MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Viettel tiết lộ mảng kinh doanh sẽ trở thành tương lai của "Viettel mới", chỉ riêng lợi nhuận từ nghiên cứu sản xuất đã bằng tổng lợi nhuận VNPT năm 2017

Công bố lợi nhuận ước tính gần 2 tỷ USD trong năm 2017, tăng 12% trong bối cảnh chi phí tăng vọt vì đầu tư 4G và khoản đầu tư lớn vào Myanmar, Tập đoàn Viettel hé lộ lợi nhuận từ mảng nghiên cứu sản xuất và mức tăng trưởng khủng ở lĩnh vực đầu tư nước ngoài.

Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) vừa tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2017 với các số liệu kinh doanh dự kiến sát nhất và kế hoạch năm 2018. Trong năm 2017, Viettel đạt tổng doanh thu 250.800 tỷ đồng, tăng trưởng 9,4% so với năm 2016; tổng lợi nhuận đạt gần 44.000 tỷ đồng, tăng 12%. Đây là số liệu chính thức so sánh với con số lợi nhuận hợp nhất được báo cáo Chính phủ năm 2016.

Kết quả về lợi nhuận này khá đặc biệt trong bối cảnh Tập đoàn Viettel có đầu tư rất lớn trong năm 2017 cho mạng 4G và đầu tư mạng viễn thông có quy mô lớn nhất tại nước ngoài ở Myanmar; và thị trường viễn thông trong nước đã bão hoà, với xu hướng của thế giới là suy giảm.

Theo hãng nghiên cứu thị trường Ovum (Anh), mức tăng trưởng doanh thu bình quân năm 2016 của ngành viễn thông thế giới là 4%, còn lợi nhuận giảm 1,6%. Ở trong nước, dù thị trường đã dần bão hòa, mảng viễn thông của Viettel vẫn tăng trưởng 6,4% (gấp gần 2 lần trung bình của thế giới); còn đầu tư nước ngoài tăng trưởng 24,4%, gấp 6 lần trung bình thế giới.

Trong 3 mạng viễn thông lớn nhất Việt Nam, lợi nhuận của Tập đoàn Viettel bằng 4,15 lần tổng lợi nhuận của VNPT (5.000 tỷ đồng) + MobiFone (5.589 tỷ đồng). Trong năm 2017, chỉ riêng phần lợi nhuận tăng thêm của Viettel đã bằng tổng lợi nhuận cả năm của VNPT; còn lợi nhuận của Viettel chiếm khoảng 60% tổng lợi nhuận của các tập đoàn kinh tế Nhà nước.


Doanh thu, lợi nhuận của Viettel so với ngành Viễn thông và các Tập đoàn Nhà nước khác. (Số liệu cập nhật có thể thay đổi)

Doanh thu, lợi nhuận của Viettel so với ngành Viễn thông và các Tập đoàn Nhà nước khác. (Số liệu cập nhật có thể thay đổi)

Bên cạnh kết quả kinh doanh, Viettel nộp ngân sách đạt 41.140 tỷ đồng, tức tăng 2,3%. Con số này tương đương tổng chi ngân sách trung ương cho 3 lĩnh vực sự nghiệp: giáo dục - đào tạo, dân số - y tế, và khoa học - công nghệ. Năng suất lao động đạt 3,09 tỷ đồng/người – tăng 20% so với năm 2016. Trong khi đó, theo công bố từ Tổng cục thống kê, năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 đạt 93,2 triệu đồng/người .

Viễn thông trong nước đóng góp 65,6% trong tổng doanh thu của Tập đoàn Viettel; mảng đầu tư nước ngoài có tỷ trọng doanh thu ngày càng tăng với tỷ lệ năm 2017 là 13,55%. Mảng đầu tư nước ngoài dự kiến sẽ là thị trường tăng trưởng tương lai của Viettel khi trong nước đã chật hẹp (mật độ điện thoại đạt 116 thuê bao/100 dân - số liệu sau khi đã loại bỏ sim rác nhờ các quyết định cứng rắn của Bộ Thông tin và Truyền thông).

Ở mảng nghiên cứu sản xuất, Tập đoàn Viettel đạt doanh thu 12.500 tỷ đồng. Lợi nhuận từ nghiên cứu sản xuất thiết bị đạt hơn 5.000 tỷ đồng. Các thiết bị mạng lõi do Viettel sản xuất đã được đưa vào mạng lưới tại Việt Nam và cả thị trường quốc tế, trong đó có 300 trạm BTS 4G. Năm 2017, Viettel đã có 25 bằng sáng chế, gấp 3 lần năm 2016 và đứng thứ 3 cả nước. Đây là lĩnh vực kinh doanh mới có tốc độ tăng trưởng rất cao và là một trong các cột trụ của một "Viettel mới".

Cũng trong năm, Tập đoàn Viettel được Chính phủ công nhận là Doanh nghiệp Quốc phòng, An ninh. Đi cùng với đó, Viettel có nhiệm vụ đến năm 2020, phải xây dựng thành công tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao với giá trị doanh thu từ nghiên cứu, sản xuất thiết bị quân sự của Viettel đạt 1 tỷ USD.

Năm 2018, Tập đoàn Viettel đặt mục tiêu doanh thu 277.000 tỷ đồng, tăng trưởng 10,5% so với năm 2017; lợi nhuận 45.500 tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2017. Thuê bao 4G lũy kế đến cuối năm 2018 dự kiến đạt 17 triệu. Viettel đặt mục tiêu nâng cao chất lượng mạng lưới, đưa tốc độ data mạng 4G vào Top 10 của thế giới. Ở mảng đầu tư nước ngoài, Viettel sẽ khai trương dịch vụ di động tại Myanmar – thị trường quốc tế thứ 10.

Lan Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên