MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vietjet lên sàn, ai sẽ được lợi?

13-02-2017 - 16:11 PM | Doanh nghiệp

Sự kiện Hãng hàng không Vietjet Air lần đầu bán cổ phần ra công chúng (IPO) thu hút sự chú ý của giới đầu tư trong và ngoài nước. Sự quan tâm còn ở chỗ, đây là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên thực hiện IPO theo chuẩn mực và qui trình quốc tế.

Chỉ sau 5 năm hoạt động, Vietjet đã có được những thành công vang dội mà các hãng hàng không khác phải khát thèm. Tháng 2/2014, khi hay tin Vietjet ký hợp đồng khổng lồ 9,1 tỉ USD thuê, mua 100 máy bay của hãng Airbus, nhiều người bán tín bán nghi cho rằng đó là chiêu PR của doanh nghiệp. Nhưng dần dần, Vietjet đánh tan mọi hoài nghi khi từng bước thể hiện mình một cách ngoạn mục trên thị trường hàng không. Các tuyến bay nội địa và quốc tế liên tục mở ra, đến nay đã có 60 đường bay trong nước và các đường bay đến Singapore, Hongkong, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Ấn Độ...

Vietjet không giấu giếm tham vọng trở thành hãng hàng không toàn cầu. Nữ CEO Nguyễn Thị Phương Thảo từng phát biểu đầy tự tin khi lấy hình ảnh của Emirates như mục tiêu vươn tới. Họ làm được, mình phải làm được, trước khi trở thành vĩ đại, ai cũng có chung điểm xuất phát. Vietjet đã vẽ thêm đường bay Việt với đôi cánh đỏ vàng cùng hợp đồng trị giá 11,3 tỉ USD mua 100 chiếc máy bay của hãng Boeing năm 2016 không phải để bay loanh quanh một vài nước trong khu vực châu Á mà mở rộng không gian bay kết nối bầu trời.

Hẳn nhiên các nhà đầu tư nước ngoài giàu kinh nghiệm không tìm cơ hội lướt sóng ở Vietjet như đã từng ở nhiều “chợ” IPO khác, mà nhìn xa trông rộng vào thị trường hàng không đầy triển vọng.

Cũng có ý kiến nhận định ngành hàng không Việt Nam tăng trưởng nóng, có điều chưa ai đo được “độ nóng” đó như thế nào. Còn với những bộ óc kinh doanh có tư duy kinh tế sắc sảo, sẽ thấy rõ thị trường hàng không Việt Nam thời gian qua phát triển tốt, tốt so với cái cũ ở điểm xuất phát lạc hậu.

Một quốc gia gần 100 triệu dân, rõ ràng thị trường hàng không còn nhiều tiềm năng chưa khai thác, tỉ lệ người dân đi máy bay quá thấp so với các nước trong khu vực. Sự đông đúc ở sân bay Tân Sơn Nhất không phải là tiêu chí đánh giá ngành hàng không tăng trưởng “nóng”, bởi vì còn rất nhiều sân bay khác của Việt Nam rất nguội lạnh. Ngành hàng không Việt Nam phải tăng trưởng nhiều lần hơn thời gian vừa qua mới bắt kịp được phát triển hàng không của thế giới, đồng thời thúc đẩy phát triển chung kinh tế của đất nước. Muốn làm được điều này, không chỉ đòi hỏi tài năng của doanh nghiệp và còn là sự thách thức sáng tạo các chính sách thông minh từ các nhà quản lý.

Chính vì thấy được tiềm năng thị trường nên khi đó nhiều người săn đuổi thông tin IPO của Vietjet. Cho dù Vietjet kín đáo về hoạt động bán buôn của họ thì câu chuyện doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên thực hiện IPO theo chuẩn mực quốc tế xuất hiện nhiều trên các kênh truyền thông trong nước và thế giới. Thực hiện đợt IPO này, Vietjet đã khôn ngoan và thận trọng lựa chọn những tên tuổi tư vấn có quốc tế hàng đầu như JP Morgan, BNP Paribas, Deutsche Bank cho nên các nhà đầu tư có được sự tin cậy về tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh và chuẩn mực pháp lý của hồ sơ doanh nghiệp khi giới thiệu ra thị trường vốn quốc tế. Qua thông tin rò rỉ từ các cuộc chào bán cổ phiếu với các nhà đầu tư trong và ngoài nước của Vietjet, cho thấy họ đã bán hàng nhẹ nhàng thư thái. Các nhà đầu tư cũng vậy, họ vui vẻ như vừa mua được một món quá hời.

Ai sẽ được lợi qua đợt IPO của Vietjet? Rõ ràng là chính doanh nghiệp này và các nhà đầu tư là hai đối tác win – win, nhưng có một đối tác khác cùng thắng chính là nền kinh tế đất nước. Một nguồn vốn khá lớn được huy động, đặc biệt là nguồn vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài sẽ là nguồn lực góp phần phát triển kinh tế. Vietjet mua thêm được một chiếc máy bay, đồng nghĩa với tăng cơ hội việc làm, nhiều ngành nghề khác cùng tham gia, nhà nước có thêm nhiều địa chỉ để thu ngân sách. Như vậy, cũng có thể nói chiến thắng dành cho cả ba.

Nhìn thêm góc khác, hôm nay Vietjet thực hiện 350 chuyến bay mỗi ngày thì ngày mai sẽ nhiều chuyến bay hơn. Thêm nhiều người được đi máy bay với chi phí thấp, xã hội lại tăng cao chất lượng sống nhờ văn minh đi lại, các vùng kinh tế địa phương sẽ nhộn nhịp hơn với thu hút đầu tư và du lịch. Công bằng nhìn lại và phân tích quá trình trưởng thành của Vietjet trong 5 năm qua, sẽ thấy doanh nghiệp này luôn là nhân tố tích cực tác động đến sự phát triển của ngành hàng không, đồng thời ảnh hưởng đến sự phát triển của các ngành nghề khác.

Trong khi nhiều doanh nghiệp chào bán cổ phần rất ồn ào thì Vietjet kín tiếng như e ngại người khác biết, họ đã thực hiện IPO đợt đầu tiên và kết thúc khá lặng lẽ. Nhiều người xôn xao tìm hỏi cửa đầu tư nhưng đáng tiếc là không còn cổ phiếu nào sót lại trong đợt này, Vietjet đưa ra một “tin nhắn” hẹn sang năm phát hành thêm nhưng chưa biết tháng nào. Doanh nghiệp nổi tiếng chơi những trò đình đám bikini hay Ngọc Trinh, lần này lại gây đình đám bằng cách tạo ra hiệu ứng ngược, đó là giấu kín mình và không đưa ra bất cứ một thông tin nào trong một cuộc chơi lớn.

Vào ngày đầu của năm mới, Hose đã công bố chấp thuận niêm yết của Vietjet, ít ngày sau xuất hiện bản cáo bạch và các hồ sơ thông tin khác trên website của Hose và công bố ngày niêm yết 28/2. Không biết Vietjet có những bất ngờ gì nữa dành cho các nhà đâu tư của mình.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên