MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việc gọi vốn tư nhân xây trụ sở cơ quan nhà nước sẽ như thế nào?

Việc cho phép áp dụng hình thức đầu tư đối tác công - tư xây dựng các trụ sở cơ quan nhà nước sẽ được điều chỉnh theo hướng phải đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan nhà nước.

Sáng 29/5, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).

Về chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan nhà nước (tại Mục 3 Chương III), ông Nguyễn Đức Hải cho biết có một số ý kiến đề xuất liên quan đến việc đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước.

Theo đó, một số ý kiến đề nghị áp dụng mô hình quản lý trụ sở tập trung thay vì phân cấp như hiện nay. Nhiều ý kiến đề nghị cần nghiên cứu phương thức đầu tư theo đối tác công - tư; đầu tư công, quản trị tư nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng, tiết kiệm ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, có một số đại biểu đề nghị việc hợp tác công tư liên quan đến trụ sở quy định tại Điều 31 chỉ nên áp dụng vào việc xây dựng trụ sở của các bộ, ngành ở Trung ương. Đồng thời đề nghị quy định "mô hình liên cơ quan" vào Dự thảo luật.

Trước các ý kiến của đại biểu, ông Nguyễn Đức Hải - thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cho biết, hiện nay, nước ta đang duy trì thực hiện đầu tư xây dựng trụ sở làm việc theo mô hình phân tán, nguồn kinh phí được Nhà nước giao cho cơ quan trực tiếp sử dụng trụ sở thực hiện việc đầu tư xây dựng.

"Phương thức này gắn trách nhiệm cho từng cơ quan đơn vị trong việc đầu tư xây dựng, mua sắm phù hợp với nhu cầu, chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, từng địa phương căn cứ theo tiêu chuẩn, định mức về trụ sở làm việc do Chính phủ quy định", ông Hải cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Hải, thực tế nhiều trường hợp đầu tư vượt công năng, không đúng tiêu chuẩn, định mức, kém hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí.

Trong khi đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thấy việc áp dụng mô hình quản lý trụ sở tập trung đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng hiệu quả, góp phần tăng cường trách nhiệm trong đầu tư, khả năng điều hòa tài sản nhà nước và hạn chế việc đầu tư dàn trải, manh mún, gây lãng phí nguồn lực Nhà nước như hiện nay.

"Tuy nhiên, việc thay đổi mô hình xây dựng cần phải có lộ trình cụ thể, phụ thuộc vào nguồn lực tài chính của Nhà nước, tránh lãng phí khi chuyển ngay sang mô hình quản lý trụ sở tập trung.

Vì vậy, trước mắt đề nghị chưa quy định bắt buộc phải thực hiện quản lý vận hành trụ sở làm việc theo mô hình tập trung (bao gồm cả mô hình trụ sở liên cơ quan) mà tùy điều kiện cụ thể của từng bộ, ngành, địa phương để thực hiện", ông Hải cho biết.

Mặt khác, theo ông Hải, việc cho phép áp dụng hình thức đầu tư đối tác công - tư để huy động các nguồn lực của xã hội cùng Nhà nước đầu tư sẽ đáp ứng được nhu cầu về trụ sở làm việc, phục vụ công tác quản lý nhà nước, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách.

Tuy nhiên, theo ông Hải, để đảm bảo tính độc lập, nghiêm minh trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng, trong trường hợp thực hiện dự án đầu tư theo hình thức cùng khai thác phải đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan nhà nước.

Theo N.Mạnh

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên