MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam soán ngôi thị trường IPO số 1 khu vực Đông Nam Á của Singapore

27-12-2018 - 15:15 PM | Tài chính quốc tế

Singapore là một trung tâm tài chính quốc tế lớn, tuy nhiên, năm 2018, Singapore lại mất đi vị trí dẫn đầu thị trường có doanh thu lớn nhất Đông Nam Á trong việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Việt Nam, một thị trường không thu hút được quá nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư chứng khoán, lại là nguyên nhân chính khiến thị trường Singapore mất đi vị trí dẫn đầu. Trong khi đó, nếu so với Singapore, Việt Nam dù sao cũng bị đánh giá là thị trường có nhiều rủi ro hơn.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định sự xuống dốc của Singapore năm nay không liên hệ quá nhiều đến tăng trưởng của Việt Nam. Thay vào đó, họ cho rằng một nền kinh tế lớn mở cửa sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi diễn biến thị trường toàn cầu, và có nhiều lý do để các công ty trì hoãn kế hoạch lên sàn trong năm 2018.

Bà Tay Hwee Ling, phụ trách mảng Tiêu chuẩn Báo cáo Tài chính quốc tế toàn cầu của Singapore và Deloitte khu vực Đông Nam Á kiêm Giám đốc phòng Cung cấp dịch vụ trả lời email của CNBC: "Trong nửa sau của năm 2018, chiến tranh thương mại, căng thẳng chính trị và biến động thị trường đã vô tình tác động không nhỏ đến nền kinh tế, gây ra sự trì hoãn trong kế hoạch của một vài IPO".

Sự sụt giảm của Singapore trong năm 2018 cũng trùng với sự sụt giảm của các hoạt động IPO trên thế giới. Các công ty hoãn lại các kế hoạch mở rộng trong bối cảnh kinh tế và địa chính trị bất ổn. Theo dữ liệu thu được từ Công ty tư vấn EY, Singapore kết thúc năm 2018 với 13 thỏa thuận IPO, huy động được khoảng 500 triệu đô la Mỹ, đứng thứ tư ở Đông Nam Á sau Việt Nam, Thái Lan và Indonesia.

Công ty tư vấn EY cho biết, 2 năm trước, Việt Nam còn thua xa các quốc gia láng giềng lớn trong khu vực nhưng năm 2018, Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu với 5 thỏa thuận IPO, huy động được 2,6 tỷ đô la Mỹ. Các thỏa thuận IPO lớn ở Việt Nam có được sau khi chính phủ tiến hành đẩy mạnh tư nhân hóa, điều đã được chờ đợi từ lâu. Thỏa thuận IPO thu về 1,35 tỷ đô la Mỹ của Công ty bất động sản Vinhomes được coi là lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam và lớn thứ 2 Đông Nam Á năm 2018.

Theo báo cáo từ Baker McKenzie và Oxford Economics, với việc chính phủ đẩy mạnh bán cổ phần trong các doanh nghiệp nhà nước, Việt Nam vẫn đang dẫn đầu trong cuộc đua IPO ở Đông Nam Á.

Vào đầu tháng này, công ty luật và tư vấn đưa ra dự kiến đến năm 2021, số lượng quỹ IPO của Việt Nam sẽ tăng lên con số cao nhất ở Đông Nam Á, theo sau là Singapore và Thái Lan.

Ông Tham Tuck Seng, lãnh đạo thị trường vốn của PwC Singapore nói trong báo cáo tháng 12 rằng sự vươn lên của Việt Nam và các nước đang phát triển khác ở khu vực Đông Nam Á giúp tăng tính cạnh tranh cho những niêm yết mới trên các sàn giao dịch của khu vực. Điều này là một áp lực lớn buộc Singapore phải nỗ lực để khẳng định vị thế của mình trong khu vực.

Singapore là trung tâm gây quỹ ở Đông Nam Á trong nhiều năm. Tuy nhiên, vụ sụp đổ cổ phiếu năm 2013 đã làm lung lay niềm tin của nhà đầu tư và gây ra sự sụt giảm về giao dịch và hoạt động IPO. Dù vậy, Singapore đã có bước trở lại vào năm 2016 và 2017. Đặc biệt, nếu tâm lý của nhà đầu tư được cải thiện, Singapore rất có thể sẽ làm điều tương tự trong năm tới.

PwC cũng nói thêm: "Dựa vào sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu mà chúng tôi có thể kỳ vọng rằng các IPO đã bị hoãn vào năm 2018 sẽ có thể niêm yết trong quý đầu tiên của năm 2019. Năm 2019 sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường khi một số đề xuất của Sàn giao dịch chứng khoán Singapore năm 2018 sẽ thu được kết quả tốt đẹp, bao gồm cả dự đoán về niêm yết cổ phiếu hai lớp đầu tiên".

Thúy Hà

Nikkei

Trở lên trên