MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam đang nhập gì từ người Thái?

Điện gia dụng, máy móc thiết bị, ô tô, linh kiện ô tô… là những mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của nước ta từ Thái Lan.

Sự kiện hệ thống siêu thị Big C- một trong những nhà bán lẻ lớn nhất ở Việt Nam, với 33 siêu thị, đại siêu thị, đã được Tập đoàn Casino (Pháp) hoàn tất chuyển nhượng cho Central Group - Tập đoàn đến từ Thái Lan, với trị giá trên 1 tỷ USD, đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Trước đó, tập đoàn bán lẻ khác của Thái là BCJ Group cũng đã mua lại Mertro Việt Nam gồm 19 siêu thị và các bất động sản liên quan. Như vậy, chỉ riêng hai đại gia Thái Lan đã sở hữu trên 50 siêu thị và hàng loạt cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam.

Trong khi đó, năm 2015, nước ta nhập khẩu lượng hàng hóa từ Thái Lan trị giá tới gần 8,3 tỷ USD và với bố cảnh cũng như đà tăng trưởng hiện nay, lượng hàng nhập từ người Thái sẽ nhanh chóng cán mốc 10 tỷ USD- trở thành một trong những thị trường nhập khẩu chủ lực của Việt Nam.

Điều này đã khiến cho việc hàng Thái tràn ngập thị trường trong nước, nhất là lấn át trong các hệ thống siêu thị không còn là nguy cơ mà trở thành sức ép cạnh tranh rất lớn cho các DN trong nước.

Ở một khía cạnh cụ thể hơn, nhìn vào thông tin thông kê cập nhật của Tổng cục Hải quan, hàng hóa nhập khẩu từ Thái Lan trong quý I cũng đang có những sự chuyển động đầy thách thức.

Xét về số lượng, hiện có đến 41 nhóm hàng, trong số hơn 50 mặt hàng chủ lực nằm trong “rổ” thống kê hàng hóa XNK của Tổng cục Hải quan có sự góp mặt của hàng hóa Thái Lan. Đây là một trong số ít quốc gia, cùng với các thị trường lớn truyền thống như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản… có số lượng hàng hóa xuất khẩu vào nước ta nhiều đến thể.

Chỉ tính riêng quý I, có 5 mặt hàng nhập khẩu từ Thái Lan đạt kim ngạch từ 100 triệu USD trở lên. Đứng đầu là điện gia dụng và linh kiện với trị giá kim ngạch 244,3 triệu USD, kế đến là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng gần 180 triệu USD. Đáng chú ý mặt hàng ô tô và linh kiện ô tô đều đạt kim ngạch hơn 140 triệu USD/mặt hàng, như vậy riêng 2 mặt hàng liên quan đến ô tô có tổng giá trị kim ngạch lên đến hơn 280 triệu USD.

Mặt hàng khác đạt kim ngạch trên 100 triệu USD khác là chất dẻo nguyên liệu với trị giá 122 triệu USD.

Đặc biệt, sau khi hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim- một trong những hệ thống siêu thị điện máy lớn nhất của Việt Nam bắt tay với PowerBuy, công ty con chuyên về bán lẻ của Central Group (đầu năm 2015), kim ngạch nhập khẩu mặt hàng điện gia dụng từ Thái Lan đã tăng trưởng mạnh mẽ.

Chỉ tính riêng trong quý I-2016, kim ngạch nhập khẩu điện gia dụng từ Thái Lan tăng tới 42,6% so với cùng kỳ năm 2015 (tương đương con số 73 triệu USD).

Mức tăng này chỉ đứng sau mặt hàng ô tô nguyên chiếc với mức tăng đến gần 64,5% về số lượng và 78,33% về trị giá.

Và cũng không hề ngạc nhiên khi hàng điện gia dụng và linh kiện của Thái Lan đã chiếm đến gần 58% tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của cả nước (quý I cả nước nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá 421,3 triệu USD).

Không chỉ có những nhóm hàng chủ lực kể trê, nước ta còn nhập khẩu từ Thái Lan nhiều mặt hàng tiêu dùng, trong đó có những mặt hàng mà trong nước vốn có thể mạnh như rau quả (gần 60 triệu USD); sữa, sản phẩm từ sữa (gần 19 triệu USD); bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc (gần 8,5 triệu USD)…

Xin được nhắc lại, đây mới chỉ là con số thống kê cập nhật đến hết quý I-2016, từ dữ liệu hàng hóa xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan và chỉ tính riêng với những nhóm hàng nhập khẩu chính.

Nhưng chỉ riêng quý I, kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan đạt 1,818 tỷ USD, tăng gần 8,3% so với cùng kỳ năm 2015. Và Thái Lan đang là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta ở Đông Nam Á, vượt xa kim ngạch của quốc gia đứng ở vị trí thứ 2 là Singapore tới gần 500 triệu USD.

Theo Thái Bình

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên