MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam nên ứng phó ra sao khi đồng Nhân dân tệ rớt giá?

23-07-2018 - 16:16 PM | Tài chính - ngân hàng

“Trong bối cảnh NDT tiếp tục phá giá thì có lẽ mình không thể đứng yên được. Cũng như năm 2015 khi mà NDT phá giá đột biến thì mình cũng phải phá giá theo để tránh ảnh hưởng từ việc hàng hóa Trung Quốc ào ạt đổ vào Việt Nam”, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
292 bài viết

Dưới đây là chia sẻ của TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế xoay quanh câu chuyện đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc rớt giá và những tác động tới kinh tế Việt Nam .

Ông có bình luận gì về đồng NDT rớt giá mạnh thời gian qua? Đâu là những lý do chính dẫn đến việc điều chỉnh này?

Trong 5 ngoại tệ tác động nhiều đến tỷ giá của VND gồm USD, Yen, NDT, EURO và bảng Anh. Từ đầu năm, VND mất giá so với USD và Yen, lần lượt mất 1,5% và 1,4%. Với những ngoại tệ còn lại thì VND lại tăng giá trị, với NDT tăng khoảng 1,8%, EURO tăng 1,1% và bảng Anh là khoảng 2,3%.

Hai loại đồng tiền mà VND mất giá thì đồng USD trở nên mạnh trong rổ tiền tệ của thế giới trong nửa đầu năm 2018. Với những ngoại tệ mà giá trị tiền VND tăng thì với đồng bảng Anh, đây là đồng tiền suy yếu trong thời gian qua. Đó là bối cảnh chung.

Riêng với NDT, sở dĩ VND tăng giá là do NDT mất giá rất nhiều so với đồng USD. Từ đầu năm tới giờ NDT đã mất giá khoảng 4%, riêng 3 tháng gần đây mất giá khoảng gần 8% so với USD. Khoảng tháng 4/2018, tỷ giá NDT so với USD xuống rất thấp (khoảng ngày 20/4), 6,28NDT đổi 1USD, giờ lên mức 6,77NDT đổi 1 USD ngày hôm 20/7. Từ điểm thấp hồi cuối tháng 4 đến bây giờ thì NDT đã mất giá khoảng gần 8% so với USD.

Theo tôi đồng NDT mất giá là để đối phó với chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung. Mặc dù Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có tuyên bố họ không dùng chính sách ngoại hối để đối phó với cuộc chiến tranh thương mại này. Nhưng tôi cho rằng họ đang dùng.

Vì theo cuộc chiến này, Mỹ sẽ áp thuế nhập khẩu từ Trung Quốc lên rất nhiều mặt hàng của nước này, trước đây khoảng 50 tỷ USD nhưng dự kiến sẽ thay đổi lên khoảng 200 tỷ USD. Trung Quốc đáp trả bằng việc tăng thuế hàng nhập khẩu từ Mỹ, đồng thời phá giá đồng NDT để làm hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ rẻ hơn, để tạo tính cạnh tranh hơn và đối phó với việc hàng của Trung Quốc xuất sang Mỹ bị đánh thuế nhập khẩu cao bởi với thuế cao thì hàng Trung Quốc trở nên ít cạnh tranh hơn. Do đó Trung Quốc phá giá để tạo cái lợi thế cạnh tranh.

Việc đồng NDT rớt giá có ảnh hưởng ra sao tới kinh tế Việt Nam, thưa ông?

Trở lại câu chuyện giữa VND và NDT,  từ đầu năm đến giờ VND thì tăng giá so với NDT. Đầu năm 3.487 VND đổi 1 NDT còn giờ chỉ còn 3.425 VND đổi 1 NDT. Tức giá trị tiền VND tăng khoảng 1,8%.

Tăng vậy dĩ nhiên sẽ có lợi cho nhập khẩu từ Trung Quốc tại vì hàng hóa của Trung Quốc sẽ rẻ đi, chỉ tính trên ngoại tệ không thì nó rẻ đi 1,8%. Đồng thời hàng mình xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ đắt thêm, nếu không kể những yếu tố về chất lượng, những yếu tố khác liên quan đến giá cả…

Rõ ràng bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam. Trung Quốc là thị trường xuất siêu có lẽ lớn nhất của Việt Nam đồng thời cũng là 2 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, cùng với Hàn Quốc. Việc NDT mất giá so với VND thúc đẩy nhập siêu từ Trung Quốc và hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc thì nó bất lợi cho mình.

Theo ông, Việt Nam nên có những ứng phó ra sao trước tác động trên?

Theo chiều hướng hiện nay thì tôi thấy cuộc chiến tranh thương mại ngày càng trở nên gay cấn hơn. Mỹ nếu tiếp tục đánh thuế nhập khẩu trên những mặt hàng khác và cuộc chiến này leo thang thì tôi phỏng đoán Chính phủ Trung Quốc tiếp tục phá giá NDT.

Nếu họ tiếp tục phá giá NDT mà mình không phá giá đối với USD thì giá trị của VND so với NDT càng ngày càng cao từ đó càng khuyến khích nhập khẩu từ Trung Quốc và hạn chế xuất khẩu sang nước này. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không biết sẽ đi về đâu, mức độ nâng lên tầm mức nào vì cuộc chiến này mới chỉ trong giai đoạn đầu, nếu bước vào giai đoạn trầm trọng thì rất có thể NDT sẽ phá giá mạnh.

NDT trong quá khứ có lúc phá giá 6,9 NDT đổi 1USD, nên hiện còn nhiều dư địa để phá giá với USD. VND nếu giữ ổn định với USD thì đồng nghĩa VND lên giá với NDT.

Trong bối cảnh NDT tiếp tục phá giá thì có lẽ mình không thể đứng yên được. Cũng như năm 2015 khi mà NDT phá giá đột biến thì mình cũng phải phá giá theo để tránh ảnh hưởng là hàng hóa Trung Quốc ào ạt đổ vào Việt Nam.

Tại thời điểm này thì mức giá phá VND ở mức cao thì chưa cần thiết, từ đầu năm so với USD thì VND giảm giá khoảng 1,5%. Theo quan điểm cá nhân tôi, nếu từ nay tới cuối năm chiến trang thương mại mạnh mẽ hơn, NDT tiếp tục giảm giá so thì có lẽ mình cũng phải giảm giá VND so với USD khoảng 1,5% để bù trừ cho việc đồng NDT phá giá với USD.

Trong tình hình mình phải phá giá có mặt lợi và hại như thế nào cho Việt Nam? Mặt lợi cũng có, việc giảm giá VND là cần được vận hành theo cung cầu trên thị trường. Việc giảm giá VND với USD hạn chế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Nếu giữ tỷ giá mạnh so với Trung Quốc thì hàng từ nước này càng ngày càng rẻ, sẽ ào ạt vào Việt Nam. Từ đó mất tính cạnh tranh ngay cả hàng nội địa. Thành ra việc phá giá có thể được lợi là hạn chế tính cạnh tranh ồ ạt của hàng Trung Quốc vào Việt Nam, hỗ trợ xuất khẩu vì nền kinh tế của mình dựa nhiều vào xuất khẩu.

Dĩ nhiên gây ra nhiều bất lợi khác. Ngoài việc hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc thì tỷ giá của mình tăng so với USD nó cũng làm tăng nợ công lên, đồng thời có thể tác động mạnh tới lạm phát. Vì khi VND mất giá thì hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào sẽ trở nên đắt đỏ khi tính ra VND, làm tăng lạm phát. Nợ công Việt Nam đến gần một nửa là nợ nước ngoài, nợ bằng ngoại tệ. Thành ra nếu giảm giá VND với USD thì có thể làm tăng nợ công.

Đối với các doanh nghiệp họ cần phản ứng như thế nào?

Các doanh nghiệp nếu có dự báo VND giảm giá so với USD trong thời gian tới thì tôi cho rằng các doanh nghiệp nên mua hợp đồng tương lai với các ngân hàng. Doanh nghiệp sẽ nhận được một số ngoại tệ nào đó 2 bên cam kết trong thời gian tương lai như 60, 90 ngày… giá  mà doanh nghiệp phải trả để mua USD sẽ được thương thảo trước với ngân hàng. Thành ra có bảo đảm cho doanh nghiệp nhập khẩu là có lượng noại tệ để thanh toán.

Nhưng thực tế doanh nghiệp Việt họ không mặn mà lắm cho hợp đồng này vì họ biết được đây là loại bảo hiểm để tránh rủi ro về ngoại hối trong tương lai. Nhưng giá doanh nghiệp phải trả cho USD trong tương lai khá là cao. Vì tỷ giá trong tương lai dựa trên cơ sở giá giao ngay ngày hôm nay nhân với chênh lệch lãi suất tiền VND và USD, nhân với số ngày sẽ ký trong hợp đồng và chia cho 365 ngày.

Vì chênh lệch lãi suất cao nên giá hợp đồng tương lai cho USD cao hơn nhiều so với giá giao ngay bây giờ. Do đó nhiều doanh nghiệp chấp nhận rủi ro theo kiểu ăn may cứ đợi đến lúc đó xem sao dùng giá giao ngay lúc đó để mua USD. Rủi ro với doanh nghiệp ở đây là có thể không có được lượng USD bởi ngân hàng thương mại để thanh toán.

Cuộc chiến tranh thương mại mà ông đề cập ở trên sẽ tác động ra sao tới Thị trường chứng khoán Việt, thưa ông?

Sẽ tác đông mạnh tới thị trường chứng khoán Việt thông qua tác động tới chứng khoán toàn cầu. Cho đến thời điểm này thì chiến tranh thương mại đã ảnh hưởng mạnh tới chứng khoán thế giới, khi mà một trong các bên tuyên bố thì ngay lập tức chứng khoán hoặc là lên hoặc là rớt điểm. Thành ra cuộc chiến thương mại đã ảnh hưởng rất mạnh. Trong trường hợp ảnh hưởng tiêu cực tới chứng khoán thế giới thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới chứng khoán Việt và ngược lại.

Lý giải vì sao biến động chứng khoán thế giới lại tác động tới chứng khoán Việt. Tôi nghĩ rằng chứng khoán Việt dựa nhiều vào khối ngoại mà các NĐTNN có 2 thị trường truyền thống và mới nổi. Thường họ đầu tư vào thị trường truyền thống như New York, London, Paris… Khi mà thị trường truyền thống đó tăng thì họ lấy tiền lời bỏ vào thị trường mới nổi và cận biên như Việt Nam.

Ngược lại, khi thị trường truyền thống rớt điểm khiến họ lỗ thì lập tức họ tháo khỏi thị trường mới nổi, cận biên bán đi để bù đắp cho lỗ ở thị trường truyền thống. Thành ra khi thị trường truyền thống rớt điểm thì sẽ thấy có sự tương quan ở động thái bán tháo của NĐTNN trên TTCK Việt, đó cũng là tính dễ tổn thương của chứng khoán Việt đối với NĐTNN.

Xin cảm ơn ông!


Theo Huyền Trâm

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên