MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam sẽ phát triển “Kinh tế số”

“Hiện nay Việt Nam đang có 500.000 lao động. Nếu chúng ta phấn đấu có một triệu lao động thì mới có thể mong đưa VN trở thành nước mạnh về CNTT, đồng thời phải xuất khẩu được sản phẩm, dịch vụ CNTT ra nước ngoài”

Đây chính là vấn đề được bộ trưởng bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nêu ra trong cuộc đối thoại giữa bộ TT&TT với Hội Doanh nghiệp trẻ VN sáng 27/5.

Kinh tế số (digital economy) là một nền kinh tế dựa trên các cộng nghệ số để tạo cho việc giao dịch, trao đổi hàng hóa và dịch vụ thông qua thương mại điện tử. Bên cạnh đó tác dụng của việc phát triển kinh tế số sẽ mở rộng cơ hội giao thương, nội dung và tri thức số mang lại giá trị kinh tế to lớn trong kỷ nguyên của xã hội hóa thông tin. Do vậy các doanh nghiệp CNTT Việt Nam hiện nay muốn thông qua cuộc đối thoại với người đứng đầu ngành TT&TT.

Ông Bùi Quang Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn FPT đã có những chia sẻ rất thẳng thắn tới Bộ trưởng: “Chúng ta đã để lỡ nhiều cơ hội vì không thể theo kịp. Chẳng hạn như cơn sốt dotcom của thế giới, Việt Nam không đón bắt được. Giờ đây với nền kinh tế số, liệu chúng ta có bắt kịp được hay không? Không chỉ có cơ quan quản lý mà Doanh nghiệp trong nghề chúng tôi cũng rất trăn trở. Ít ai biết là ngay từ những năm 80, chúng ta đã xây dựng được chiếc máy tính đầu tiên, trước cả Đài Loan, Hàn Quốc, nhưng rất tiếc là ta đã tuột mất cái đà đó, còn Hàn Quốc, Đài Loan giờ đã vượt ta rất xa".

Để thúc đẩy sự phát triển của CNTT theo ý kiến của ông Ngọc, Nhà nước phải tạo được hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư vào nền kinh tế số, vào những yếu tố cấu thành nên nền kinh tế số như hạn chế giao dịch tiền mặt (chỉ có như vậy mới thúc đẩy được thẻ phát triển), hoặc xây dựng Chính phủ điện tử, pháp lý hóa chứng từ điện tử (hóa đơn điện tử, tờ khai điện tử); ERP hóa các doanh nghiệp... Theo ông Ngọc, chỉ khi nào đẩy mạnh được những yếu tố cấu thành đó thì nền kinh tế số mới có cơ hội phát triển tại VN.

Chia sẻ với các doanh nghiệp ngành CNTT, Bộ trưởng khẳng định, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, rà soát cơ chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tham gia vào thị trường CNTT. Đặc biệt là những chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các chương trình ứng dụng CNTT của nhà nước. Bộ cũng sẽ có những ưu đãi phù hợp nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực CNTT - VT...

Với tư cách cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp trong lĩnh vực CNTT, Bộ trưởng tái khẳng định lập trường "quản lý nhưng phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, không gò bó sự phát triển của doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp cũng phải hướng tới mục tiêu vì người dân".

Bộ sẵn sàng đối thoại, trao đổi, đồng hành và phối hợp cùng các hiệp hội, doanh nghiệp trong hành trình này, ông khẳng định, đồng thời ủng hộ đề nghị của Hội Doanh nghiệp trẻ VN về cơ chế tham vấn định kỳ để kịp thời nắm bắt các đề xuất, ý kiến, phản ánh của doanh nghiệp, từ đó có phương án xử lý, hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc kịp thời.

Theo Thái Anh

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên