MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vĩnh Phúc hoàn thành vượt các chỉ tiêu kinh tế, tạo nền tảng phát triển bền vững

Vĩnh Phúc nằm trong tốp các tỉnh có chất lượng tăng trưởng ổn định và cao của cả nước - Ảnh: VGP/HT

Vĩnh Phúc nằm trong tốp các tỉnh có chất lượng tăng trưởng ổn định và cao của cả nước - Ảnh: VGP/HT

Quan điểm điều hành của Vĩnh Phúc là coi trọng việc duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Tỉnh luôn bám sát tinh thần Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, trong đó có mục tiêu nhất quán là người dân phải được hưởng thành quả của sự phát triển.

Kỷ lục mới trong thu ngân sách Nhà nước

Trao đổi với báo chí, ông Lê Duy Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: "Với sự đổi mới phương thức chỉ đạo điều hành, sự nỗ lực rất lớn của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và sự quyết tâm, đồng lòng từ phía doanh nghiệp (DN), nhân dân góp phần làm nên kết quả tích cực trong phát triển kinh tế xã hội (KT-XH) của địa phương với việc 17/17 chỉ tiêu đạt và vượt Nghị quyết HĐND tỉnh giao".

Các chỉ số kinh tế có nhiều khởi sắc với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,54%, là mức tăng cao nhất trong 5 năm gần đây, điều đó giúp Vĩnh Phúc nằm trong tốp các tỉnh có chất lượng tăng trưởng ổn định và cao của cả nước. GRDP bình quân đầu người và thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 9 toàn quốc.

Theo báo cáo của cơ quan thuế tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2022, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ, các chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí được thực hiện hiệu quả, kịp thời, chính xác đã thúc đẩy quá trình sản xuất của DN, đồng thời kích cầu nhu cầu tiêu dùng của người dân, qua đó đóng góp tích cực đến nguồn thu ngân sách của tỉnh.

Kết thúc năm 2022, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh đã xác lập kỳ tích mới, cán mốc 40.000 tỷ đồng, vượt xa số thu ngân sách dự toán được giao (trên 33.100 tỷ đồng), trong đó, khác với một số địa phương, số thu từ đất, hay từ khai thác tài nguyên khá lớn, thì ở Vĩnh Phúc, số thu chủ đạo từ nguồn thu của DN có vốn đầu tư nước ngoài (đạt gần 25.000 tỷ đồng).

Lãnh đạo tỉnh cho hay: "Đây là năm số thu ngân sách của tỉnh đạt mức cao nhất từ trước đến nay, khẳng định quyết tâm, phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của cộng đồng DN".

Đối với nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, ngay từ giữa tháng 11/2022, tất cả các chỉ tiêu được giao của Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc đều đã hoàn thành, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Tính đến hết tháng 12/2022, tổng thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn do Hải quan Vĩnh Phúc quản lý ước đạt gần 7.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, với việc kiểm soát thành công đại dịch COVID-19, trong năm 2022, du lịch Vĩnh Phúc đã phục hồi mạnh mẽ và đạt được những kết quả ấn tượng. Đặc biệt, Tam Đảo trở thành Khu du lịch Quốc gia thứ 7 của Việt Nam và được Tổ chức World Travel Awards vinh danh là thị trấn du lịch hàng đầu thế giới năm 2022, thu hút hàng triệu lượt khách tham quan.

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng: "Để hoàn thành được các chỉ tiêu đề ra trong năm 2022, việc đổi mới phương thức lãnh đạo, công tác đánh giá cán bộ, phân cấp phân quyền, giao nhiệm vụ gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Đây cũng là năm tỉnh đổi mới công tác đánh giá cán bộ, phân công, phân cấp, phân quyền, giao nguồn lực, gắn trách nhiệm với người đứng đầu cơ quan, tổ chức; thực hiện giao việc và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm đối với người đứng đầu các cơ quan".

Trong năm, tỉnh đã ban hành 44 cơ chế, chính sách, trong đó chủ yếu là các cơ chế, chính sách thúc đẩy nâng cao đời sống, thu nhập và phúc lợi cho nhân dân; các chính sách rất sát, đúng và hướng tới người dân.

"Chúng tôi bám sát tinh thần Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, trong đó có mục tiêu nhất quan là người dân phải được hưởng thành quả của sự phát triển", lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh.

Vĩnh Phúc hoàn thành vượt các chỉ tiêu kinh tế, tạo nền tảng phát triển bền vững - Ảnh 1.

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đón nhận Giải thưởng du lịch thế giới “Tam Đảo - thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới” năm 2022 - Ảnh: TTXVN

Duy trì ổn định, x ây dựng nền tảng để bứt phá

Theo chia sẻ của ông Lê Duy Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, với kết quả tăng trưởng GDP 9,54%, tỉnh nằm trong top các tỉnh có chất lượng tăng trưởng ổn định và cao của cả nước, điều quan trọng hơn là tốc độ tăng trưởng này được duy trì trong nhiều năm, thậm chí suốt cả trong thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh nhất.

"Mức 9,54% chưa hẳn là cao nhất, tuy nhiên, quan sát tăng trưởng qua các năm của Vĩnh Phúc khá ổn định. Quan điểm điều hành của Vĩnh Phúc là rất coi trọng việc duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, nếu nền kinh tế trồi - sụt sẽ tác động bất lợi tới các hoạt động kinh tế cũng như đời sống người dân…", ông Lê Duy Thành nói.

Lãnh đạo tỉnh này cho hay, để duy trì tăng trưởng ổn định, bền vững, trong những năm gần đây, Vĩnh Phúc đã tăng cường triển khai, rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn, tồn tại, vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước trên tất cả các ngành, lĩnh vực, khơi thông các nguồn lực cho phát triển KT-XH, đặc biệt là tháo gỡ nút thắt về đất đai, tăng cường giải phóng mặt bằng, cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho DN…

Tỉnh đã đẩy mạnh cải cách hành chính thực sự đi vào chiều sâu khi chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 5, chỉ số cải cách hành chính (Par-Index) xếp thứ 5, chuyển đổi số xếp thứ 12 toàn quốc… Đây là cũng một trong 3 địa phương được VCCI tặng giải thưởng địa phương xuất sắc trong khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo năm 2022…

Thu hút đầu tư đạt kế hoạch đề ra ở mức cao, sau 2 năm đạt 1,6 tỷ USD, gần đạt mục tiêu của cả nhiệm kỳ (từ 2 đến 2,5 tỷ USD). Giải quyết việc làm ổn định, lương và thưởng công nhân ở mức cao cả nước.

Theo ông Nguyễn Văn Độ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, tính trong 2 năm 2021-2022, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Vĩnh Phúc đạt trên 1,6 tỷ USD, bằng 80% mục tiêu cả nhiệm kỳ 2021-2025 (2 tỷ USD). Đây là tín hiệu cho thấy Vĩnh Phúc là môi trường đầu tư tin cậy, lý tưởng cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, các dự án thu hút được chủ yếu tập trung ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 458,23 triệu USD cho 66 dự án, trong đó ngành mũi nhọn là sản xuất linh kiện điện tử với 173,06 triệu USD cho 50 dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành phân tích, tỉnh đón nhận một cách có chọn lọc các dòng vốn FDI chất lượng, trong năm 2023, Vĩnh Phúc tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ các tổ chức, DN, nhà đầu tư, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Lãnh đạo tỉnh cho biết, các yếu tố xã hội, giáo dục, đào tạo có nhiều khởi sắc, đạt được nhiều giải quốc gia và quốc tế; tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 99,97%, cao nhất từ trước đến nay, điểm trung bình xếp thứ 2 toàn quốc.

Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo. Trong năm học 2021-2022, ngân sách tỉnh đầu tư 208,7 tỷ đồng trang bị thiết bị dạy học cho các trường. Công tác tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở được quan tâm và duy trì, các trường chuyên nghiệp và đào tạo nghề đã tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo… Mới đây, Vĩnh Phúc đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tại Singapore bàn về hợp tác giữa Vĩnh Phúc và Singapore trong nhiều lĩnh vực du lịch, giáo dục, công nghiệp với sự tham gia của 160 doanh nghiệp gồm các quỹ đầu tư nước ngoài, các ngân hàng, tập đoàn tài chính hàng đầu Singapore.

Như vậy, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, vốn đầu tư FDI toàn cầu cũng như trong nước có dấu hiệu trầm lắng, Chủ tịch tỉnh Lê Duy Thành cho hay, tỉnh vẫn đang có các bước đi mang tính nền tảng, hoàn thiện các cơ sở hạ tầng xã hội, nhân lực, chuẩn bị sẵn sàng đón nhận "làn sóng" đầu tư chất lượng cho tương lai. Nhà đầu tư sẽ hoàn toàn yên tâm khi đầu tư vào địa phương này vì nguồn lực tại chỗ cũng như cơ sở vật chất tại địa phương, ngoài lĩnh vực chế biến chế tạo, phát triển mạnh du lịch, dịch vụ….

Bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2023, Chủ tịch UBND Vĩnh Phúc Lê Duy Thành nhấn mạnh, tỉnh xác định tiếp tục giữ vững tăng trưởng cao đối với các chỉ tiêu về tăng trưởng KT-XH với các giải pháp đồng bộ, để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023 đã đề ra. Theo đó, Vĩnh Phúc tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển KT-XH theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh; tiếp tục tập trung xử lý các vướng mắc, tháo gỡ các điểm nghẽn trong tất cả các ngành, các lĩnh vực; bám sát tình hình trong và ngoài nước để kịp thời điều hành dự toán ngân sách tỉnh cho phù hợp với năm 2023.

Nhận định hoạt động đầu tư tiếp tục đóng vai trò là nhân tố chính dẫn dắt tăng trưởng kinh tế; công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh được xác định là một trong các nhiệm vụ quan trọng góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Để bảo đảm mục tiêu thu hút vốn FDI và đầu tư trực tiếp nội địa (DDI), Vĩnh Phúc sẽ triển khai kế hoạch xúc tiến đầu tư năm 2023; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện thu hút các nhà đầu tư chiến lược, công nghệ cao, tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Tỉnh cũng đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp cho thu hút đầu tư; tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI, tiếp tục rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư; triển khai cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Theo Anh Minh

VGP

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên