MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam đối mặt với quá nhiều thách thức về hạ tầng kết nối

Chất lượng và mức độ phát triển của kết cấu hạ tầng giao thông không đồng đều trên cả nước; một số hành lang thương mại quan trọng và các cửa ngõ quốc tế đang ngày càng tắc nghẽn, theo nhận xét của WB.

Sáng 15-1-2020, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo phát triển Việt Nam (VDR) 2019: Việt Nam - Kết nối vì phát triển và thịnh vượng chung. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ dự và phát biểu tại hội nghị.

Theo tính toán của WB, trên quy mô toàn cầu, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất toàn cầu với tỷ lệ thương mại trên GDP là 190% trong năm 2018. Thông qua việc loại bỏ cả hàng rào thuế quan và phi thuế quan và thực hiện cam kết trong một số hiệp định thương mại khu vực, quốc gia này đã đạt được những thành tựu đáng kể trong tự do hóa thương mại.

Việt Nam tiếp cận các đối tác thương mại lớn tại Đông Á, Bắc Mỹ và Châu Âu chủ yếu qua đường biển hoặc đường hàng không. Giao thương với các nước láng giềng giáp biên giới bị hạn chế và do đó giao dịch thương mại qua biên giới chỉ ở mức tối thiểu ngoại trừ biên giới phía bắc với Trung Quốc, nơi mà số lượng giao dịch tăng trưởng lớn trong những năm gần đây.

Số lượng lớn giao dịch thương mại tập trung tại mười hai trong số bốn mươi tám cửa khẩu thương mại: hai sân bay, năm cảng biển và năm cửa khẩu đường bộ, chiếm khoảng 91% tổng giá trị thương mại trong năm 2016.

Khi thương mại phát triển, vấn đề tắc nghẽn tại và gần các cửa khẩu quốc tế và các điểm hải quan qua biên giới cũng bắt đầu xuất hiện và gia tăng. Ngoài các đối tác thương mại lớn hiện nay, các quan hệ thương mại khu vực và các sáng kiến về kết nối liên quan đến Việt Nam, bao gồm các nước láng giềng Đông Nam Á, các quốc gia tham gia "Sáng kiến Vành đai và Con đường", Nam Á - đặc biệt là phần lãnh thổ Ấn Độ - giúp cho các mối quan hệ thương mại phát triển nhanh chóng.

Trong khi đó, mạng lưới giao thông Việt Nam đã được mở rộng đáng kể trong những thập kỷ qua trong đó đáng chú ý nhất là việc mở rộng mạng lưới đường bộ. Tổng chiều dài của mạng lưới đường bộ, trừ đường làng, đạt hơn 300.000 km tính đến năm 2016, bao gồm khoảng 1.000 km đường cao tốc - hệ thống đường thu phí cho phép giám sát đầy đủ tình hình giao thông trên đường.

Việt Nam có một mạng lưới đường thủy tự nhiên rộng lớn, bao gồm gần 16.000 km đường thủy và có lưu lượng giao thông khá lớn quanh khu vực đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 2.600 km đường thủy có thể đáp ứng yêu cầu đi lại của các xà lan có trọng tải lớn hơn 300 tấn; kết cấu hạ tầng bến bãi tại hầu hết các cảng thủy nội địa còn thô sơ. Đường sắt Việt Nam có tuổi thọ hàng thế kỷ chủ yếu là đường ray đơn, không dùng điện, vẫn không thay đổi trong nhiều thập kỷ qua với vốn đầu tư rất hạn chế.

Việt Nam có hệ thống cảng biển rộng lớn, bao gồm 45 cảng và gần 200 bến. Sản lượng hàng hóa qua đường biển tiếp tục tăng, bao gồm cả hàng vận tải nội địa và vận tải đường biển tuyến ngắn. Một số cảng biển quan trọng đang hoạt động ở mức gần hoặc hết công suất, trong khi khả năng mở rộng hoặc tăng công suất là rất khó do đô thị hóa đã giới hạn diện tích.

Sự tắc nghẽn giao thông xung quanh cảng này và dọc theo các tuyến quốc lộ kết nối với cảng đang trở nên trầm trọng hơn, gây ra sự chậm trễ trong việc di chuyển hàng hóa và ảnh hưởng tiêu cực đến sự di chuyển trong đô thị của các thành phố lớn. Ngành hàng không Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây, vận tải hàng không đã tăng trưởng với tốc độ trung bình 10,8% mỗi năm trong giai đoạn 2009 đến 2017.

Mặc dù tầm quan trọng của vận tải hàng không ngày càng tăng, chiếm khoảng 25% giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam, nhưng kết cấu hạ tầng vẫn còn hạn chế. Chỉ có bốn trong số 22 sân bay tại Việt Nam có ga hàng hóa riêng và hai sân bay có trung tâm logistic tại chỗ. Mặc dù thành công đáng kể, nhưng Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức về vấn đề kết nối.

Chất lượng và mức độ phát triển của kết cấu hạ tầng giao thông không đồng đều trên cả nước; một số hành lang thương mại quan trọng và các cửa ngõ quốc tế đang ngày càng tắc nghẽn trong khi một số khác thì không tận dụng được khả năng; dịch vụ logistics kém phát triển, đặc biệt là phân khúc phục vụ thị trường trong nước. Thiên tai và các mối nguy hiểm khác ngày càng gia tăng ảnh hưởng đối với kết cấu hạ tầng và cách thức kinh doanh của đất nước.

Theo Ngọc Diệp

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên