MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vinatex đề nghị Chính phủ bán hết gần 2.700 tỷ đồng vốn Nhà nước tại Tập đoàn

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã chính thức hoạt động dưới hình thức CTCP từ 1/1/2015 với vốn điều lệ là 5.000 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước tại Vinatex là 53,49% - tương ứng 2.675 tỷ đồng.

Vinatex mới đây đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có đề xuất được thoái hết vốn Nhà nước tại Tập đoàn nhằm củng cố năng lực, phát triển trong thời gian tới.

Tập đoàn cho biết theo Quyết định 58 ra ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 – 2020, Vinatex không thuộc đối tượng Nhà nước nắm giữ vốn.

Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quyết liệt như ngày nay, để tăng tính cạnh tranh trên trường quốc tế, Vinatex bắt buộc phải đưa ra những khoản đãi ngộ phù hợp với nhân sự chất lượng cao mà theo Tập đoàn là “không theo thang bảng lương do Nhà nước quy định”.

Bên cạnh đó, Tập đoàn còn cần các cổ đông có năng lực quản trị chuyên nghiệp nắm giữ, phát triển thị trường để hỗ trợ Tập đoàn công tác quản lý, tiêu thụ sản phẩm.

Do đó, Vinatex đề nghị Thủ tướng xem xét cho thoái toàn bộ phần vốn là 2.675 tỷ đồng tại Tập đoàn cho các cổ đông bên ngoài.

Một vấn đề khác được Vinatex đề nghị trong văn bản là xin Thủ tướng cho phép Tập đoàn được sử dụng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay từ ADB.

Cụ thể, thực hiện Hiệp định của Chính phủ với ADB ngày 10/11/2015, Vinatex đã được ADB cho vay số tiền 100 triệu USD từ nguồn vay thông thường và 5 triệu USD từ nguồn vay vốn đặc biệt, trong đó Bộ Tài chính là cơ quan quản lý khoản vay.

Đến thời điểm hiện tại, Vinatex mới giải ngân được 61 triệu USD, phần còn lại, do vướng mắc về tài sản đảm bảo nên chưa giải ngân được.

Theo Vinatex, Tập đoàn đã nhiều lần đề xuất được dùng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo, do Vinatex là công ty mẹ nên tài sản chính là cổ phiếu của các đơn vị thành viên. Mặc dù số cổ phiếu này có giá trị cao gấp nhiều lần so với mệnh giá và có tỷ suất lợi nhuận trên vốn cao trong nhiều năm liên tiếp và đều là các thương hiệu lớn của Việt Nam (cổ phiếu TCT May Việt Tiến, CTCP Dệt may Hoà Thọ...) nhưng Bộ Tài chính không chấp thuận.

Theo Vinatex, cổ phiếu là tài sản có giá trị trên thị trường chứng khoán, có khả năng thanh khoản cao, dễ chuyển đổi thành tiền hơn các tài sản cố định. Do đó, việc không chấp thuận cho phép sử dụng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo sẽ gây nhiều khó khăn cho Tập đoàn.

Hiện Vinatex đang sử dụng tiền mặt để làm tài sản đảm bảo cho khoản vay. Đối với những khoản vay chưa giải ngân được, Tập đoàn phải thanh toán phí cam kết đối với ngân hàng gây nhiều lãng phí, đồng thời không giải ngân được vốn vay đã được chấp thuận khiến cho hoạt động kinh doanh của Vinatex cũng như doanh nghiệp thành viên bị ảnh hưởng.

Do đó, Tập đoàn kiến nghị Thủ tướng cho phép được sử dụng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo cho khoản vay ADB.

Nam Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên