MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đường về nào cho du học sinh Việt mới về nước?

25-08-2014 - 12:02 PM |

Nhằm giúp các du học sinh Việt Nam tại Vương quốc Anh và tại các quốc gia khác mới trở về nước xác định được công việc phù hợp cũng như tạo điều kiện để các bạn tiếp xúc với những nhà tuyển dụng hàng đầu tại Việt Nam, Hiệp hội Cựu du học sinh Việt Nam tại Vương quốc Anh cùng với Hội đồng Anh Việt Nam đồng tổ chức hội thảo nghề nghiệp “Connect the Dots”. CafeBiz là đơn vị bảo trợ truyền thông chính thức cho sự kiện này.

Tiếp nối thành công của sự kiện năm 2013, ngày 23/8/2014, Hội thảo nghề nghiệp “Connect the Dots 2014” đã diễn ra tại Hà Nội, trở thành cầu nối việc làm giữa hơn 20 doanh nghiệp hàng đầu như McKinsey, Boston Consulting Group, Standard Chartered Bank, Vietnam Airlines, VietJetAir, Viettel… với hơn 1000 ứng viên tham gia nộp hồ sơ.

Sinh viên trong nước và du học sinh khác nhau thế nào?

Trước thềm sự kiện, bà Trần Thị Hồng Gấm – Quản lí chương trình Cựu du học sinh – Hội đồng Anh đã nhận xét: “Nhiều doanh nghiệp phỏng vấn các cựu du học sinh, nhưng không chọn được ứng viên như ý vì các bạn có kiến thức rât tốt, nhưng kiến thức thực tế tại thị trường Việt Nam thì chưa có. 

Có nhiều thị hiếu, thói quen tưởng như rất bình thường ở Việt Nam thì các bạn lại không biết. Do đó với những mảng cần tính linh hoạt, sáng tạo như sales và marketing thì doanh nghiệp họ thường đánh giá cao các bạn học trong nước hơn. 

Ưu thế của các bạn du học sinh là ở trong các lĩnh vực đòi hỏi quy trình và hệ thống chuẩn như tài chính – ngân hàng hay phần mềm – công nghệ thông tin. Ở các vị trí này, các bạn du học sinh có lợi thế là kết hợp được kiến thức bài bản cộng với giao tiếp tốt với khách hàng bằng tiếng Anh. Đó là điều các bạn học trong nước thường không có được.”

Đồng quan điểm đó, khi so sánh giữa sinh viên trong nước và sinh viên du học quốc tế, các diễn giả tại hội thảo đều cho rằng mỗi nhóm đều có các ưu nhược điểm riêng.

Theo bà Nguyễn Vân Anh – Tổng giám đốc NavigosSearch, các bạn du học sinh có lợi thế về ngoại ngữ, kiến thức chuyên môn và phong thái tự tin. Tuy nhiên, các bạn còn hạn chế về kiến thức thực tế thị trường Việt Nam và đặt kỳ vọng quá cao về công việc đầu tiên của mình. Còn các sinh viên trong nước, các bạn có hạn chế giao tiếp bằng tiếng Anh nhưng bù lại hoạt động ngoại khóa tốt, am hiểu địa phương và làm việc nhiệt tình.

Để có một khởi đầu thành công

Có một thực tế là, rất nhiều du học sinh chọn cách ở lại nước ngoài để làm việc, còn hầu hết những ai về nước đều có kì vọng và đòi hỏi cao, do đó thiếu kiên nhẫn với công việc và hay “đứng núi này, trông núi nọ".

Bà Vân Anh đưa ra lời khuyên rằng, bằng cấp và giáo dục đều quan trọng nhưng không phải là điều quyết định thành công. Điều cốt lõi là cách thức giải quyết vấn đề, sự sáng tạo, tinh thần ham học hỏi và ý thức hoàn thành công việc. 

Ông Nguyễn Chí Hiếu, Giám đốc nhân sự Yola Việt Nam cho rằng, điều quan trọng không phải nằm ở điểm mạnh hay điểm yếu của mỗi nhóm, quan trọng là các bạn cần tự nhận thức được vấn đề để khắc phục và hoàn thiện bản thân để đáp ứng yêu cầu công việc.

Nói về điều này, ông Hiếu cho biết, tiêu chí chọn nhân sự cho công ty là ít chọn người nhảy việc, bởi dù có nhiều lý do được đưa ra nhưng khả năng nhiều là người đó hoặc từng bị đuổi việc, hoặc không muốn gắn bó tại một công ty nào lâu dài. Ông Hiếu đưa ra lời khuyên, "Dù các bạn đã nhận công việc nào thì cũng đừng nên bỏ việc quá nhanh, 2-3 năm khởi đầu làm việc ở một công ty là con số đẹp cho bộ hồ sơ”.

Ông Hiếu đánh giá, hội thảo này là cơ hội kết nối với bạn sinh viên trong nước, du học sinh với các nhà tuyển dụng. Các sinh viên hiện nay có kiến thức chuyên môn tốt, năng động với các hoạt động xã hội, kỹ năng mềm đã vững hơn trước đây nhiều. Tuy nhiên, các bạn còn gặp một số hạn chế như khả năng làm việc nhóm chưa tốt hay tính chuyên nghiệp chưa cao.

Hội thảo “Connect the Dots” 2014 được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2013 đã nhận được sự hoan nghênh và ủng hộ của của đông đảo du học sinh. Hơn 8 doanh nghiệp và 500 ứng viên đã nộp đơn tham dự sự kiện. 

K. Anh

kyanh

Theo British Council

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên