MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vinaconex, Sabeco, Cảng Quy Nhơn vào phiên tường thuật trực tiếp khi Quốc hội thảo luận về kinh tế xã hội

Ông Nguyễn Trường Giang - ĐBQH Đắk Nông cho rằng, những sai phạm, thiếu sót khi cổ phần hóa một số công ty lớn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư khi tham gia vào quá trình trình này.

Qua theo dõi việc cổ phân hóa một số doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua, ông Nguyễn Trường Giang nhận thấy việc cổ phần hóa còn thiếu công khai minh bạch, lợi ích nhóm, can thiệp chưa đúng quy định của pháp luật, ông chỉ ra 3 ví dụ.

Thứ nhất, trong quá trình cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, thanh tra chính phủ nêu rõ Bộ Giao thông Vận tải với vai trò trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông vận tải, là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đã chưa làm đúng chức năng nhiệm vụ, để xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình bán vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn không đúng với Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ trước đó phê duyệt.

Trong chuyển nhượng vốn nhà nước tại Công ty cổ phần cảng Quy Nhơn, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành 2 văn bản trái phép cho phép công ty Hợp Thành sở hữu 75,01% cổ phần cảng Quy Nhơn theo phương thức thỏa thuận trực tiếp. Từ những sai phạm trên, thanh tra chính phủ đã yêu cầu Bộ hủy bỏ 2 văn bản và thu hồi 75% cổ phần cảng Quy Nhơn đã bán cho công ty Hợp Thành. Rõ ràng, đây là sự vi phạm từ phía cơ quan quản lý nhà nước là chính, nếu loại từ yếu tố cấu kết của doanh nghiệp với lợi ích nhóm, điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư khi tham gia vào quá trình cổ phần hóa.

Ví dụ thứ hai là quá trình cổ phần hóa Công ty Rượu Bia Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp và các khoản nợ của doanh nghiệp với nhà nước thì ý kiến của các cơ quan nhà nước rất khác nhau. Do vậy, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn sau đó gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hồi khoản nợ ngân sách nhà nước. 

Thứ ba, việc cổ phần hóa Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) có thể thấy là thành công. Tuy nhiên sau cổ phần hóa, sự tranh chấp của các nhóm cổ đông và các nhóm này lại không có quyền yêu cầu tòa án thụ lý giải quyết, nhưng cuối cùng tòa cũng thụ lý và ra các biện pháp quản lý tạm thời. Sau đó, cũng chính tòa lại xác định là cổ đông không có thẩm quyền và hủy quyết định thụ lý, hủy biện pháp quản lý khẩn cấp tạm thời. Ông Giang cho rằng như vậy sẽ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Về giải pháp, ông Giang đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đúng tiến độ đề ra. Thực hiện công khai, minh bạch, khẩn trương xác định giá trị doanh nghiệp có lộ trình thời gian cụ thể để cổ phần hóa thoái vốn. Cần có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm minh với các tổ chức, cá nhân cố tình trì hoãn cổ phần hóa, lợi dụng chức vụ quyền hạn can thiệp trái phép vào quá trình này. 

Hoàng An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên