MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam có cần xây thêm nhiều sân bay?

16-04-2017 - 19:00 PM | Bất động sản

Ông Lương Hoài Nam cho rằng, Nhà nước cần quy hoạch thêm nhiều sân bay để mở ra cơ hội đầu tư cho ngành hàng không cũng như sự phát triển của du lịch. Việc đầu tư xây sân bay nhà nước cũng nên tạo cơ chế chính sách thu hút tư nhân làm thay vì phải "lo vốn dự án này, dự án kia".

Tại buổi tọa đàm “Hạ tầng du lịch - nền tảng cho du lịch Việt Nam cất cánh” được tổ chức tại FLC Vĩnh Phúc Resort ngày 14/4, vấn đề làm thế nào huy động vốn cho phát triển hạ tầng du lịch được nhiều chuyên gia đề cập.

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Dịch vụ (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho biết nhu cầu vốn hàng năm cho việc phát triển hạ tầng du lịch rất lớn, tuy nhiên thực tế chỉ đáp ứng được 25-30% nhu cầu.

Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Quốc Anh, từ năm 2020, vốn cho hạ tầng du lịch sẽ ngày càng ít đi. Nếu chỉ trông chờ nguồn vốn nhà nước thì rất hạn hẹp, do vậy các địa phương cần đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn khác.

"Trong bối cảnh ngân sách ngày càng hạn hẹp, tôi cho rằng hình thức đối tác công tư (PPP) sẽ là nguồn vốn chủ lực để phát triển hạ tầng du lịch. Nghị định 15/2015 của Chính phủ ưu tiên cho phát triển hạ tầng, các địa phương có thể bám sát vào đó để huy động vốn phát triển hạ tầng", ông Nguyễn Quốc Anh nói.

Bàn về vấn đề này, ông Lương Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Vietstar Airlines, cho rằng vai trò của Nhà nước là cần có cơ chế chính sách đúng chứ không cần phải lo vốn dự án này, dự án kia.

"Hạ tầng du lịch resort thì tư nhân làm hết, Nhà nước không cần quan tâm. Vấn đề là làm sao để tư nhân thực hiện dự án một cách thuận lợi, không vướng mắc", ông Nam nói.

Ông Nam cũng cho rằng, mảng sân bay , cảng biển vốn vài chục nghìn tỷ đồng tư nhân Việt Nam thừa sức đầu tư nếu Nhà nước có cơ chế chính sách hợp lí. Vấn đề là nhà nước có quy hoạch cho người ta làm hay không, có tạo thuận lợi cho người ta làm hay không.

"Lâu nay người ta nghĩ theo hướng Nhà nước phải làm, tư nhân không được thì điều này cần phải thay đổi quan điểm đi", ông Nam nói.

Ông Lương Hoài Nam cũng nhấn mạnh thêm, nếu tiếp tục còn cơ chế xin cho thì cũng chả ai làm được, tư nhân sẽ đầu hàng. Vậy nên miễn sao Nhà nước tạo điều kiện hành lang pháp lý là tư nhân làm được hết.

Góp ý thêm, ông Nguyễn Văn Phúc - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho biết ông từng tham gia vào việc xây dựng nhiều văn bản hàng không . Gần đây nhất ông có tham gia giúp Ủy ban Kinh tế chủ trì thẩm định dự án sân bay Quốc tế Long Thành.

"Tôi thấy mới đây đã có quan điểm đổi mới về đầu tư vào hàng không. Trước đây, ngành hàng không thuộc về nhà nước, quân đội nhưng đã chuyển giao dần sang cho nhiều công ty dân sự và tư nhân", ông Phúc nói

Theo ông Phúc, hiện nay chỉ quy định công ty quản lý bay (kiểm soát không lưu) do Nhà nước nắm 100% vốn, còn ngành vận tải, các nhà ga tư nhân cũng đã tham gia.

Ông Vũ Văn Thanh - Vụ trưởng Vụ khách sạn thuộc Tổng cục Du lịch cho biết thực tế tư nhân đã bắt đầu tham gia vào lĩnh vực sân bay, cảng biển như: Sungroup xây sân bay ở Vân Đồn, Quảng Ninh, ông Đào Hồng Tuyển - Tuần Châu cũng đã làm cảng biển Quảng Ninh.

"Tôi xin nhắc lại Nghị quyết Đại hội Đảng 12, nhà nước khuyến khích phát triển tư nhân làm hệ thống giao thông", ông Thanh nói.

Phát biểu sau ông Thanh, ông Lương Hoài Nam cho rằng, Nhà nước cần quy hoạch thêm nhiều sân bay để mở ra cơ hội đầu tư cho ngành hàng không cũng như sự phát triển của du lịch. Hiện Việt Nam mới có 21 sân bay trong khi Thái Lan có 48, Philippines có tới 70 sân bay, dù hai nước họ nhỏ hơn Việt Nam.

Đáp lời ông Nam, ông Vũ Văn Thanh cho rằng, đủ hay không thì phụ thuộc vào nhu cầu. Chính sách của chúng ta phụ thuộc vào nhu cầu dịch vụ và vận tải. Nhu cầu phải được dự báo trước, chứ không chỉ phụ thuộc vào hiện tại.

"Chúng ta đã quy hoạch 21 dự án sân bay. Sân bay chiếm nhiều diện tích và nguồn vốn. Chúng ta cần liệu nguồn vốn của mình đến đâu để chúng ta cần cân nhắc để thực hiện quy hoạch này", ông Thanh nói.

Theo N.Mạnh

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên