MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam trở thành khách hàng khủng của Hàn Quốc trong lĩnh vực mua bán bản quyền phim như thế nào?

26-03-2019 - 14:00 PM | Tài chính quốc tế

Việt Nam, bên cạnh Hong Kong, Nhật Bản, Đài Loan và Singapore, trở thành một trong những khách hàng lớn nhất của các Công ty “xuất khẩu” phim truyền hình và phim điện ảnh xứ sở Kim Chi.

Theo thông tin được cung cấp bởi Cơ quan thuộc Chính Phủ Hàn Quốc, doanh thu "gặt hái" được nhờ việc ký kết các hợp đồng bán phim truyền hình và phim điện ảnh Hàn Quốc cho nước ngoài tăng từ 14,5 triệu đô la lên đến 16,6 triệu đô la, tương đương khoảng 15%. Ghi nhận từ thị trường Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những khách hàng lớn.

Chủ tịch Cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc (KOCCA) Kim Young-Jun nhấn mạnh: "Tầm quan trọng của thị trường Đông Nam Á đang trỗi dậy, vượt xa Trung Quốc với tư cách là nhà nhập khẩu nội dung phát sóng lớn nhất", và "KOCCA sẽ cung cấp các phương pháp hỗ trợ một cách có hệ thống cho nội dung phát sóng của Hàn Quốc nhằm phục vụ việc xâm nhập thị trường nước ngoài".

Việc Việt Nam bỏ ra những khoản tiền không nhỏ mua bản quyền phim Hàn Quốc để phục vụ khán giả nước nhà không còn quá lạ lẫm. Đơn cử như việc HTV2 – đối tác độc quyền của đài truyền hình Hàn Quốc KBS tại Việt Nam, mua bản quyền những phim bom tấm như "Mật danh K2", "Hậu duệ mặt trời", "Người tình ánh trăng"… Ấn tượng nhất được kể đến có lẽ là bộ phim "Huyền thoại biển xanh" được HTV2 mua bản quyền năm 2016 với con số cũng rất "huyền thoại", xấp xỉ 13,2 tỷ đồng/tập.

Xuất phát từ những nét tương đồng về văn hóa, các bộ phim Hàn Quốc từ lâu đã tiềm ẩn trong mình tầm ảnh hưởng sâu sắc tới khán giả xem truyền hình Việt Nam. Những thước phim về "cơn sốt thanh xuân", về "góc khuất" của một xã hội Hàn Quốc khắc nghiệt, về những vấn đề nội cổm trong đời sống chính trị, cho đến những phim cung đấu chất chứa nhiều cảm xúc thăng trầm hay bi kịch cuộc đời dường như đã âm thầm trở thành gia vị cho đời sống tinh thần của công chúng Việt.

Nhờ sự phổ biến của những bộ phim này, văn hóa được du nhập từ Hàn Quốc có thêm chỗ đứng, điển hình là văn hóa uống rượu soju. Năm 2018, theo báo cáo từ hai nhà sản xuất rượu soju lớn nhất của Hàn Quốc là Hite Jinro và Lotte Liquors, 8.54 triệu chai rượu Soju đã được tiêu thụ tại Việt Nam, đánh dấu mức nhảy vọt 32% so với năm 2017. Thậm chí Lotte Liquors còn đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của thị trường Việt Nam, khi rượu soju hiệu Chum Churum bán được 3 triệu chai trong năm 2018, mức tăng trưởng đạt đến 30%. Theo số liệu cung cấp bởi Hải quan Hàn Quốc, trị giá soju xuất khẩu sang Việt Nam tương đương 5,5 triệu đô la tính đến tháng 12/2018, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, có thể kể đến những dòng mĩ phẩm được các diễn viên tích cực lăng xê, thậm chí, thúc đẩy cả việc tiêu thụ xe thể thao đa dụng Tucson của Hyundai Motor.

Phim Hàn Quốc, trong vòng 25 năm, đã thành công trong việc gây dựng một "thương hiệu" có uy tín với khán giả Việt, nhận được sự ủng hộ nhiệt thành từ phần đông công chúng. Việc các nhà làm phim Hàn bắt tay với Netflix – nhà cung cấp dịch vụ xem video trực tuyến của Mỹ đã hiện diện tại 130 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đánh thêm một dấu mốc quan trọng trong kỷ nguyên rực rỡ của việc xuất khẩu phim nước này.

Bảo Trâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên