MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Viện trưởng CIEM: Cần giải quyết nhanh “doanh nghiệp chết”

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: "Những doanh nghiệp phá sản cần giải quyết thủ tục nhanh chóng để nhường cơ hội và tài sản cho doanh nghiệp thành lập mới".

Tại hội thảo "Đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 và giới thiệu Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh , nâng cao năng lực cạnh tranh", bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: "Sau 5 năm, môi trường kinh doanh được cải thiện cả về điểm số và thứ hạng, so với năm 2015, thứ hạng của Việt Nam đã tăng 21 bậc".

Có 6 chỉ số tăng hạng bao gồm: Tiếp cận điện năng tăng 108 bậc, lên thứ 37; Nộp thuế và bảo hiểm tăng 42 bậc lên thứ 131; Bảo vệ nhà đầu tư tăng 28 bậc lên thứ 89; Khởi sự kinh doanh tăng 21 bậc lên thứ 104; Tiếp cận tín dụng tăng 4 bậc lên thứ 32 và Cấp phép xây dựng tăng 1 bậc lên thứ 21.

Ngược lại, 4 chỉ số giảm bậc là: Đăng ký tài sản giảm 17 bậc từ thứ 33 xuống 60; Thương mại qua biên giới giảm 7 bậc theo cách tính cũ, giảm 25 bậc theo cách tính mới xuống thứ 100; Giải quyết tranh chấp hợp đồng giảm 15 bậc xuống thứ 62 và Giải quyết phá sản doanh nghiệp giảm 29 bậc xuống thứ 133.

Bên cạnh đó, đổi mới sáng tạo của Việt Nam cũng tăng 26 bậc sau 5 năm với 6/7 chỉ số tăng hạng, chỉ duy nhất chỉ số Trình độ phát triển của doanh nghiệp giảm 7 bậc.

Tuy nhiên, bà Thảo cho rằng, thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam rất thấp. "Việt Nam hiện đứng thứ 69 thế giới và đứng thứ 5 trong ASEAN, cách xa so với Singapore (đứng thứ 2), Malaysia (thứ 15) và Thái Lan (thứ 27), thậm chí còn kém Brunei (thứ 55) 14 bậc", bà Thảo cho hay.

Theo bà Thảo, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 19, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn bộc lộ những hạn chế như: Chủ yếu tập trung vào các vấn đề được doanh nghiệp phản ánh thường xuyên, liên tục; các chỉ tiêu gián tiếp chưa được chú trọng cải thiện; một số chỉ tiêu không có chuyển biến.

Bên cạnh đó, "sự phối hợp giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp với địa phương còn chưa chặt chẽ, chủ động và một số cải cách còn mang tính hình thức, chưa thực chất, thái độ cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ chưa tích cực". bà Thảo nhận định.

Đánh giá về kết quả đạt được trong vòng 5 năm qua, ông Nguyễn Đình Cung , Viện trưởng CIEM cho rằng: "Trong số 10 chỉ số về môi trường kinh doanh, có 2 chỉ số đặc biệt quan trọng là Giải quyết tranh chấp hợp đồng và Phá sản doanh nghiệp. Tuy nhiên, 2 chỉ số này của chúng ta lại đang bị xuống hạng và ở mức rất thấp".

Vẫn theo ông Nguyễn Đình Cung: "Đối với chỉ số giải quyết phá sản doanh nghiệp, những doanh nghiệp phá sản cần giải quyết thủ tục nhanh chóng để nhường cơ hội và tài sản cho doanh nghiệp thành lập mới".

Theo Hạ An

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên