nhưng thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng thương mại đó không thể quản lý điều hành hiệu quả, vẫn không thể đưa ngân hàng thoát ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt, do vậy cần chấm dứt quyền, lợi ích của họ, như vậy nhà đầu tư khác mới sẵn sàng bỏ vốn đầu tư, thay đổi triệt để về quản trị và điều hành.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định xử lý chuyển tiếp các trường hợp ngân hàng thương mại đã mua bắt buộc trước ngày Luật này có hiệu lực.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết sẽ bổ sung các quy định xử lý các ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc trước ngày Luật này có hiệu lực tại khoản 1 và khoản 2 Điều 3 của dự thảo Luật.

Ngoài ra cũng có ý kiến đề nghị bỏ quy định “Trường hợp giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ âm, thì giá chuyển nhượng phần vốn góp bằng 0 đồng” trong trường hợp thực hiện phương án phục hồi thông qua hình thức chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp, vốn điều lệ đối với ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc trước ngày Luật này có hiệu lực (điểm đ, khoản 2 Điều 3 của dự thảo Luật).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra 2 phương án để xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội:

Phương án 1: Để bảo đảm tập trung xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém theo nguyên tắc thị trường, không hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, do đó không quy định “giá chuyển nhượng phần vốn góp bằng 0 đồng” mà thực hiện theo cơ chế giá thị trường, vì có thể giá trị thực của vốn điều lệ và quỹ dự trữ âm Ngân hàng thương mại còn có giá trị thương hiệu, đội ngũ cán bộ, hệ thống mạng lưới trên cả nước và các giá trị khác. Do vậy, giá bán phần vốn góp vẫn phải do thị trường quyết định, giá bán có thể bằng 0 đồng hoặc cao hơn 0 đồng, không nên áp đặt phải là 0 đồng trong Luật.

Phương án 2: Theo báo cáo của Chính phủ, với 3 ngân hàng thương mại được mua bắt buộc vừa qua, đến nay giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của các ngân hàng đang âm rất lớn. Nếu theo thông lệ quốc tế đã được áp dụng tại một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc... để bán được các ngân hàng này Nhà nước sẽ phải bổ sung tiền để hết âm vốn rồi mới bán. Trong bối cảnh thực hiện chủ trương không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại các TCTD yếu kém, trường hợp giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ âm thì việc xác định “giá chuyển nhượng phần vốn góp bằng 0 đồng” mới có cơ hội thu hút được các nhà đầu tư.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí lựa chọn Phương án 1 như đã thể hiện tại điểm đ, khoản 2 Điều 3 của dự thảo Luật.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TCTD

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên